Chuyện tình cảm động của một thanh niên Việt với cô gái Triều Tiên
Quốc tế - Ngày đăng : 15:22, 13/02/2019
Câu chuyện tình bắt đầu từ mùa xuân năm 1971, nhưng mãi đến năm 2002 họ mới được phép trở thành vợ chồng, và ông bà Cảnh hiện sống trong một căn hộ xây thời Liên Xô ở thủ đô Hà Nội của Việt Nam.
Vào năm 1967, Việt Nam đang có cuộc chiến chống Mỹ. Cảnh là một trong 200 sinh viên được cử đến Triều Tiên học, nhằm có được những kỹ năng mà chính quyền cần để có thể tái thiết đất nước Việt Nam một khi cuộc chiến đó kết thúc.
Năm 1971, nhân một khóa tập sự về sản xuất hóa chất, tại một xí nghiệp phân bón ở vùng biển phía đông Triều Tiên, Cảnh trông thấy cô Ri đang làm việc trong một phòng thí nghiệm. Anh lập tức cảm nhận đó sẽ là người yêu của cả đời mình.
Ông Cảnh kể với Reuters: “Tôi nghĩ: Mình phải cưới cô gái đó làm vợ”. Cảnh đã thu hết can đảm để tiến tới cô Ri và xin cô cho địa chỉ nhà.
Vợ chồng ông Cảnh hiện sống ở Hà Nội - Ảnh: Reuters
Năm nay 70 tuổi, bà Ri kể: Bạn bè cô cho cô biết một trong số “Việt Cộng” làm việc ở xí nghiệp rất thích cô, và cô rất tò mò: “Khi tôi trông thấy anh ấy, tôi biết chính là người này. Anh ấy rất có duyên. Trước đó, khi nhìn thấy các tay được cho là đẹp trai, tôi chỉ thấy bình thường, nhưng khi anh ấy mở cửa, tim tôi liền tan chảy”.
Vấn đề cho đến nay ở Triều Tiên, và ở Việt Nam lúc đó, các mối quan hệ với người nước ngoài hoàn toàn bị cấm. Bà Ri cũng tâm sự: “Ngay từ lúc trông thấy anh ấy, tôi rất buồn vì cảm thấy có thể là một cuộc tình không bao giờ thành hiện thực”.
Sau vài lần trao nhau những bức thư, cô Ri đồng ý cho Cảnh đến thăm nhà cô. Ông đã phải rất cẩn thận, vì một “đồng chí” người Việt Nam đã bị đánh, do bị phát hiện anh ta ở cạnh một thiếu nữ Triều Tiên.
Cảnh mặc quần áo giống người Triều Tiên, ngồi xe đò 3 giờ và thêm 2 km đi bộ đến nhà Ri. Đó là một hành trình mà anh thường lập lại suốt nhiều tháng, cho đến khi anh trở về Việt nam năm 1973. Ông kể: “Tôi bí mật đến nhà cô ấy, cứ như một tay du kích”.
Theo Reuters, khi trở về Hà Nội, Cảnh cảm thấy vỡ mộng vì tình yêu của ông cũng không được ủng hộ.
Năm 1978, công ty hóa chất - nơi Cảnh làm việc- tổ chức một đoàn công tác đến Triều Tiên. Cảnh xin tham gia và cố gắng gặp cô Ri. Nhưng mỗi khi họ gặp nhau, Ri cảm thấy tan nát lòng với suy nghĩ rằng có thể họ sẽ không còn được gặp nhau nữa.
Cảnh đã đem theo một bức thư gửi lãnh đạo Triều Tiên, thỉnh cầu họ cho phép anh cùng cô Ri thành vợ chồng. Ông Cảnh kể khi trông thấy bức thư, cô Ri đã hỏi người yêu: “Này đồng chí, đồng chí tính thuyết phục chính phủ của tôi à ?”.
Vậy là Cảnh không gửi bức thư, thay vào đó xin cô Ri hãy đợi anh.
Cuối năm 1978, ở Việt Nam xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, tiếp nữa cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc, vì nhiều lý do, đôi tình nhân không thể viết thư cho nhau nữa. Bà Ri kể: “Mẹ tôi khóc khi săn sóc tôi. Tôi cho rằng bà biết tôi bị thất tình".
Năm 1992, ông Cảnh lại cố gắng được đi công tác đến Triều Tiên, ở vai trò người phiên dịch cho một đoàn thể thao Việt Nam, nhưng ông không thể gặp bà Ri. Khi trở về Hà Nội, ông nhận được một bức thư của bà Ri, cho biết bà vẫn yêu ông.
Theo Reuters, vào cuối thập niên 1990, Triều Tiên lâm nạn đói trầm trọng.Ông Cảnh rất lo cho bà Ri và đồng bào của bà, nên ông đã xin bạn bè giúp 7 tấn gạo và gởi qua Triều Tiên. Hành động thiện chí này cuối cùng đã mở đường cho ông gặp lại bà Ri: chính quyền Triều Tiên biết được sự giúp đỡ của ông Cảnh, nên đồng ý cho ông cưới bà Ri làm vợ và sống ở nước khác, dù bà Ri vẫn giữ quyền công dân Triều Tiên.
Năm 2002, đôi tình nhân làm đám cưới ở Sứ quán Việt Nam tại Bình Nhưỡng, rồi đôi vợ chồng lập cuộc đời mới ở Hà Nội. Ông Cảnh nói: Cuối cùng, tình yêu đã chiến thắng.
Hiện sống tự do ở Việt Nam, ông bà Cảnh đang hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội, giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (vào cuối tháng 2 này) sẽ giúp kết thúc sự thù địch giữa Mỹ với Triều Tiên.
Bà Ri nói: “Nếu quí vị là người Triều Tiên, quí vị sẽ muốn chuyện này được giải quyết. Nhưng chính trị rất phức tạp. Lúc đầu, khi người ta nghe chuyện ông Kim Jong-un quyết định gặp ông Trump, họ đã kỳ vọng sẽ sớm có cuộc tái thống nhất hai miền. Nhưng điều đó khó xảy ra trong chỉ một, hai ngày. Tôi hy vọng mọi sự sẽ tốt đẹp”.
Bích Ngọc (theo Reuters)