Bộ Y tế khuyến cáo dịch sởi đang tăng nhanh và diễn biến bất thường
Thông tin Y học - Ngày đăng : 11:45, 15/02/2019
Tại Hà Nội, đếnnay đã có tới 114 ca mắc sởi, trong khi năm 2018 chỉ có 8 ca mắc bệnh. Đặc biệt, trong số những ca mắc sởi, có tới 89,1% chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều.
Chia sẻ với phóng viên, PGS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay bệnh sởi đang có chiều hướng tăng nhanh và diễn biến bất thường vì cả người lớn và trẻ em đều mắc phải. Số ca mắc sởi phân bố rải rác ở 23 quận, huyện, chưa có ổ dịch lớn. Tuy nhiên, ngành y tế nhận định, giai đoạn chuyển mùa hiện nay với thời tiết mưa ẩm là điều kiện rất thuận lợi để các bệnh về hô hấp như sởi, ho gà, cúm, thủy đậu phát triển mạnh. Vì vậy, dự báo số ca mắc sởi có thể gia tăng hơn nữa trong thời gian tới.
Trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, cả nước ghi nhận 664 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rải rác tại các tỉnh, thành phố, chủ yếu ở khu vực miền Bắc và miền Nam, không có trường hợp nào tử vong.
Phân tích từ các nhà khoa học, việc dịch sởi bùng phát tại một số nước hiện nay là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi không đạt yêu cầu tại nhiều nước và sẽ để lại hậu quả lớn cho sức khỏe người dân, cũng như tăng chi phí điều trị so với việc chỉ phải tiêm vắc xin sởi thông thường. Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho thấy, tại Việt Nam, ở một số nơi vùng sâu, vùng xa và những đô thị (có số trẻ biến động lớn) có nhiều trẻ còn chưa được tiêm vắc xin sởi đầy đủ. Do đó, các địa phương này có nguy cơ ghi nhận trường hợp mắc và các ổ dịch sởi tại cộng đồng.
Để phòng chống bệnh sởi, người dân cần chủ động đưa trẻ từ đủ 9 tháng tuổi đến các điểm tiêm chủng thường xuyên hàng tuần tại xã phường để tiêm vaccine sởi mũi 1. Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi cần tiêm nhắc lại mũi 2. Đối với những trẻ từ 1 đến 5 tuổi chưa được tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella trong chiến dịch (tháng 12.2018 và tháng 1.2019), cần được tiêm vét ngay càng sớm càng tốt. Trường hợp trẻ trên 5 tuổi chưa được tiêm đủ 02 mũi vaccine sởi, kể cả người lớn chưa bị mắc bệnh sởi, phụ nữ chuẩn bị mang thai trước 3 tháng cũng cần tiêm bổ sung để phòng bệnh.
Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa...), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh. Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện. Bộ Y tế cũng chỉ rõ, bệnh sởi rất dễ lây, nên không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi.
Dạ Thảo