Bài 2: Tại sao chúng ta nên thay đổi?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:03, 17/02/2019
Tại sao chúng ta muốn thay đổi?
Trước hết, tại sao chúng ta lại muốn thay đổi cái-nó-là, hay mang lại một sự chuyển hóa nhỉ? Có lẽ là vì chúng ta thấy bất mãn với chính điều chúng ta là, chúng ta muốn ở trong một trạng thái tốt đẹp hơn, cao quý hơn, giàu lý tưởng hơn và điều đó gây nên sự xung đột, xáo trộn. Chính vì những nỗi đau, sự khó chịu và cảm giác mâu thuẫn đó mà chúng ta mong đợi một sự chuyển đổi.
Thay đổi là cần thiết
Khi bạn thay đổi tận gốc rễ, bạn không hành động vì xã hội hay vì bạn muốn làm việc thiện; vì bạn muốn được lên thiên đường hay gặp Thượng đế, hoặc thứ gì đó tương tự. Bạn thay đổi vì điều đó cần thiết cho bản thân sự thay đổi ấy. Nếu bạn yêu thích một điều gì đó vì chính nó, nó tự khắc sáng tỏ lạ thường; sự sáng tỏ này, chứ không phải việc thiện hay đường lối cải cách, sẽ cứu rỗi cho loài người.
Sự thay đổi bên trong, chứ không phải bề ngoài, sẽ giúp chuyển hóa xã hội
Đã có vô số những bài phát biểu, những cuộc tranh luận và những lời giảng giải, song tất cả những điều ấy đều không dẫn đến hành động trực tiếp vì để thật sự hành động, chúng ta cần thay đổi một cách căn bản và tận gốc. Ta không cần đến những cuộc tranh luận, lý lẽ thuyết phục hay hướng dẫn cách thức; cũng không cần đến những người giúp ta có được sự thay đổi cốt yếu, theo nghĩa sâu sắc nhất của từ này. Chúng ta cần thay đổi, nhưng không phải là theo bất kỳ ý tưởng, công thức, khái niệm cụ thể nào, vì khi ta có những kế hoạch hành động chi tiết thì hành động sẽ bị ngăn chặn. Giữa hành động và ý tưởng có một khoảng lệch thời gian, một sự gián đoạn, và khoảng lặng đó chứa đựng sự chống đối bên cạnh sự tuân phục, hay là sự mô phỏng ý tưởng hoặc công thức đó trong nỗ lực biến nó thành hành động. Chúng ta đang làm vậy mọi lúc mọi nơi; dù ta vẫn biết mình cần phải thay đổi không chỉ ở bề nổi bên ngoài mà ở cả thế giới nội tâm sâu thẳm của ta.
Có vô số thay đổi bên ngoài đang thúc ép ta tuân theo một mô thức hành động nhất định; nhưng thật ra thì những thách thức của đời sống thường nhật lại đòi hỏi ở ta một cuộc cách mạng cá nhân sâu sắc. Hầu hết chúng ta nuôi dưỡng những ý tưởng và khái niệm về điều chúng ta nên là hay điều chúng ta phải là, nhưng chúng ta chẳng bao giờ chịu thay đổi một cách căn cơ. Ý tưởng hay khái niệm không thể khiến chúng ta thay đổi, chúng ta chỉ thay đổi trong trường hợp cấp thiết, mà thường thì ta không bao giờ nhận ra sự cần thiết đó ngay từ đầu. Và cứ nhằm lúc ta muốn thay đổi thì sự xung đột và kháng cự lại ập đến để rồi chúng ta phí phạm quá nhiều năng lượng vào sự chống đối, cản trở đó.
Để giúp xã hội trở nên tốt đẹp hơn, con người cần phải thay đổi. Bạn và tôi phải tích góp cho đủ nguồn năng lượng, động lực, sức sống để có thể mang lại sự chuyển hóa tận gốc rễ trong tâm trí. Vậy mà ta nỡ phí phạm nguồn năng lượng ấy vào sự xung đột, sự kháng cự, sự quy phục, sự cam chịu, sự tuân lệnh hay sao? Để duy trì năng lượng, chúng ta phải nhận biết về chính mình, phải hiểu được rằng ta đã để năng lượng bị hao tổn như thế nào. Đây là một vấn đề thâm căn cố đế của phần lớn loài người, vốn là những kẻ lười biếng. Họ chỉ biết chấp nhận, tuân phục và theo đuôi kẻ khác. Nếu chúng ta nhận thức được căn bệnh biếng nhác này để cố gắng hồi sinh tâm trí và trái tim mình, thì nỗ lực đó lại phát sinh thành xung đột, cũng là một sự phí phạm năng lượng theo kiểu khác.
Thế thì chúng ta cần làm sao để duy trì nguồn năng lượng cần thiết cho một sự bùng nổ diễn ra trong tâm thức – một sự bùng nổ không được trù tính trước bởi ý nghĩ, một sự bùng nổ diễn ra một cách hết sức tự nhiên, có như thế thì nguồn năng lượng trong ta mới không bị hao phí. Tóm lại, việc tập hợp toàn bộ năng lượng là vô cùng quan trọng để ta có thể tạo nên một cuộc cách mạng triệt để trong tâm thức. Chúng ta phải làm mới tâm trí mình cũng như phải thay đổi hoàn toàn quan điểm của mình từ trước đến nay đối với cuộc sống.
Trích sách Bạn đang nghich gì với đời mình