Bài 3: Hãy sống một cuộc đời như bạn hằng mong muốn

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:07, 18/02/2019

Chỉ nhìn vào đời sống mà không hề nghĩ ngợi gì, bạn có thể làm như vậy không? Nói thế không có nghĩa là bạn để tâm trí mình trống rỗng, nhưng bạn chỉ nhìn và chỉ có thể nhìn đơn thuần như vậy khi không bị cái tôi can dự vào cách nhìn. Bạn có hiểu điều này không?

Tôi là một kẻ bạo lực, và tôi đã xua đi cái ý tưởng ngớ ngẩn rằng mình không bạo lực vì như vậy là thiếu chín chắn, ngu ngốc và thật vô nghĩa. Thực tế là tôi bạo lực. Nội chuyện đấu tranh nhằm thoát ly khỏi nó hay nhằm mang đến một sự thay đổi cũng cần rất nhiều nỗ lực, chẳng phải chính sự nỗ lực đó cũng là một phần của bạo lực đó sao. Tính bạo lực phải được thay đổi và được chuyển hóa hoàn toàn, chúng ta cần có một sự biến đổi toàn diện trong đó.

Vậy, làm thế nào chúng ta thực hiện được điều đó? Nếu chỉ vì khó khăn mà gạt bỏ vấn đề sang một bên, bạn sẽ để lỡ mất một trạng thái phi thường của cuộc sống – sự hiện sinh không cần đến nỗ lực – và do đó bạn mất đi cơ hội tiếp xúc với đời sống ở mức độ tinh tế, minh tuệ nhất. Chỉ với trí tuệ vượt trội phi thường này, ta mới có thể khám phá được những giới hạn và những thước đo của thời gian, thậm chí vượt lên trên nó. Bạn đã nghiệm ra vấn đề chưa? Chúng ta đã luôn sử dụng ý tưởng như một phương tiện hoặc động lực để thoát khỏi đời sống như-nó-là, và điều đó lại dung dưỡng cho sự mâu thuẫn, thói đạo đức giả, tính cứng nhắc, sự thô bạo. Nếu từ bỏ những ý tưởng đó, chúng ta trải nghiệm thực tế và thấy rằng hiện thực phải được thay đổi một cách hết sức tự nhiên. Bất kỳ sự cọ xát, đấu tranh, hay nỗ lực nào cũng sẽ phá hủy tính nhạy cảm của tâm trí và trái tim.

Vậy, người ta phải làm gì? Những gì ta phải làm là quan sát sự thật – quan sát mà không diễn dịch, diễn giải, nhận dạng, quy kết, đánh giá – chỉ đơn thuần là quan sát thôi.

Bản chất của sự quan sát

Tôi đã được bảo rằng một hạt điện tử (electron) được đo lường bằng một thiết bị chuyên dụng, sẽ chuyển động theo cách mà ta không thể biểu diễn nó bằng đồ thị. Nhưng khi chúng ta quan sát chính hạt điện tử đó qua kính hiển vi, sự quan sát này của tâm trí con người làm thay đổi trạng thái của hạt điện tử.

Khi bạn chỉ quan sát hiện thực thì bạn sẽ nhận thấy có một trạng thái khác của hiện thực; cũng như khi hạt điện tử được quan sát vậy. Khi bạn nhìn vào sự thật mà không có bất kỳ áp lực nào, thì sự thật đó cũng trải qua một quá trình biến đổi hoàn toàn mà không cần đến bất kỳ nỗ lực nào.

Tư duy đúng đắn và sự nhận biết

Có sự khác biệt giữa ý nghĩ đúng đắn và tư duy đúng đắn. Ý nghĩ đúng đắn đơn thuần là một sự tuân phục vào khuôn mẫu định sẵn, hay vào một hệ thống; nó tĩnh tại và bao hàm sự va chạm liên miên của lựa chọn. Tư duy đúng đắn hay tư duy xác thực thì đòi hỏi chúng ta thăm dò và khám phá. Ta không thể học hỏi, cũng không thể thực hành nó. Tư duy đúng đắn là chuyển dịch của sự hiểu biết chính mình từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, nảy sinh ra từ sự nhận biết các mối tương quan.

Tư duy đúng đắn chỉ có thể xuất hiện cùng lúc với sự nhận biết từng ý nghĩ một, từng dòng cảm xúc một; sự nhận biết này không chỉ khu trú trong một nhóm các ý nghĩ và cảm xúc nhất định, mà là trong mọi ý nghĩ và cảm xúc.

Ý nghĩ về sự tự do – sống một cuộc đời như bạn muốn

Chúng ta cần hiểu rõ rằng tư duy là sự hồi đáp của ký ức, mà ký ức thì mang tính cơ học. Mọi suy nghĩ được hình thành từ tri thức thiếu toàn vẹn đều mang tính cục bộ và bị giới hạn. Vậy thì ý nghĩ tự do không bao giờ tồn tại; chúng ta chỉ có thể bắt đầu khám phá về một trạng thái tự do mà toàn bộ quy trình suy nghĩ không giúp ta đạt đến nó; trong sự tự do đó, tâm trí chỉ đơn giản nhận biết về mọi xung đột xảy ra bên trong nó, cũng như những ảnh hưởng đang tác động lên nó mà thôi.

Trích sách Bạn đang nghịch gì với đời mình

First News – Trí Việt