Trung Quốc thuê cựu cảnh sát nước ngoài thu hồi tài sản phi pháp
Quốc tế - Ngày đăng : 16:17, 18/02/2019
Những cựu cảnh sát này hiện làm việc cho một công ty bên thứ ba tại Hồng Kông. Nhiệm vụ của họ là lấy lại số tiền mà đối tượng phạm tội Trung Quốc chuyển ra ngoài, hoặc quỹ hợp pháp nhưng bị bòn rút rồi đưa sang quốc gia khác như Canada, Mỹ, Úc.
Theo thỏa thuận thì mỗi lần thu hồi thành công, những cựu cảnh sát đều được trả hoa hồng.
Austin Whittaker - cựu điều tra viên bang New South Wales, nhà phân tích tình báo và từng phục vụ trong quân đội Úc - đang hợp tác với một cựu thám tử người New Zealand đăng ký làm nhà điều tra tư nhân tại thành phố Gold Coast tên Jason McFetridge.
Chiến lược hai ông sử dụng rất đơn giản: nói rõ họ làm việc cho chính phủ Trung Quốc để xem liệu người sở hữu tài sản (phi pháp) hiện tại có chấp nhận trao lại quyền sở hữu hay không?
“Chúng tôi sẽ bán tài sản, thu hồi rồi trả lại tiền cho phía Trung Quốc. Mọi người đều vui vẻ”, ông McFetridge cho biết.
Hai cựu cảnh sát thời gian gần đây chú ý đến một cụm bất động sản trị giá 80 triệu USD ở Gold Coast, nghi ngờ chúng được mua bởi một số đối tượng Trung Quốc bằng “tiền bẩn” đã hợp pháp hóa.
Whittaker và McFetridge khẳng định họ hành động trong khuôn khổ pháp luật. Theo ông McFetridge: “Chúng tôi luôn tìm kiếm lời khuyên pháp lý nhằm đảm bảo những gì chuẩn bị thực hiện đã qua suy xét kỹ lưỡng, không vượt qua ranh giới luật pháp”.
Nhưng họ gặp rắc rối ngay trong vụ đầu tiên. Một đối tượng người Trung Quốc kiện ông McFetridge với cáo buộc lừa đảo, gian lận cùng với làm giả văn kiện hòng kiểm soát công ty - thực thể đứng tên sở hữu tài sản phi pháp.
Phía tòa án phán quyết đối tượng người Trung Quốc vẫn là giám đốc công ty. Điều này khiến McFetridge không thể bán đi khối tài sản. Sau thất bại, hai cựu cảnh sát nhận được yêu cầu phải tiếp tục theo đuổi vụ việc.
Neil Jeans, cựu điều tra viên người Scotland nay điều hành một công ty tư vấn, đánh giá việc cường quốc châu Á dùng nhân lực tư nhân cho công tác thu hồi tiền phi pháp là chưa từng có tiền lệ, đồng thời khuyên những người làm công việc này nên cẩn thận.
Whittaker và McFetridge đảm bảo họ không nhận lệnh từ nước ngoài. Theo ông Whittaker: “Chúng tôi không trực tiếp làm việc cho chính phủ Trung Quốc. Trong trường hợp này chính phủ Trung Quốc tham gia quan hệ đối tác công - tư với một công ty (bên chịu trách nhiệm thu hồi tiền). Họ chỉ đơn giản là hợp tác cùng bên thứ ba có khả năng cung cấp nguồn lực”.
Cựu thành viên cảnh sát kỵ binh hoàng gia Canada Bill Majcher – chuyên gia về tội phạm tài chính – hiện là chủ tịch công ty thu hồi tài sản EMIDR. Ông cho rằng: “Miễn yêu cầu hợp lý và hành động hợp pháp, thì tôi sẽ được thuê để giúp các tập đoàn lớn hay chính phủ lấy lại những gì thuộc về họ”.
“Tôi có mối quan hệ làm ăn với một số cá nhânliên quan đến giới công an Trung Quốc. Phần lớn nhiệm vụ tập trung vào tội phạm kinh tế, rửa tiền”, chủ tịch Majcher tiết lộ.
Sử dụng nhân lực tư nhân xuất phát từ những nỗ lực thu hồi tiền phi pháp chính thức, chẳng hạn như chiến dịch “Lưới trời”.
Khởi động từ năm 2015, “Lưới trời” đặt ra nhiệm vụ bắt giữ tội phạm chạy ra nước ngoài (kể cả quan chức tham nhũng) và lấy lại số tiền mà những đối tượng này tẩu tán. Úc được xem là mục tiêu trọng điểm.
Chủ tịch Majcher dự đoán nhu cầu thu hồi tài sản phi pháp của chính phủ Trung Quốc sẽ tăng chứ không giảm, đem lại cơ hội mở rộng kinh doanh cho loại hình công ty mà ông đang điều hành.
Cẩm Bình (theo ABC News)