Trung Quốc nói trại giáo dục ở Tân Cương nên được quốc tế 'hoan nghênh'
Quốc tế - Ngày đăng : 15:40, 25/02/2019
Một nỗ lực chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan của Trung Quốc tại khu vực Tân Cương xa xôi phía tây của nước này nên được "hoan nghênh" vì đã tạo ra một phương pháp mới để giải quyết vấn đề này, một nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốcnói với các phái viên nước ngoài hồituần trước.
Theo Guardian, Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao liên quan đến những "cơ sở giáo dục và đào tạo" tại Tân Cương, khi mời nhiều nhà ngoại giao nước ngoài đến thăm các cơ sở này. Hành động của Trung Quốc được cho là để chống lại sự chỉ trích từ các quốc gia Hồi giáo và Liên Hợp Quốc.
Theo chính phủ Trung Quốc, các "cơ sở giáo dục và đào tạo" tại Tân Cương đã rất thành công trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công có thể diễn ra của những nhóm "phiến quân" Hồi giáo ly khai. Nhưng các tổ chức nhân quyền cũng như những người Hồi giáo tại Tân Cương cáo buộc các cơ sở này là "trại tập trung".
Hôm 22.2, Phó Chủ tịch Chính phủ Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Erkin Tuniyaz và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhang Hanhui đã tổ chức một cuộc họp với đại diện ngoại giao của 80 nước tại Bắc Kinh về vấn đề Tân Cương.
Tại cuộc họp báo này, cả hai nhà lãnh đạo Trung Quốc đã giải thích về những thành tựu phát triển của Tân Cương và các chương trình chống khủng bố và chống chủ nghĩa cực đoan của chính quyền Trung Quốc tại Tân Cương.
"Những nỗ lực chống khủng bố và chống chủ nghĩa cực đoan của Tân Cương đã tạo ra một cách mới để giải quyết các triệu chứng và nguyên nhân sâu xa của vấn đề chống khủng bố toàn cầu đầy khó khăn, và rất đáng khen ngợi", ông Zhang tuyên bố.
"Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng góp đúng mức cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu", ông Zhang nói thêm.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, sau cuộc họp trên thì các quan chức ngoại giao nước ngoài đã hiểu được vấn đề đang diễn ra ở Tân Cương, và những hành động của Trung Quốc đang làm có ý nghĩa quan trọng đối với phần còn lại của thế giới trong việc chống khủng bố, "kinh nghiệm thành công của Tân Cương ở Tân Cương rất đáng để nghiên cứu và rút kinh nghiệm".
Tuy nhiên, theo Guardian, Trung Quốc không công bố các ý kiến của những nhà ngoại giao nước ngoài tham dự cuộc họp cũng như danh sách các nước tham gia cuộc họp này. Theo Reuters, một nguồn tin ngoại giao cho hay là các nhà ngoại giao từ phương Tây và các nước hàng xóm của Trung Quốc đã tham dự cuộc họp này.
Trung Quốc hiện đang thực hiện những vận động hành lang để chặn sự giám sát của quốc tế với các "cơ sở giáo dục và đào tạo" tại Tân Cương, trong bối cảnh phiên họp thường niên của Hội đồng Nhân quyền LHQ sẽ bắt đầu khai mạc hôm 25.2.
Trung Quốc cũng nhiều lần bác bỏ mọi cáo buộc rằng họ ngược đãi người Tân Cương trong các "cơ sở giáo dục và đào tạo" này.
Ái Vi (theo The Guardian)