Thiếu nữ 17 tuổi suýt mất quả thận
Thông tin Y học - Ngày đăng : 16:54, 26/02/2019
Ngày 26.2, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho hay đã phẫu thuật chỉnh sửa thành công cho một thiếu nữ bị tái hẹp khúc niệu quản. Trước đó,sau nhiều lần điều trị bất thành, bệnh nhân từngđượccác bác sĩ chỉ định là phải cắt thận trái để thoát khỏi tình trạng thận ứ nước gây đau tức vùng hông, lưng.
Theongười nhà của thiếu nữ N.T.Y.P. (17 tuổi, ngụ ở TP.HCM), cách đây khoảng 2 năm, P. bị đau tức vùng hông lưng trái, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện để khám.Các bác sĩ chẩn đoán P. bị thận ứ nước nhiều do hẹp khúc nối bể thận niệu quản.
Các bác sĩ ở đây tiến hành phẫu thuật nội soi vùng hông lưng sửa chữa chỗ hẹp. Sau phẫu thuật, thận trái vẫn còn ứ nước đáng kể. Sau đó, thiếu nữ này được phẫu thuật lần 2 bằng cách dùng laser xẻ rộng chỗ hẹp và đặt ống nong trong lòng niệu quản kéo dài trên một năm.
Tuy nhiên, sau khi rút ống nong, thận trái của bệnh nhân lại bị ứ nước gây đau tức hông lưng trở lại. Gia đình đã đưa P. đến khám tại một số bệnh viện khác và được đề nghị cắt quảthận trái vì chỗ hẹp không thể sửa được.
"Nếu cháu bị mất đi một quả thận thì sẽ ảnh hướng rất nhiều đến cuộc sống của cháu sau này.Vì tuổi đời của cháu còn rất trẻ nên gia đình quyết tâm “ còn nước còn tát” với hy vọng cứu lấy quả thận của em”, một người nhà của P. chia sẻ.
Trước tình cảnh trên, người nhàđã đưa P. đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM với hy vọng “còn nước còn tát”.
TS.BS Nguyễn Hoàng Đức – Trưởng khoa Tiết Niệu, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết sau khi nghe người nhà trình bày bệnh lý của P. và mong muốn sửa chữa lại chỗ hẹp, giữ lại thận cho bệnh nhân. Ngay lập tức,bệnh nhân được cho khám tổng quát và thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Kết quả cho thấy, bệnh nhân P. bị xơ hẹp nghiêm trọng tại chỗ nối bể thận niệu quản. "Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng cản trở lưu thông nước tiểu từ thận xuống niệu quản", bác sĩ Đức nói.
Theo bác sĩ Đức trường hợp của bệnh nhân P. kháphức tạp, do hậu quả của 2 lần phẫu thuật trước đã để lại rất nhiều mô xơ dính, gây cản trở nghiêm trọng lưu thông nước tiểu từ thận xuống niệu quản. Tuy nhiên, tình trạng trên của bệnh nhân không thể chần chừ được nữa, các bác sĩ vẫn quyết định phẫu thuật tạo hình chỗ niệu quản bị hẹp để trả lạichức năng sinh hoạt bình thường cho bệnh nhân.
“Trong quá trình phẫu thuật chúng tôi phải nhích kéo từng mi li mét để bóc tách toàn bộ vùng nối bể thận niệu quản. Sau khi cắt hết mô xơ dính và hạ thấp thận, chúng tôi tiếp tục cắt bỏ đoạn hẹp, tái lập lưu thông của nước tiểu từ thận. Sau 3 tiếng đồng hồ kiên trì, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp. Hiện bệnh nhân đã hoàn toàn khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường, thận trái không còn ứ nước”, bác sĩ Đức cho hay.
Cũng theo bác sĩ Đức, khúc nối bể thận niệu quản là một vị trí đặc biệt của đường tiết niệu, nơi mà thận nối với ống niệu quản để dẫn nước tiểu xuống bàng quang. Khi khúc nối bể thận niệu quản bị hẹp, nước tiểu không thoát xuống niệu quản được dễ dàng, áp lực nước tiểu bên trong thận tăng dần làm giãn thận, ứ nước tiểu trong thận.
Hẹp khúc nối bể thận niệu quản không phổ biến ở người lớn. Nhưng ở trẻ em, hẹp khúc nối bể thận niệu quản là nguyên nhân của 80% các trường hợp thận ứ nước. Hẹp khúc nối bể thận niệu quản bẩm sinh ở trẻ em thường gặp ở bé trai nhiều gấp 3 lần bé gái. Ở người lớn, khúc nối bể thận niệu quản có thể bị hẹp do một nhánh mạch máu thận chèn ép lâu ngày; đoạn khúc nối bị “trơ” mất nhu động; chít hẹp do tình trạng viêm mạn tính hoặc do di chứng sau phẫu thuật, chủ yếu là phẫu thuật lấy sỏi. Ngoài ra, một số trẻ em bị hẹp nhẹ khúc nối bể thận niệu quản bẩm sinh chưa cần điều trị khi còn nhỏ tuổi, nhưng đến tuổi trưởng thành mức độ hẹp nặng dần nên phải can thiệp.
Hẹp khúc nối bể thận niệu quản gây đau tức hông lưng kéo dài. Mặc dù mức độ đau không nặng nề nhưng người bệnh luôn có cảm giác tức nặng như có vật gì đè nặng ở vùng lưng, nhất là khi hoạt động thể lực nhiều. Một số trường hợp thận ứ nước lâu ngày bị nhiễm trùng, mủ thận, có thể đưa đến nhiễm trùng máu gây nguy hiểm đến tính mạng.
Hồ Quang