Chuẩn hiệu trưởng và giáo viên mầm non tại TP.HCM: Được không?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:17, 27/02/2019
Chia sẻ tại hội nghị, TS Nguyễn Hải Thập - Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết việc chuẩn nghề nghiệp với cả hiệu trưởng và giáo viên tại các cơ sở mầm non đã được ban hành từ rất lâu rồi. Trong đó, nhiều quy định về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm không còn phù hợp với yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục mầm non mới chỉnh sửa nói riêng và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nói chung trên cả nước.
Từ thực tế đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành chuẩn nghề nghiệp mới nhằm giúp cơ quan quản lý xây dựng lại các văn bản hướng dẫn đánh giá, áp dụng chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp cũng như làm tiền đề cho các kế hoạch quy hoạch, bổ nhiệm nhân sự. Ngoài ra, đối với các trường đại học, cao đẳng sư phạm, đây sẽ là cơ sở để xây dựng lại chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu mới của xã hội.
Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non gồm 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí. Trong khi đó, chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non gồm 5 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí, trong đó chú trọng các tiêu chí về tự chủ, tự chịu trách nhiệm và quản trị nhà trường.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp thì lại cho rằng giáo viên sư phạm có chức năng nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non, phổ thông, cán bộ quản lý, nhà nghiên cứu khoa học giáo dục.
Theo PGS Nguyễn Văn Đệ, việc triển khai đánh giá năng lực giảng viên trong hoàn cảnh hiện nay cũng còn có những thuận lợi, thách thức. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, việc đánh giá giảng viên còn chưa có những quy định mang tính pháp lý. Chính vì vậy, ông cho rằng: Yêu cầu đối với đánh giá giảng viên theo chuẩn cần phải đảm bảo: Tính khách quan, tính phát triển; tính dự báo; tính toàn diện và sát thực. "Thậm chí nhiều giáo viên còn dị ứng với những văn bản mới nhắc đến việc coi trọng phẩm chất vì chính giáo viên đang chịu rất nhiều áp lực, búa rìu dư luận trước những sự cố nghề nghiệp, đặc biệt là các vụ việc sai phạm nghiêm trọng của một bộ phận nhà giáo.
Đôi khi những giáo viên sai phạm không nhiều nhưng dư luận lại đánh đồng với tất cả những người làm trong ngành giáo dục khiến giáo viên cũng như hiệu trưởng thấy áp lực. Để không đánh giá sai, áp dụng chuẩn trong việc nâng cao chất lượng thì không phân biệt giữa người làm sai, người làm đúng và cũng không để việc đánh đồng các giáo viên lại đưa ra một nhận xét thiếu tính xác thực" - thầy Đệ cho hay.
Một điểm đáng lưu ý trong quy định chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên và cán bộ quản lý bậc mầm non là đưa thêm quy định về chuẩn ngoại ngữ và tin học. Chia sẻ vấn đề này, thạc sĩCù Thị Thủy, Phó trưởng Phòng Nhà giáo - Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, khẳng định việc đặt ra các chuẩn quy định về ngoại ngữ và tin học không phải tạo thêm áp lực bằng cấp cho giáo viên, mà nhằm đánh giá tổng quan khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, cũng như tính chủ động, cập nhật kỹ năng đáp ứng đòi hỏi công việc.
Chuẩn nghề nghiệp là những yêu cầu cơ bản, cốt lõi, từng cơ sở đào tạo giáo viên có thể bổ sung thêm những yêu cầu về tiêu chí, mức độ hoặc minh chứng cho phù hợp với mục tiêu đào tạo và sứ mạng của nhà trường là hoàn toàn hợp lý. Chính vì những yêu cầu này, Bộ GD-ĐT đãđưa ra các thông báo là các cơ sở giáo dục cần có kế hoạch triển khai đánh giá ngay từ đầu năm học, phân công rõ ràng công việc, lĩnh vực chủ trì để tránh trùng lặp, đảm bảo việc đánh giá được khách quan, công bằng, toàn diện và chính xác.
Chuẩn giáo viên mầm non hay chuẩn hiệu trưởng đều là thước đo quan trọng không chỉ đối với các hiệu trưởng đương nhiệm trong việc tự hoàn thiện mình mà còn là đích nhắm cho các phó hiệu trưởng thuộc diện quy hoạch chức danh hiệu trưởng và giáo viên thuộc diện quy hoạch hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tự đánh giá, lên kế hoạch rèn luyện, học tập phát triển phẩm chất, năng lực lãnh đạo.
Dạ Thảo