Bài 1: Bom napan và tiếng thét xé lòng của cô giao liên trẻ

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 21:36, 01/03/2019

Năm ấy, bà 21 tuổi. Ở cái tuổi ấy lẽ ra bà đã có chồng, có con nhưng với lý tưởng cách mạng và tiếp nối truyền thống của gia đình, bà gạt bỏ hạnh phúc của mình để tiếp tục là một cô giao liên.

Ngày “đưa ông Táo” định mệnh

Người phụ nữ đặc biệt ấy là Phan Thị Hườn, quê gốc ở xã Trí Phải, H.Thới Bình, Cà Mau. Năm nay, bà đã 76 tuổi, là đã 55 năm bà bị nỗi đau chiến tranh dày vò phải sống trong 1 khuôn mặt chảy xệ, làn đa bị hủy hoại hoàn toàn bởi sức nóng của bom lửa napan. Cả cuộc đời bà không thể quên ngày hôm ấy. Bà kể: “Lúc đó mới qua năm 1964, tôi vừa tròn 21 tuổi. Đúng ngày “đưa ông Táo” về trời, tôi đi chợ để mua đồ đạc về cúng thì vụ đánh bom xảy ra. Một buổi sáng kinh hoàng lắm”.

Trong lúc tay xách nách mang từ chợ về, đi qua những ngôi nhà lá trong xóm thì trực thăng của Mỹ từ đâu sà xuống rồi lửa lan nhanh nuốt trọn những ngôi nhà. Bà Hườn hoảng hốt vứt bỏ đồ đạc nhảy xuống con mương gần đó. Nhưng không kịp, lửa đã kịp lan đến, người của bà trầm dưới nước, còn đầu nhô lên. Lửa ngấu nghiến khuôn mặt bà, bỏng rát hết phần đầu.

“Trận đó, chết gần cả trăm người, dân có, bộ đội nằm vùng có. Từ dưới mương, tôi cảm giác nóng ran trên mặt, tôi biết mình đã “xong rồi”. Tôi cố nhảy lên bờ, chui vào 1 lu nước gần đó. Chờ lửa tan, tôi quờ quạng để về tới nhà cách đó chừng vài trăm thước. Gặp người quen, họ đưa tôi về, tới nhà nhìn thấy tôi ai cũng bật khóc. Rất may, gia đình tôi không bị ảnh hưởng bởi cuộc truy quét đó của địch”, bà Hườn kể.

Chân dung người phụ nữ napan bị bom hủy hoại dung nhan - Ảnh: Thanh Nguyên

Không thuốc thang, không bệnh viện, không băng bó, bà Hườn cứ nằm vậy trên giường chịu đựng những cơn bỏng rát hành hạ mình. Ngay trong ngày, trực thăng của giặc tìm đến những gia đình có người bị thương trong vụ truy quét. Họ đến nhà của bà Hườn đề nghị được đưa bà đi bệnh viện.

Bà kể: “Tôi đâu thể lên máy bay của giặc được. Mình làm cách mạng, lỡ trong cơn mê man, đau đớn mình khai ra gì rồi sao. Vậy là tôi từ chối được cứu chữa. Tôi nằm ở nhà 3 ngày, khuôn mặt đen sạm không được xử lý, băng bó gì cả, chỉ cứ nằm thế. Cho đến khi có tôi nhờ được người quen đưa đến bệnh viện của quân khu mình ở trong rừng U Minh”.

Đường vào bệnh viện của quân khu chỉ mình bà Hườn biết, bà phải nhờ đúng người tin tưởng, cố gắng lần mò cả ngày đường vừa đi bộ, vừa đi xuồng mới đến tới nơi. Tại đây, bà được điều trị đúng 1 năm trời. Chừng đó thời gian bà xa gia đình, chịu đựng nỗi đau thể xác tinh thần dày vò. Nhưng bà đã vượt qua được tất cả.

Bà tâm sự rằng, thời gian đầu nằm viện điều trị, bà đã nghĩ cuộc đời của mình bi kịch lắm, coi như đã chấm dứt. Không chấm dứt sao được, khi mộtcô gái trẻ tuổi, với làn da trắng ngần, duyên dáng có tiếng tăm trong vùng được nhiều trai làng để ý, nay phải chịu cảnh đọa đày như thế.

“Nhưng rồi tôi nghĩ rằng, chiến tranh đã khiến đồng đội tôi hy sinh, có người mất đi một phần thân thể, tàn phế, tôi bị thương thì cũng vậy thôi. Nếu tôi bi quan nữa, tôi không thể sống, không thể đứng được trong hàng ngũ với đồng đội mình nữa. Vậy thôi, tôi không buồn nữa”, bà chia sẻ.

Đường về nhà

1 năm được điều trị tại bệnh viện của quân khu nơi bà Hườn công tác, hàng ngày bà phải đội 1 chiếc hộp bao hết phần đầu, xuống cổ. Chiếc hộp này để tránh vết thương của bà nhiễm trùng, bà phải đeo như vậy suốt nhiều tháng, ngay cả khi ngủ. Đúng ngày “đưa ông Táo” năm tiếp theo, bà Hườn băng rừng về thăm gia đình.

Bà Hườn kể lại thời khắc kinh hoàng khi ngọn lửa từ bom napan ngấu nghiến hết phần đầu bà - Ảnh: Thanh Nguyên

Ba mẹ, anh chị em trong nhà khóc hết nước mắt khi nhìn thấy thành viên nhỏ bé, xinh xắn ngày nào trong gia đình giờ phải chịu cảnh dung nhan bị tàn phá vô cùng nghiêm trọng. “Có người còn không nhận ra tôi, họ nghĩ rằng tôi đã chết nữa kia. Con cháu nhỏ trong nhà trố mắt nhìn tôi, con nít trong xóm khóc thét khi tình cờ nhìn thấy tôi. Những nỗi đau đó tôi phải tự vượt qua, chỉ mình tôi thôi, không ai có thể giúp được”, bà Hườn nhớ lại.

Nhưng bà không nghĩ cuộc đời mình đã xem như chấm dứt! Khi rời bệnh viện, với lý tưởng, tâm nguyện của mình bà Hườn quyết định sống và cống hiến cho cách mạng. “Cha mẹ của tôi cũng là bộ đội, 2 người anh chị em của tôi cũng đứng vào hàng ngũ cách mạng. Gia đình tôi có truyền thống.

Tôi giác ngộ cách mạng từ rất sớm, khi chưa đủ 16 tuổi lận, bắt đầu là công việc giao liên, tôi luôn cố để hoàn thành nhiệm vụ. Ngày thường, tôi cũng như bao thếu nữ ở nông thôn khác, tôi ra ruộng phụ giúp gia đình. Trong hàng chục năm liền, không ai biết tôi hoạt động cách mạng”, bà kể.

Nếu không chọn được cuốc sống bình thường như bao người con gái khác, bà chấp nhận cuộc sống của mình, miễn sao không hoài phí. Bà được tổ chức cho đi học đào tạo ngành dược, để về phục vụ ngay bệnh viện mà bà được điều trị. Cuộc sống của bà cứ thể trôi đi, cặm cụi làm việc, cống hiến, dù nhiều lúc, bà tủi thân không dám nhìn ai, chỉ quay đi giấu dòng nước mắt… Nhất là những khibà nghe ai đó khen người khác đẹp!

Năm 1975, đất nước thống nhất, đơn vị của bà tiếp quản 1 kho dược của địch ở Hội Lực, Cần Thơ (nay thuộc P.Trà An, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ). Bà được đưa về đây làm việc, được nhà nước cấp cho gần 3.000m2 đất để cất nhà ở, làm vườn. Cũng tại đây, sau nhiều năm công tác bà đã gặp người chồng đầu tiên của mình.

“Ông ấy cũng là người cùng trong đơn vị, chúng tôi công tác cùng nhau, nói chuyện và ông ấy chấp nhận tôi. Chấp nhận 1 người phụ nữ không toàn vẹn nữa. Lúc tôi gặp ông ấy, tôi cũng đã ngoài 40 tuổi rồi!”, bà Hườn nhớ lại.

Sau khi điều trị xong, bà Hườn từ giao liên được đơn vị tạo điều kiện đi học để trở thành dược tá. Với sự tận tụy của mình, bà được nhận bằng khen của đơn vị - Ảnh: Thanh Nguyên

Nhưng hạnh phúc không trọn vẹn với bà, lúc bà mang thai đứa con trai đầu lòng, chỉ cách ngày sinh có 10 ngày, người đàn ông ấy đã bỏ đi mãi. Bà cắn răng, cam chịu vượt cạn sinh con một mình, đứa bé ra đời khỏe mạnh. Đôi mắt người phụ nữ nhàu nhĩ ấy nhòe lệ, có thể đó là niềm an ủi, hạnh phúc nhất đến với bà sau hơn 20 năm từ tai nạn thảm khốc đó.

Bà Hườn sống âm thầm, làm lụng vất vả để nuôi con. Khi con trai đã qua 2 tuổithì người chồng tìm về. “Ông ấy giải thích là lúc xưa về thăm nhà, rồi bị người nhà giữ lại không cho về với tôi nữa. Nhưng tôi biết, ông ấy đã có người phụ nữ khác. Tôi cũng không phiền trách gì.

Nhưng có bận, ông ấy đánh đứa con trai đang khóc. Tôi giận, giành con lại và nói rằng: “Con tôi, tôi không dám bồng mạnh tay, anh đi mấy năm rồi về còn đánh nó, anh đi luôn đi”. Thế là ông ấy đi luôn thật, tôi cũng không hối tiếc gì”, bà Hườn ngậm ngùi nhớ lại.

Lửa lòng đã tắt, bà Hườn coi như không cần đàn ông trong cuộc sống của mình nữa, có đứa con trai kề cận là được rồi. Đó sẽ là niềm an ủi, động viên cho bà những ngày về già. Lúc này, nỗi đau mà bom napan mang lại cho bà đã không còn là gì, bà đã lấy lại cân bằng trong cuộc sống. Với tính cách chính trực, chịu thương chịu khó, hầu hết ai biết bà cũng thương mến, tôn trọng.

Ngoài công việc ở kho dược, bà Hườn còn chịu khó cải tạo khu vườn sau nhà mình để tăng gia sản xuất, cũng từ đây bà tình cờ tìm được mối lương duyên thứ 2 của đời mình. Đó là 1 người đàn ông trẻ hơn bà đến 18 tuổi, rắn rỏi, giỏi giang và cũng đầy khẳng khái.

Thanh Nguyên

Nguyên Việt