Chuyện về cô gái napan-Bài 2: Người đàn ông trẻ và buổi hỏi vợ nhớ đời tại ủy ban phường

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 09:16, 03/03/2019

Người nhà của cô ấy nói với tôi rằng: “Sao tui thấy dượng sống với em tôi, tôi hồi hộp quá. Tôi uống xong ly rượu rồi nói: 'Hồi hộp là đúng. Bản thân tôi cũng hồi hộp, nhưng cuộc đời còn dài, khi nào bà ấy vì tuổi già sức yếu mà chết đi, thì cũng sẽ chết trên tay tôi. Lúc đó mọi người sẽ biết tôi thế nào'..."

Mối duyên kỳ ngộ của người đàn bà trúng bom napan và anh thợ làm vườn

Cho đến nay, gần 30 năm đầu ấp tay gối, bà Hườn vẫn luôn dành những lời có cánh khi nói về người chồng thứ 2, trẻ hơn mình đến 18 tuổi. “Ông ấy làm hết việc nặng nhọc trong nhà, không cho tôi động tay vào gì cả. Không chỉ tôi cảm thấy mình có phước, mà hàng xóm ai cũng nói vậy. Cuộc đời không bạc đãi tôi”, bà Hườn đúc kết.

Trong ngôi nhà nhỏ ở hẻm 12, đường Nguyễn Truyền Thanh, P.Bình Thủy, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ, gia đình 7 người của bà Hườn sống hạnh phúc bên nhau. Ngôi nhà nhỏ, được xây dựng chắp vá nhiều năm mỗi khi có thêm thành viên. Bà Hườn về hưu đã lâu, hàng ngày, bà chỉ quanh quẩn trong nhà, lo cơm nước cho chồng, con và các cháu nội ngoại.

Hạnh phúc bình dị đó đã êm đềm trôi qua 30 năm, kể từ khi bà gặp người đàn ông thứ 2 của cuộc đời mình. Người đàn ông ấy là Ngô Văn Vui, 1 con người hào sảng, khí khái, dám nói dám làm, dám chịu trách nhiệm, một tay vun vén cho cả gia đình…

Lại kể, thời điểm năm 1987, lúc bà Hườn hạ sinh đứa con trai đầu lòng thì người chồng bỏ nhà ra đi. Lúc này bà một mình bươn chải làm lụng nuôi con. Để tăng thu nhập, bà Hườn muốn cải tạo phần đất sau nhà để làm vườn. Vốn đã quen biết từ trước, bà thuê ông Vui - lúc này cũng đã có vợ và 3 đứa con gái, về đào mương, đắp đất be bờ.

Ông Vui, người đi "hỏi vợ" ở Ủy ban phường - Ảnh: Thanh Nguyên

Lúc ấy, ông Vui là 1 người đàn ông quen với việc ruộng đồng, có sức khỏe và sự kiên trì một mình làm hết tất cả công việc bà Hườn giao phó. Thấy gia đình ông Vui khó khăn, bà Hườn đồng ý cho 2 vợ chồng ông vào ở nhờ để tiện cho công việc, 2 vợ chồng đỡ đần nhau.

Làm việc được một thời gian thì 2 vợ chồng ông Vui xảy ra mâu thuẫn, người vợ nhân lúc ông Vui không biết thì đem 2 đứa con gái lớn bỏ xứ mà đi, để lại cho chồng đứa con gái nhỏ. Trở về nhà thấy vợ con không còn, ông Vui đau buồn tột độ.

“Sau đó tôi vẫn thuê ổng làm việc nhưng không cho ở nhờ nhà nữa. Lúc trước ổng có vợ, tôi cho, giờ vợ chồng mỗi người mỗi đường, đành vậy. Mặc dù tôi biết, khó có 1 người đàn ông nào có thể động lòng với tôi, nhưng tôi vẫn phải giữ nguyên tắc của mình”, bà Hườn kể.

Ông Vui hằng ngày làm thuê, tối về lấy rượu (của nhà bà Hườn bán) để trừ một phần tiền công. Ông buồn nên thường tìm tới rượu để giải sầu. “Tôi uống thì uống, nhưng làm thì không ai bằng à. Trời cho tôi sức khỏe, thời trai trẻ tôi làm dữ lắm, với lại mình cũng xuất thân từ đồng ruộng, không làm việc tay chân thì đói chết”, ông Vui kể quá khứ.

Dần dà, cuộc sống thầm lặng của 2 mảnh đời “rách nát” cứ thế trôi đi. Bà Hườn lo cho con trai mình, ông Vui cũng bán sức lao động nuôi đứa con gái. Nhiều lúc thấy ông Vui tính tình cũng được, chịu khó làm lụng, bà Hườn liền đặt vấn đề: “Tui có đứa cháu gái dưới quê (Thới Bình, Cà Mau - PV) cũng thôi chồng, ông có ưng tôi mần mai cho”. Ông Vui nghe vậy rồi cũng cười cười, để trong bụng không nói năng gì.

“Thật sự, từ lâu tôi đã cảm mến người phụ nữ này. Bà ấy làm việc gì cũng đâu ra đó, tác phong quân đội, có kỷ luật, hiểu đạo lý. Đó là mộtngười phụ nữ đáng quý. Còn về khuôn mặt của bà ấy, chuyện đó không còn quan trọng.

Nhưng tôi không biết phải giải bày như thế nào, tôi là người không được học hành, ăn nói bỗ bã. Còn bà ấy là người làm việc, có trí thức, biết ăn biết nói. Tôi mà bày tỏ không khéo, thì khó có cơ hội lần sau. Nhiều đêm tôi thức trắng suy nghĩ, nhưng cũng không biết phải nói như thế nào”, ông Vui nhớ lại.

Tôi xin được cưới người đàn bà này làm vợ!"

Nhưng cuối cùng việc gì đến cũng phải đến. Một lần, bà Hườn lại đem vấn đề làm mai cô cháu gái nói với ông Vui. Ông Vui nghĩ rồi cũng nói đại luôn rằng: “Thôi bà đừng nói nữa, giờ tôi không chịu ai hết, tôi chịu bà mai à!”

Lời nói của ông Vui khiến bà Hườn chững lại. Bà tự ái, nghĩ rằng ông bông đùa, sự đùa giỡn này đồng nghĩa như là xúc phạm bà. Làm sao có thể giải thích và chấp nhận được chuyện mộtngười đàn ông nhỏ hơn bà mười mấy tuổi, có sức vóc, có ngoại hình bảnh bao lại đi thương mộtngười phụ nữ với khuôn mặt khủng khiếp như bà? Bà tỏ ý giận.

Nhưng ông Vui nhân thời cơ này cũng bày tỏ tấm lòng mình. “Tôi cũng không nói gì những lời hoa mỹ nhưng tôi muốn bà ấy biết rằng, tôi cảm phục và có tình cảm với bà ấy là sự thật, không phải là đùa giỡn”, ông Vui kể lại.

“Tôi biết tính cách người đàn ông này, nhưng khi nghe nói tôi cũng chưa tin được. Nhưng tôi cũng không biết từ chối làm sao, bèn nói rằng, tôi là người sống, làm việc có tổ chức, anh muốn cưới tôi thì lên phường mà xin lãnh đạo”, bà Hườn nói.

Ông Vui với tính cách của mình không muốn chậm trễ, mà đưa bà Hườn lên phường gặp Chủ tịch phường để hỏi cưới bà Hườn. “Gặp bà Chủ tịch phường, tôi nói xin cho tôi cưới người đàn bà này làm vợ. Bà Chủ tịch phường nhìn tôi rồi nhìn bà Hườn dữ lắm. Tôi nói mình nói thật, không có sự đùa giỡn nào ở đây cả”, ông Vui nhớ lại ngày đi “hỏi vợ”.

Bà Chủ tịch phường lúc bấy giờ nghiêm túc nói: “Anh có thể lấy người phụ nữ này nhưng anh có chắc sống hết đời với bà ấy?”.

“Tôi nghe bà ấy nói là hiểu vấn đề, họ không tin tôi có tình cảm với bà ấy thật, họ nghĩ tôi muốn lợi dụng. Mà bà ấy có gì để tôi lợi dụng ngoài cuộc sống vất vả, tiền bạc không có, tôi có thể lợi dụng được gì? Tôi muốn bao bọc cuộc sống của bà ấy, và đến giờ tôi tự tin mình làm được điều đó”, ông Vui nói.

Sau lần đi “hỏi vợ” tại Ủy ban phường, bà Hườn đã thực sự tin tưởng vào tình cảm của người đàn ông trẻ tuổi. Cả hai quyết định về sống chung với nhau mà không phải tổ chức đám cưới vì hoàn cảnh còn khó khăn. Nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó, cả hai đều còn những người thân của mình, họ phải thuyết phục để dòng họ có thể tin tưởng vào mối lương duyên kỳ ngộ này…

Cuộc sống bình dị của 2 vợ chồng là câu chuyện đẹp lan truyền khắp nơi - Ảnh: Thanh Nguyên

Khi hay tin ông Vui sẽ về sống chung với bà Hườn trong một mái nhà, ông Vui trở về nơi mình ở thì nhận được đủ lời mỉa mai, dè bĩu của bà con chòm xóm. Nhất là những người phụ nữ lỡ đò, từng để ý ông lúc mới thôi vợ. “Họ nói cạnh khóe rằng, tưởng tôi lấy ai, cuối cùng đi lấy bà Tư Hườn mặt mày gớm giếc, già hơn gần 20 chục tuổi. Nhưng tôi đâu có bỏ trong đầu mình những lời đó, tính tôi không phải như vậy”, ông Vui nói.

Anh chị em trong gia đình cũng phản ứng, hỏi dồn dập vì sao lại quyết định như vậy. Duy chỉ có mẹ của ông Vui lúc bấy giờ nói rằng: “Con thương ai thì mẹ cũng chịu. Đẹp xấu có quan trọng gì đâu, vợ trước của con cuối cùng rồi cũng bỏ con mà đi thôi. Con người bên trong mới điều đáng quý”. Đó cũng là suy nghĩ của ông Vui! Từ đó, ông vững tin vào sự lựa chọn của mình.

Nhưng chông gai hơn cả là phải đối diện với anh, em dòng họ của bà Hườn. Thời gian đầu, ông Vui luôn phải nhận những ánh mắt nghi ngờ, không mấy thiện cảm dành cho mình. Ông kể: “Tôi hiểu họ chưa thể nghĩ khác. Nhưng cạn đìa mới biết lóc trê (cá lóc, cá trê - PV), tôi sống với bà ấy như thế nào thì thời gian sẽ chứng minh. Tôi nhớ, trong mộtbữa nhậu đầu năm, mộtngười anh của bà ấy nói với tôi rằng: “Sao tui thấy dượng sống với em tôi, tôi hồi hộp quá”.

Tôi uống xong ly rượu rồi nói: “Hồi hộp là đúng. Bản thân tôi cũng hồi hộp, nhưng cuộc đời còn dài, khi nào bà ấy vì tuổi già sức yếu mà chết đi, thì cũng sẽ chết trên tay tôi. Lúc đó mọi người sẽ biết tôi thế nào””. Người anh này của bà Hườn hiện đã không còn. Trước lúc lâm chung vì bạo bệnh, ông Vui có về thăm. Người anh này rơi nước mắt ôm chầm lấy ông Vui mà rằng: “Tôi đã hiểu con người dượng”.

Thanh Nguyên

Nguyên Việt