Ấn Độ không lên kế hoạch không kích vùng biên giới giáp Pakistan
Quốc tế - Ngày đăng : 10:30, 03/03/2019
Ông đưa ra tuyên bố trên khi trả lời phỏng vấn báo Sputnik News. Đại sứ cũng đánh giá căng thẳng tại khu vực tranh chấp Kashmir đang dần ổn định lại.
Đại sứ Varma khẳng định New Delhi giữ vững lập trường không muốn tình hình leo thang, và cách tốt nhất để đạt được điều này là phía Islamabad cần hành động chống lại các nhóm khủng bố.
“Đây không phải xung đột giữa Ấn Độ với Pakistan, mà là Ấn Độ bảo vệ lợi ích bản thân trước mối đe dọa từ các nhóm khủng bố. Chúng tôi không phải quốc gia duy nhất trong khu vực bị khủng bố ảnh hưởng”, theo Đại sứ Varma.
Quan chức ngoại giao này cũng nhấn mạnh đến vai trò của Nga. Ông cho rằng Moscow có thể sử dụng ảnh hưởng nhằm thuyết phục Pakistan không cho phép khủng bố đóng trên lãnh thổ nước họ nữa.
Hôm 28.2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng ngỏ ý tạo điều kiện cho hai nước Nam Á đối thoại giải quyết xung đột nếu cả hai đều sẵn sàng.
Quan hệ Ấn Độ -Pakistan xấu đi nhanh chóng kể từ vụ đánh bom xe thảm khốc giữa tháng trước. Căng thẳng tiếp tục leo thang khi hai bên tiến hành một loạt động thái đáp trả lẫn nhau.
New Delhi không kích trại huấn luyện của Jaish-e-Mohammad (JeM) - nhóm nhận trách nhiệm thực hiện vụ đánh bomở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, chặn chiến đấu cơ nước láng giềng vi phạm không phận.
Đáp lại, Islamabad triển khai không quân tấn công một số cơ sở quân sự của Ấn Độ, bắn hạ hai máy bay và bắt giữ một phi công.
Hy vọng căng thẳng hạ nhiệt xuất hiện vào ngày 1.3. Pakistan trao trả phi công bị bắt giữ cho Ấn Độ.
Pakistan dùng F-16 Mỹ tấn công Ấn Độ?
Ngày 2.3, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố đang cố gắng xác thực thông tin Pakistan sử dụng chiến đấu cơ F-16 do Mỹcung cấp trong chiến dịch không kích các cơ sở quân sự Ấn Độ.
Islamabad hôm 27.2 lên tiếng phủ nhận, nhưng một ngày sau phía New Delhi tung bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Bằng chứng mà cường quốc Nam Á đưa ra là một số mảnh vỡ của AMRAAM - loại tên lửa chỉ có thể phóng từ F-16 mà họ thu thập được.
Pakistan vào những năm 1980 chấp thuận mua 70 máy bay F-16 Mỹ sản xuất. Vài chục chiếc đã được bàn giao trước khi Quốc hội Mỹ năm 1990 cắt đứt mọi thương vụ quân sự với lý do nước này bí mật phát triển vũ khí hạt nhân.
Trang The Indian Express dẫn nguồn tin tiết lộ hợp đồng cung cấp F-16 có điều khoản quy định Islamabad không được phép dùng chiến đấu cơ cho vai trò tấn công.
Cẩm Bình (theo Sputnik News, PTI, The Indian Express)