Dân Pakistan muốn Thủ tướng Imran Khan được giải Nobel Hòa bình
Quốc tế - Ngày đăng : 19:37, 03/03/2019
Đảng cầm quyền tại Pakistan đã quyết địnhtham gia vào một chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội để vận động trao giải Nobel Hòa bình cho Thủ tướng Imran Khan vì vai trò "khôn ngoan" của ông trong việc xoa dịu căng thẳng với Ấn Độ.
Bộ trưởng Thông tin Pakistan Fawad Chaudhry hôm 2.3, đã đệ trình một nghị quyết lên Quốc hội nước này để đề cử ông Imran Khan tranh giải Nobel Hòa bình.
Quốc hội Pakistan dự kiến sẽ bỏ phiếu về nghị quyết này trong ngày 4.3, Sibghat Virk,một nghị sĩ thuộc đảng Tehr-e-Insaaf (PTI) của Thủ tướng Khan cho biết ngày 3.3.
Trước đó, đã có 300.000 người ký vào một bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi giải thưởng Nobel Hòa bình được trao cho ông Khan.
Tại Pakistan, hashtag #NobelPeacePrizeForImranKhan (Giải Nobel Hòa bình cho Imran Khan) đã lan truyền trên Twitter sau khi Islamabad trao trả lại phi công Ấn Độ Abhinandan Varthaman như một "cử chỉ hòa bình"hôm 1.3.
Thủ tướng Pakistan nếu muốn được trao giải Nobel Hòa bình sẽ phải đối đầu với nhiều "ứng cử viên nặng ký" khác như Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Dù vậy, tình hình căng thẳng tại biên giới Ấn Độ và Pakistan sau vụ đánh bom hôm 14.2 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và hai bên vẫn tiếp tục giao tranh trong vài ngày qua.
Thế giới Hồi giáo kêu gọi Ấn Độ - Pakistan đàm phán hòa bình
Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã ra nghị quyết kêu gọi Ấn Độ và Pakistan giảm căng thẳng và giải quyết các vấn đề của họ "thông qua các biện pháp hòa bình".
IOC, tổ chức gồm 57 quốc gia Hồi giáo "đã tái khẳng định sự ủng hộ không ngừng của họ đối với người Kashmir trong lý do chính đáng của họ", theo Bộ Ngoại giao Pakistan.
OICcũng cho biết họ bày tỏ lo ngại sự "vi phạm không phận Pakistan của Ấn Độ; khẳng định quyền tự vệ của Pakistan và kêu gọi Ấn Độ kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực".
Nghị quyết được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan không họp để phản đối quyết định của chủ nhà Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất mời Ấn Độ dự họp, do nước này không phải là thành viên IOC.
Thiên Hà (theo Al-Jazeera)