Những xu hướng ảnh hưởng đến khoa học và đổi mới sáng tạo
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:01, 05/03/2019
Công nghệ và những việc làm liên quan đến trí tuệ ngày càng quan trọng, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nhằm sản sinh các dòng kiến thức, tạo nền tảng cho sản xuất thâm dụng tri thức đã trở thành vấn đề cốt lõi trong hội nhập và cạnh tranh mang tính toàncầu.
Trong xu thế toàn cầu hóa, những thay đổi về mặt xã hội, kinh tế, chính trị và môi trường diễn ra trên quy mô lớn, ngày càng ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến các hoạt động Khoa học & Công nghệ (KH&CN) và nhận thức con người. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Thế giới OECD đa chỉ ra 8 lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đó là: Dân số; tài nguyên thiên nhiên và năng lượng; môi trường và biến đổi khíhậu; vai trò chính phủ; kinh tế, việc làm và năng suất; xã hội; sức khỏe, bất bình đẳng và phúc lợi xã hội (OECD 2015).
Xã hội già hóa, biến đổi khí hậu, thách thức về sức khỏe và số hóa ngày một gia tăng cùng với nhừng yếu tố khác sẽ định hình lại các chương trình nghị sự về KH&CN tương lai cả về phạm vi lẫn quy mô nhu cầu đổi mới sáng tạo. Tốc độ phát triển nhanh của những nền kinh tế mới nổi cùng với tác động xuyên biên giới của các công ty đa quốc gia và sự phân mảnh trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo thuận lợi cho các hoạt động trên khắp hành tinh. Điều này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cạnh tranh toàn cầu, gia tăng nhân tài, nguồn lực cũng như sáng tạo và phổ biến tri thức mới.
Tác động của phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI) sẽ quyết định bản chất năng động của các xu hướng lớn và đưa ra giải pháp hạn chế thách thức. Có thể thấy, toàn cầu hóa được thúc đẩy bởi tiến bộ công nghệ làm gia tăng thu nhập và trong tương lai, gia tăng thu nhập sẽ ngày càng bị chi phối bởi sự phát triển STI (NASATI 2018)
Xu hướng phát triển xã hội và tăng trưởng ở những khu vực khác nhau tạo sự thay đổi đáng kể trong bức tranh toàn cầu về nghiên cứu khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và sản xuất kinh doanh. Các cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra là sự kiện đánh dấu những chuyển biến quan trọng trên thế gới. Theo đó, cách mạng công nghiệp lần thứ tư được dự báo sẽ là xu thế tác động tất yếu đến phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia và trong từng khu vực. Một thế giới khoa học và công nghệ đa cực đã nổi lên sau nhiều thập niên thống trị của Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản.
Thế giới đang hướng đến những nền kinh tế thâm dụng tri thức, tăng cường hợp tác và cạnh tranh về khoa học và công nghệ. Trong những nền kinh tế này, nghiên cứu và khai thác thương mại khoa học công nghệ và công việc trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng. Robot tự động và trí tuệ nhân tạo có thể thực hiện những lao động chân tay, thực hiện các công việc không yêu cầu lương, trợ cấp chăm sóc sức khỏe. Điều đáng chú ý là robot không bị bệnh hoặc mắc sai lầm trong các việc làm.
Nghiên cứu của Đại học Oxford ước tính, trong 20 năm tới, có 47% công việc không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, sẽ được tự động hóa ở mức 75%. Theo nghiên cứu của Ngân hàng nước Anh, 15 triệu việc làm ở quốc gia này có nguy cơ biến mất. Trong báo cáo “Tương lai của việc làm” (năm 2016), Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã đề cập đến 15 nền kinh tế với 1,86 tỉlao động hình thành 20 nhóm công việc có khả năng bị ảnh hưởng. Nhóm tác giả dự báo, trong giai đoạn 2015-2020, hơn 7,1 triệu việc làm sẽ bị mất khi thay đổi thị trường lao động. Trong số này, 2/3 tập trung vào các nhóm công việc văn phòng và hành chính (VISTA 2016)
Các cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra trong lịch sử là những sự kiện đánh dấu sự chuyển đổi quan trọng khi nhân loại bước vào giai đoạn văn minh công nghiệp. Cũng như các cuộc cách mạng trước đó, cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trên toàn thế giới. Những lợi ích mang lại của cuộc cách mạng này giúp đơn giản hoá việc thực hiện nhu cầu cuộc sống thông qua kết nối internet.
Internet kết nối vạn vật (Internet of Things IoT)hình thành với số người sử dụng không ngừng gia tăng, đã trở thành xu hướng toàn cầu. Trong xu thế này, tất cả mọi hoạt động đều được kết nối với nhau qua mạng Internet. Người dùng có thể kiểm soát mọi đồ vật của mình qua mạng chỉ bằng một thiết bị thông minh, như smartphone, tablet, PC hay thậm chí chỉ bằng một chiếc smartwatch nhỏ bé trên tay. Bắt nhịp với xu hướng này, để phát triển mạnh mẽ thị trường nhà ở thông minh, hãng nghiên cứu Juniper Research ở Mỹ đã vào cuộc để tạo ra một doanh thu dự kiến đạt 71 tỉ USD vào năm 2018 (Lumi.vn 2018)
Mặc dù công nghệ then chốt có phạm vi tác động rộng lớn về nguồn gốc xuất xứ và ứng dụng tiềm năng, nhưng đều có tác động trực tiếp đến chính sách STI. Công nghệ then chốt tác động rộng lớn đến các lĩnh vực ứng dụng, nhưng những tác động này đều bị chi phối bởi các yếu tố phi công nghệ bao gồm xã hội già hóa, biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế, chính trị và những thay đổi về ưu đãi xã hội.
Công nghệ đồng tiến hóa với xã hội, tính đa dạng của công nghệ không chỉ lan rộng cơ hội và rủi ro, mà còn tạo dựng năng lực tiếp thu để khai thác các nghiên cứu và phát triển ở những nơi khác nhau. Việc liên tục thu thập rà soát thông tin, cũng như hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách với các bên liên quan trong hệ thống đổi mới sáng tạo, có thể cải thiện thêm năng lực điều chỉnh chính sách của chính phủ và thúc đẩy mạnh hoạt động của cả hệ thống.
Công nghệ then chốt phụ thuộc vào những công nghệ tạo khả năng để khai thác và phát triển trong tương lai. Công nghệ tạo khả năng phổ biến nhất ngày nay là công nghệ thông tin và truyền thông. Các công nghệ then chốt được đề cập tập trung vào Internet đồ vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI) và Blockchain. Những công nghệ này đang phát triển mạnh và trong tương lai sẽ thâm nhập vào mọi lĩnh vực nhờ công nghệ thông tin và truyền thông.
Tiến bộ của công nghệ thông tin, cùng với giảm mạnh chi phí thiết bị đã thúc đẩy nhiều cộng đồng và người dân tham gia đông đảo vào khai thác và phát triển các công nghệ then chốt. Hội tụ và kết hợp công nghệ là những đặc điểm quan trọng của phát triển công nghệ then chốt. Công nghệ này cần được hỗ trợ bởi những thể chế liên ngành để thực hiện nghiên cứu phát triển và đào tạo kỹ năng.
Với tốc độ thay đổi công nghệ nhanh chóng, thường xuyên điều chỉnh các quy định hoặc soạn thảo những quy định mới để quản lý sự phát triển và ứng dụng đang là những thách thức, đòi hỏi các chính phủ phải cải thiện thông tin cảnh báo về các vấn đề quản lý nhằm có hành động nhanh chóng và quyết đoán trong tương lai.
Thay đổi công nghệ là xu hướng tác động triệt để đối với phát triển kinh tế xã hội. Quy mô tác động của công nghệ rất đa dạng và rộng lớn, các yếu tố tương tác đối với kinh tế-xã hội theo cách phức tạp và đồng tiến hóa. Đặc điểm này thể hiện tính không chắc chắn về định hướng và tác động tương lai của thay đổi công nghệ, nhưng cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách có thể định hình sự phát triển và áp dụng công nghệ. Việc phân tích xu hướng, đánh giá và cảnh báo có thể cung cấp đầu vào hữu ích cho các dự báo thay đổi công nghệ (NASATI 2018).
Từ xu hướng công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới thực hiện cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư, vấn đềnêu trong bài viết đề cập đến một số thông tin cập nhật gần đây với hy vọng, được các nhà quản lý hoạch định chính sách quan tâm trong xây dựng giải pháp hoàn thiện chính sách khoa học và công nghệ của Việt Nam trong giai đoạn tới.
TS. Lê Thành Ý