Bộ trưởng Malaysia: ‘Chúng tôi không có người đồng tính’
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:34, 07/03/2019
Khi phóng viên của tờ Berliner Morgenpost đặt câu hỏi “Liệu du khách đồng tính có an toàn khi đến Malaysia hay không?”, ông Mohammadin Ketapi đã trả lời rằng: “Đồng tính? Tôi nghĩ chúng tôi không có thứ đó. Chính vì thế họ có an toàn hay không, tôi không trả lời được”.
Tuy nhiên, ông Mohammadin Ketapi sau đó đã viết trên mạng xã hội Twitter rằng ý ông muốn truyền đạt là hiện không có bất kỳ chiến dịch quảng bá du lịch nào nhắm đến cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính & chuyển giới). Ông nói thêm rằng Malaysia đang áp dụng chính sách mở trong việc chào đón du khách nước ngoài và sẽ "không bao giờ tạo ra bất kỳ trở ngại không cần thiết nào cho du khách dựa trên xu hướng tình dục, tôn giáo và văn hóa của họ”.
Ông Mohammadin Keptapi còn cho biết Malaysia là một quốc gia có chủ quyền, có quan điểm riêng đối với cộng đồng LGBT lẫn Israel, và mong muốn các quốc gia khác tôn trọng điều đó.
Diễu hành ủng hộ cộng đồng LGBT tại Malaysia - Ảnh: Malaysia Digest
Chia sẻ với tờ CNN, Thilaga Sulathireh – một nhà vận động cho quyền của người đồng tính tại Malaysia – cho biết bình luận của ông Mohammadin Ketapi là “kỳ quặc” và “xa rời thực tế” nhưng không hề gây ngạc nhiên. "Ngoại trừ một vài chính trị gia, những người còn lại hầu hết đều phân biệt đối xử cộng đồng LGBT với nhiều mức độ khác nhau”, cô nói.
Bên cạnh đó, Thilaga Sulathireh còn cho rằng phát ngôn này là "một bình luận thiếu hiểu biết đáng xấu hổ, gây tổn thất cao về mặt kinh tế" do ảnh hưởng đến ngành du lịch của Malaysia.
Chính trị gia đảng Xanh của Đức Volker Beck đã tìm cách loại Malaysia ra khỏi sự kiện ITB Berlin, nói rằng chính phủ Đức có những chính sách cụ thể chống phân biệt đối xử với người đồng tính và người Do Thái. "Một quốc gia kỳ thị LGBT và bài Do Thái không thể là một quốc gia đối tác," ông nói, theo Malaysiakini đưa tin.
Malaysia áp dụng một hệ thống pháp lý song hành. Theo đó, đồng tính luyến ái là hành vi phạm pháp với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù giam. Mặc dù vậy, những người theo đạo Hồi còn phải chịu thêm sự điều chỉnh từ luật Sharia (hay luật Hồi giáo) khi đụng đến những vấn đề như hôn nhân.
Theo khảo sát của trung tâm Pew vào năm 2013, chỉ 9% dân số Malaysia ủng hộ hợp pháp hóa đồng tính luyến ái trong khi con số phản đối lên đến 86%. Tại khu vực châu Á, Indonesia và Pakistan là hai quốc gia duy nhất có tỷ lệ ủng hộ thấp hơn: 3% và 2%.
Tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã có một phát biểu về chủ đề hôn nhân đồng giới trong chuyến thăm chính thức đến Thái Lan. “Tại thời điểm này, chúng tôi không chấp nhận người LGBT. Nếu phương Tây làm vậy thì đó là chuyện của họ. Đừng ép buộc chúng tôi cũng làm theo”, ông nói. “Các quy định về gia đình và hôn nhân đã bị xem nhẹ tại phương Tây. Vậy tại sao chúng tôi phải làm theo? Hệ thống các giá trị đạo đức của chúng tôi vẫn rất tốt. Chẳng lẽ một ngày nào đó phương Tây cho phép khỏa thân đi ra đường thì chúng tôi cũng phải nối gót làm theo à?”.
Mai Thảo