Thu gom quá nhiều đất cho các dự án tâm linh là lãng phí nghiêm trọng
Văn hóa - Ngày đăng : 12:00, 11/03/2019
“Điều đáng sợ không phải là có quá nhiều thần thánh, điều đáng sợ là con người không còn sợ cái gì siêu việt hơn mình và từ đó mà việc gì cũng dám làm, kể cả những việc phi nhân tính nhất” - kết cuộc trò chuyện với Người Đô Thị về thực trạng tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam hiện nay, nhưng đồng thời TS. Hoàng Văn Chung(*), Trưởng phòng Nghiên cứu Lý luận và Chính sách tôn giáo, Viện Nghiên cứu Tôn giáo cũng gợi ra cần một góc nhìn khác thấu đáo hơn, qua những phân tích, nhìn nhận dưới đây.
Thưa ông, có những nghiên cứu cho thấy đa số người Việt đều có nhu cầu tôn giáo, nhưng phần đông không là tín đồ thành kính của riêng một tôn giáo nào, miễn họ thấy thanh thản tinh thần, thỏa mãn điều họ cầu xin. Vì vậy, một đặc điểm trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo của người Việt là tính thực dụng. Vậy những biến đổi trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo suốt nhiều năm nay, như cầu tài lễ lộc, cúng tế, tranh cướp, vặt lông lợn... có phải là biểu hiện của “đặc tính” này?
TS. Hoàng Văn Chung |
Từ lâu một số nhà nghiên cứu quốc tế đã khá đồng ý với nhau rằng mỗi cá nhân người Việt luôn nỗ lực vượt lên định mệnh, nhưng cũng luôn tin sự thành bại không chỉ lệ thuộc năng lực của mình mà còn chịu tác động từ các sức mạnh siêu nhiên. Việc người Việt cầu xin được may mắn và hỗ trợ không chỉ là vấn đề niềm tin tôn giáo, mà còn được cho là việc làm khôn lanh, một lối suy nghĩ hay tranh thủ đầy toan tính. Người ta đến với đấng thiêng nhưng không thực sự vì khao khát tìm hiểu những triết lý sâu sắc về thế giới quan và nhân sinh quan, về giác ngộ và giải thoát, mà chủ yếu tìm giải pháp cho những vấn đề “thường ngày”, “ở đây”, “ngay bây giờ”. Nhưng người Việt không phải là dân tộc duy nhất đề cao thực dụng trong niềm tin và thực hành tôn giáo. Không có tôn giáo nào không có sự cầu xin hằng ngày cả.
Việt Nam thiếu những nhà tư tưởng tôn giáo có tầm ảnh hưởng sâu rộng, thậm chí vượt ra khỏi ranh giới quốc gia. Những trường hợp như Thiền sư Thích Nhất Hạnh là quá hiếm hoi. Nếu coi việc sáng tạo hoặc phát triển các tư tưởng tôn giáo là phần gốc của niềm tin và thực hành tôn giáo, thì tìm kiếm sự thanh thản về tinh thần và cầu xin sự chở che là phần ngọn. Chúng ta chủ yếu quan sát thấy phần ngọn này trong nhiều thế kỷ qua và cả ở hiện tại. Nhưng nếu đó đã là một đặc tính của dân tộc, một bộ phận của căn tính văn hóa, thì ta nên khách quan thừa nhận.
Việt Nam đang ngày càng xuất hiện nhiều dự án du lịch tâm linh quy mô lớn với những khen chê trái chiều. Như gần đây nhất là siêu dự án du lịch tâm linh Chùa Hương của doanh nghiệp Xuân Trường quy mô 1.000 ha với 15.000 tỷ đồng, mục đích khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực, xây dựng các công trình tâm linh tầm cỡ quốc gia, quốc tế, kết hợp hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng. Thực tế này khiến tôi nhớ đến một nghiên cứu của ông: “Làm giàu với thần thánh: quan hệ tôn giáo - kinh tế Việt Nam hiện nay”. Ông nhận định thế nào về xu hướng xây dựng những siêu dự án tâm linh dạng này?
Việc xuất hiện những siêu dự án nhằm kiếm lợi từ du lịch, kết hợp với diễn tả niềm tin tôn giáo không nằm ngoài xu thế “kinh tế hóa tôn giáo” tôi từng đề cập. Trong nền kinh tế thị trường, người làm kinh doanh luôn đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu; và nếu hình thức kinh doanh của họ không vi phạm pháp luật, thì việc phê phán cách làm của họ rất khó, có thể là thiếu công bằng. Nhưng xu hướng này ngoài mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư và giải quyết một số công ăn việc làm nhất định, thì hệ quả cơ bản không tốt cho tính thuần khiết và nhất quán của mỗi truyền thống tôn giáo nói riêng, của đời sống tôn giáo, tâm linh nói chung.
Thứ nhất, nó tạo ra những giá trị ảo. Về mặt truyền thống, việc tìm đến không gian tôn giáo là để thờ cúng cái thiêng, tìm sự yên ổn về tâm hồn, học hỏi những triết lý cao thâm và những ứng xử đạo đức. Hành vi ấy góp phần không nhỏ trong kiến tạo, dung dưỡng, tiếp nối những giá trị văn hóa quý báu, góp phần hình thành căn tính văn hóa của dân tộc. Đi lễ đền, chùa theo cách đó chưa bao giờ là hành vi gây tốn kém về tiền bạc, càng không thể hiện nhu cầu tiêu dùng, hay khoe mẽ về năng lực kinh tế. Kinh doanh hàng hóa tôn giáo ngày nay bởi các nhà đầu tư lại chủ yếu nhằm phát hiện và kích thích các nhu cầu tiêu dùng không thực sự cần thiết, mong muốn thể hiện khả năng kinh tế của cá nhân, thỏa mãn tâm lý thích sĩ diện về cảm giác được chiêm ngưỡng những gì to lớn, thuộc hàng kỷ lục, lại xa hoa và tốn kém. Những hành vi ấy chỉ tạo ra các nhu cầu chưa từng có, không thiết thực, nói cách khác là tạo ra các giá trị ảo.
Thứ hai, các nhà tu hành chân chính, các bậc trí thức tôn giáo cũng không hiện diện ở những nơi này. Các hoạt động giáo dục về tôn giáo cũng không diễn ra nơi đây. Kết quả người đi lễ, dù đông bao nhiêu, đều không mở mang được gì trong tri thức về tôn giáo, cũng như về các giá trị mà tôn giáo thực sự mang lại. Cứ như thế, phẩm chất tôn giáo của tín đồ không thể nào cải thiện được. Các không gian tâm linh, tôn giáo mới xây dựng lên là sản phẩm của các siêu dự án nói trên, do đó, chỉ “cơ bắp” và hào nhoáng. Khi màn đêm buông xuống và cánh cửa đóng lại, chẳng có gì ngoài bê tông, gạch ngói. Vấn đề là không nhiều người nhận ra về bản chất, những nơi chốn đó không có tính thiêng.
Chen lấn xin lộc Tết Kỷ Hợi: tín ngưỡng hay mê muội? Ảnh: SOHA
Việt Nam đang chứng kiến những nhà tỷ phú đô la giàu lên chủ yếu do đầu cơ đất đai hơn là nhờ vào phát minh, sáng chế, hay có ý tưởng kinh doanh xuất chúng. Nhưng đất đai là nguồn tài nguyên rất quý và sẽ cạn kiệt. Quá nhiều đất đai được thu gom và dành cho các dự án tâm linh, tôn giáo là một sự lãng phí nghiêm trọng.
Dưới góc nhìn xã hội học và nhân học, ông lý giải gì về hiện tượng nhiều người dân hiện dễ dàng chấp nhận những siêu dự án du lịch tâm linh, mà nhiều nhà nghiên cứu đã cho là phi Phật giáo?
Nguyên tắc của khoa học về tôn giáo, dù là xã hội học hay nhân học, không phải là phán định đúng - sai về niềm tin và thực hành tôn giáo của người dân. Các nhà khoa học quan tâm đến việc tại sao người ta lại tin và thực hành như thế, người ta có những trải nghiệm gì, và đâu là các nhân tố tác động chủ yếu. Có thể sau đổi mới đột phá về chính sách tôn giáo, người dân quá vội vàng và háo hức đi từ thái cực bị cấm đoán sang thái cực có nhiều tự do trong lựa chọn và diễn tả niềm tin tôn giáo. Cần thời gian đủ dài để tất cả bình tĩnh lại và nhận ra đâu là điều đáng làm nhất, đâu là những giá trị ảo. Lòng nhiệt thành tôn giáo thái quá rất gần với mê tín - hiểu như sự tin tưởng vào cái gì đó một cách vô điều kiện hoặc thiếu suy nghĩ. Nhưng văn hóa có các thước đo và bộ lọc của riêng nó, những gì có chân giá trị sẽ tồn tại, ngược lại những gì là biến tướng sẽ dần phôi phai. Nếu ta có thể làm gì ở đây, thì là bằng mọi cách giúp cho người dân nhận ra các giá trị cốt lõi và cùng lên tiếng phê phán các xu hướng lệch lạc và kém văn minh.
Xu hướng tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam hiện nay sẽ dẫn đời sống tinh thần con người xã hội Việt Nam đi tới đâu, thưa ông?
Không dễ dự đoán về xu hướng tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam trong tương lai chỉ dựa vào những bằng chứng gây nhiều quan ngại của hiện thực đời sống tôn giáo, tinh thần ngày hôm nay. Điều có thể khẳng định, đời sống tinh thần của người Việt Nam sẽ chỉ trở nên phong phú hơn, khi tổng thể không gian tôn giáo ngày càng mở rộng và trở nên đa dạng hóa. Mê tín sẽ bị đẩy lùi, không phải vì tiến bộ của khoa học hay sự thắng thế của quá trình thế tục hóa, mà là sự gia tăng tri thức về tôn giáo nơi các tín đồ nói riêng và người dân trong xã hội nói chung.
Qua các nghiên cứu của mình, theo ông,Nhà nước có vai trò như thế nào trong đời sốngtín ngưỡng tôn giáo?
Người Việt Nam chỉ tạm ẩn giấu nhu cầu tôn giáo, tâm linh của mình trước quan điểm cứng rắn với tôn giáo và sự đề cao tư tưởng vô thần thái quá của thể chế chính trị trong một giai đoạn nhất định. Giờ đây, sự đổi mới về quan điểm và chính sách của Đảng và Nhà nước đã thừa nhận khách quan nhu cầu tôn giáo, tâm linh của người dân. Theo tôi trên thực tế, không có cách nào xóa bỏ nhu cầu tôn giáo, tâm linh ra khỏi đầu óc người Việt được. Cũng không cần thiết phải làm như thế, mà thay vào đó là hướng cho người dân thỏa mãn nhu cầu một cách lành mạnh, có trách nhiệm với người khác và với xã hội, đồng thời tự giác tuân thủ pháp luật.
Tôi rất đồng ý với nguyên cố Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo TS. Nguyễn Quốc Tuấn: việc Nhà nước cần làm là kiến tạo một hệ giá trị mới và nhất quán cho xã hội. Theo tôi, đây còn là trách nhiệm của giới trí thức cũng như các lãnh đạo tôn giáo và của mỗi tín đồ tôn giáo. Việc đưa hệ giá trị đó vào thực tiễn không chỉ dựa vào các phong trào vận động xã hội, các cơ sở giáo dục, mà còn dựa vào một hệ thống pháp lý minh bạch và hiệu quả. Không có lựa chọn nào khác ngoài việc sớm hoàn chỉnh mô hình nhà nước pháp quyền, nơi mà người ta thượng tôn luật pháp và hành xử theo luật pháp. Nhà nước chỉ cần thực thi pháp luật khi cá nhân hay nhóm có tôn giáo bước ra khỏi không gian riêng tư của mình và có hành vi xâm phạm đến quyền lợi của người khác hay làm tổn hại an ninh, trật tự nơi công cộng.
Ảnh: TùngTin
Cụ thể hơn nữa, đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, theo tôi, nguyên tắc chung là nhà nước nên giữ vai trò trung lập. Trung lập nghĩa là không ủng hộ, cũng không phản đối hay tìm cách xóa bỏ, thực sự coi tôn giáo là nhu cầu bình thường, tự nhiên và riêng tư của mỗi người. Nhà nước chỉ can thiệp khi có dấu hiệu của sự nhân danh thực hiện quyền tự do tôn giáo mà làm những việc phi tôn giáo, hoặc gây ra sự xung đột tôn giáo làm mất ổn định xã hội. Điều quan trọng nhất, Nhà nước tập trung giúp cho người dân có tôn giáo nhận thức rõ về tôn giáo mình theo, biết rõ các ranh giới pháp luật họ không thể bước qua. Nghĩa là hỗ trợ người dân tin và thực hành tôn giáo một cách có tỉnh thức thay vì mê muội và không tự giải thích được. Tỉnh thức là hiểu rõ nhu cầu của mình, đồng thời biết quan tâm đến nhu cầu, quyền lợi của người khác.
Những giá trị phổ quát mà đa số tôn giáo,tín ngưỡng trên thế giới đang hướng đến hiện nay là gì, thưa ông?
Theo nhìn nhận của tôi, các giá trị phổ quát mà đa số tôn giáo trên thế giới hướng tới không nằm ngoài hai nhóm là giá trị nhận thức và giá trị đạo đức. Giá trị nhận thức ở đây chính là cách nhìn về thế giới và con người mà mỗi tôn giáo đã cung cấp qua kinh sách của họ. Với đa số dân chúng trên thế giới, có thể nói việc tin vào một trật tự vũ trụ trong đó có vai trò quyết định của đấng thiêng có năng lực siêu việt khiến cuộc sống của họ an ổn và có ý nghĩa hơn. Giá trị đạo đức ở đây là các nguyên tắc hành xử giữa người với người và người với thế giới tự nhiên đã được đúc kết, bảo vệ và lưu truyền qua các thế hệ. Mỗi tôn giáo là một cộng đồng đạo đức, và rất nhiều người trên thế giới tìm thấy sự an lạc suốt cuộc đời mình khi tin vào một thế giới quan tôn giáo và hiện thực hóa các quy tắc hành xử đạo đức mà tôn giáo đó đề xuất. Các giáo hội đều muốn có những tín đồ tôn giáo thành tín một cách có hiểu biết và đồng thời là các công dân mẫu mực.
Điều đáng sợ không phải là có quá nhiều thần thánh, cũng có nghĩa là quá nhiều tôn giáo. Điều đáng sợ là con người không còn sợ cái gì siêu việt hơn mình và từ đó mà việc gì cũng dám làm, kể cả những việc phi nhân tính nhất!
Lê Quỳnh/Người Đô Thị(thực hiện)
(*)Tiến sĩ xã hội học, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học La Trobe, Úc; học giả trao đổi sau tiến sĩ tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore