Philippines không còn là thành viên Tòa án Hình sự quốc tế
Quốc tế - Ngày đăng : 14:21, 18/03/2019
Quốc gia Đông Nam Á một năm trước gửi văn bản thông báo quyết định này lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, việc rút khỏi ICC chính thức có hiệu lực vào ngày 17.3. Philippines là quốc gia thứ hai sau Burundi làm vậy.
Tháng 2.2018, ICC tiến hành điều tra sơ bộ về chiến dịch chống ma túy do chính quyền Manila thực hiện. Cảnh sát Philippines tuyên bố tiêu diệt hơn 5.000 nghi phạm trong nhiều cuộc truy quét, tuy nhiên một số tổ chức nhân quyền xác định số người bị sát hại lên đến khoảng 20.000 trong đó có cả thường dân vô tội.
Tổng thống Duterte chỉ trích cuộc điều tra trên là một phần thuộc ý đồ công kích vô căn cứ của quan chức Liên Hợp Quốc nhắm vào ông. Nhà lãnh đạo còn từng nhận xét ICC chỉ là công cụ do phương Tây tạo ra.
Chuyên gia luật quốc tế người Anh Toby Cadman cho biết theo quy định trong Quy chế Rome về thành lập ICC, bất cứ vấn đề nào đang chờ tòa xử lý trước khi một thành viên rút khỏi thì vẫn thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa.
Do đó, hành động rút khỏi không thể buộc ICC ngừng điều tra và tòa vẫn có thẩm quyền truy tố nhân vật cấp cao kể cả Tổng thống Duterte với cáo buộc giết người phi pháp.
Là chính sách nổi bật dưới thời Tổng thống Duterte, chiến dịch chống ma túy nhận phải sự lên án gay gắt từ nhiều nước cùng tổ chức nhân quyền vì khiến quá nhiều người thiệt mạng.
Tòa án Hình sự quốc tế chịu trách nhiệm truy tố cá nhân phạm tội ác chiến tranh, tội diệt chủng, tội ác chống loài người khi một quốc gia không thể hay không muốn làm chuyện này. Đến nay đã có hơn 100 quốc gia là thành viên ICC nhưng không bao gồm các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc.
Cẩm Bình (theo Aljazeera, Straits Times)