Bài học Đắc nhân tâm: Làm gì để trẻ vui vẻ ăn sáng?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:31, 20/03/2019

Một học viên của tôi rất bực mình về cậu con trai nhỏ. Thằng bé suy dinh dưỡng và lại biếng ăn. Cha mẹ nó dùng đủ mọi biện pháp mà không đạt được kết quả gì. Suốt ngày, họ cằn nhằn mãi với thằng bé những câu như: “Mẹ muốn con ăn cái này và cái kia nữa!”, “Cha muốn con lớn lên thành một người cường tráng, khỏe mạnh như hiệp sĩ…”.

Câu chuyện của cậu bé biếng ăn

Thằng bé không hề quan tâm đến những lời nói đó, nó cũng chẳng muốn trở thành hiệp sĩ. Thật là phi lý khi đòi hỏi một đứa trẻ ba tuổi có cách suy nghĩ như một người cha ba mươi tuổi. Cuối cùng người cha cũng nhận ra điều này. Anh ta tự hỏi: “Thằng bé muốn gì nhỉ? Làm sao có thể kết hợp điều mình muốn với điều nó muốn?”. Mọi việc bỗng trở nên dễ dàng hơn khi anh bắt đầu nghĩ về điều đó. Cậu con trai có một chiếc xe ba bánh mà cậu thích đạp đi chơi trên hè phố Brooklyn. Cách đó vài căn nhà có một đứa bé lớn hơn thường giành xe của con anh. Những lúc như thế cậu bé thường mếu máo và chạy đi mách mẹ. Người mẹ phải can thiệp và sự việc này cứ tái diễn hàng ngày

Vậy cậu bé muốn gì? Không cần phải là một thám tử tài ba như Sherlock Holmes mới có thể tìm ra điều đó. Lòng tự hào bị tổn thương, những xúc cảm mạnh mẽ nhất trong nó đều thúc giục nó phải trả đũa, phải nện cho tên đáng ghét kia một cú vào giữa mũi. Người cha chỉ cần nói rằng nếu nó chịu ăn những gì cha mẹ bảo thì một ngày nào đó, nó sẽ đủ sức khỏe và không bị thằng bé to lớn kia ăn hiếp nữa. Thế là việc ăn uống của thằng bé chẳng gặp vấn đề gì khó khăn nữa.

Một chuyện khác: có một cậu bé hay tè dầm trên giường. Cậu ngủ với bà nội. Buổi sáng bà thường đánh thức cậu dậy, sờ vào nệm và nói: “Johnny, xem kìa, tối qua cháu lại làm điều gì thế nhỉ?”. Cậu bé thường đáp: “Không phải, không phải của cháu đâu. Của bà đấy”.

Dù có la rầy, đét vào mông hay nhắc nhở liên tục rằng cha mẹ không muốn con làm thế, giường ngủ chú bé vẫn bị ướt mỗi đêm. Thế là cha mẹ cậu tự hỏi: “Chúng ta phải làm thế nào để thằng bé thôi tè dầm trên giường?”. Cậu bé muốn điều gì? Trước hết nó muốn mặc quần áo ngủ giống như cha nó chứ không phải mặc chiếc áo ngủ giống như bà nó. Vì bà nội đã chán chuyện thằng cháu cứ tè dầm ban đêm nên bà rất sẵn lòng mua cho cậu nhóc một bộ quần áo ngủ nếu như nó chịu sửa đổi.

Thứ hai, cậu bé muốn có một cái giường của chính mình. Bà nội và bố mẹ cũng không phản đối. Mẹ nó đưa nó đến cửa hàng bách hóa, đưa mắt ra hiệu với cô bán hàng và nói: “Chàng trai trẻ này muốn mua vài thứ ở đây đấy”. Cô bán hàng tỏ vẻ quan trọng bằng cách hỏi: “Chàng trai trẻ! Cậu muốn mua gì nào?”. Cậu bé nhón chân cho có vẻ cao thêm và nói: “Em muốn mua một cái giường cho riêng em”. Bà mẹ ra hiệu cho cô bán hàng giới thiệu với cậu cái giường mà bà muốn mua cho cậu. Còn cậu nhóc thì cứ hí hửng tin rằng đó là cái giường mà chính nó đã chọn mua.

Hôm sau, chiếc giường được đưa đến. Và đêm đó khi người cha vừa về đến nhà, cậu bé chạy ra cửa reo lên: “Cha ơi! Cha lên mà xem cái giường con mới mua!”. Người cha nhìn chiếc giường, rồi hỏi cậu bé “Con sẽ không tè dầm lên giường của con nữa, phải không nào?”. Cậu bé trả lời ngay lập tức: “Ồ, không đâu, không đâu! Con sẽ không bao giờ làm ướt cái giường của con”. Thằng bé đã giữ lời hứa vì lòng tự hào của nó. Đây là cái giường của nó. Chỉ một mình nó mua thôi. Nó lại mặc quần áo ngủ như một người lớn. Cậu bé muốn hành động như một người lớn và đã thực sự làm được như thế!

Làm gì để trẻ vui vẻ ăn sáng

Một người cha khác, K. T. Dutschman, kỹ sư vô tuyến điện, cũng là một học viên của tôi, không thể thuyết phục cô cháu gái ba tuổi chịu ăn sáng. La rầy, dọa nạt hay van nài, dỗ dành đủ mọi kiểu đều vô hiệu. Cha mẹ bé tự hỏi: “Chúng ta phải làm như thế nào để nó chịu ăn sáng?”.

Cô bé muốn bắt chước mẹ để cảm thấy mình lớn và trưởng thành. Thế là một buổi sáng nọ, họ đưa cô bé lên một chiếc ghế cao và để bé tự nấu mì ăn sáng. Vào đúng giờ phút quan trọng - cô bé đang nấu mì, người cha bước vào nhà bếp. Vừa trông thấy cha, cô nhỏ đã reo lên: “Cha xem này, con đang tự nấu mì đấy”.

Sáng hôm ấy cô bé đã tự nguyện ăn hai tô mì mà không cần ai nhắc nhở. Cô bé đã thể hiện được mình trong việc tự tay nấu mì.

William Winter từng nhận xét: “Tự thể hiện mình là nhu cầu cơ bản của con người”. Chúng ta có thể ứng dụng yếu tố tâm lý này vào kinh doanh. Mỗi khi bạn có được một ý tưởng đặc biệt, bạn nên gợi cho người khác ý tưởng đó và để họ biến nó thành hiện thực. Lúc đó họ sẽ xem ý tưởng ấy là của họ, họ sẽ yêu thích nó và dốc sức thực hiện bằng mọi giá.

Trích sách Đắc Nhân Tâm

First News – Trí Việt