Công dân số không được ‘ngây thơ’ khi sử dụng Internet

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:07, 20/03/2019

Theo bà Victoria Rhodin Sandstrom (Phó đại sứ, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam), chúng ta cần khuyến khích các em học cách đặt câu hỏi và phát triển tư duy phản biện đối với những thông tin mà các em tiếp nhận. Điều quan trọng là không được “ngây thơ” khi sử dụng Internet.

Ngày 20.3 tại Hà Nội, Đại sứ quán ThụyĐiển, Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (VIGEF) phối hợp tổ chức Hội thảo tập huấn cho học sinh và giáo viên về chủ đề “Công Dân Số có Trách nhiệm - Giả mạo ≠ Sự thật - Đánh giá thông tin trong lớp học”. Đây là hội thảo bên lề Diễn đàn Internet quốc gia năm 2019.

BàVictoria Rhodin Sandstrom (Phó đại sứ, Đại sứ quán ThụyĐiển tại Việt Nam) nhấn mạnh: “Sử dụng Internet mở ra cho chúng ta vô vàn những cơ hội khi tiếp cận các nguồn tin đa dạng. Tuy nhiên, ở Thụy Điển và ở các quốc gia khác trên toàn thế giới, chúng ta cần trang bị cho trẻ em và thanh thiếu niên các công cụ cần thiết để có thể phân biệt được những nguồn thông tin đáng tin cậy với các nguồn tin giả”.

Theo bà Victoria Rhodin Sandstrom, chúng ta cần khuyến khích các em học cách đặt câu hỏi và phát triển tư duy phản biện đối với những thông tin mà các em tiếp nhận. Điều quan trọng là không được “ngây thơ” khi sử dụng Internet. Niềm tin và trí tò mò cùng với tư duy phản biện chính là những yếu tố thúc đẩy sự đổi mới và phát triển xã hội.

Rất nhiều em học sinh tham gia Hội thảo - Ảnh: BTC

Về phía Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), bà Nguyễn Phương Linh (Viện trưởng MSD) chia sẻ: “Trẻ em khi bắt đầu sử dụng Internet là đã bắt đầu trở thành một công dân số thực thụ, tiếp cận với cả lợi ích và rủi ro trên mạng như bất kỳ một công dân nào”.

Vì thông tin trên mạng rất đa dạng,bà Nguyễn Phương Linh khuyên các công dân sốcần có kiến thức và kỹ năng để phân biệt, đánh giá nguồn thông tin, tư duy logic để có các quyết định phù hợp. MSD cam kết trong việc thúc đẩy kỹ năng số cho thanh thiếu nhi để các em có thể sử dụng Internet an toàn, thông minh, tạo các dấu ấn riêng trên mạng, và có trách nhiệm truyền đi những thông điệp tích cực.

Nhờ có Internet, thông tin được lan truyền một cách nhanh chóng và truyền thông xã hội ngày càng trở thành một nguồn tin quan trọng hỗ trợ đắc lực cho việc tìm kiếm và tiếp nhận thông tin đối với những người trẻ. Việc hiểu về các nguồn tin và kỹ năng phân biệt nguồn tin thật - tin giả vì thế ngày càng trở nên quan trọng hơn. Và để làm được điều đó yêu cầu một người cần có khiến thức và các công cụ cần kiểm chứng thông tin phù hợp.

Các bạn học sinh và giáo viên có cơ hội tìm hiểu về Internet - Ảnh: BTC

Tại Hội thảo, các bạn học sinh và giáo viên có cơ hội tìm hiểu về Internet với các đặc tính đầy đủ của nó; sự hỗn loạn thông tin trên Internet và yêu cầu cần có kỹ năng và tư duy phản biện để phân biệt tin giả - tin thật; hay thế nào là Quan hệ công chúng - Tuyên truyền...

Theo em Nguyễn Đức Ân (12 tuổi), có rất nhiều nguồn tin trên mạng, và bản thân em sợ sẽ chia sẻ những thông tin sai, không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến bạn bè và những người xung quanh. Để khắc phục được những rủi ro từ tin giả, em Ân cho biết sẽ hỏi cô giáo hay hỏi ông của em về những thông tin mà em thấy ở trên mạng.

Dưới góc nhìn của một giáo viên, chị Phạm Thị Thu (Giáo viên tại một trường Trung học cơ sở ở Đà Nẵng) cho rằng việc dạy về những đặc tính của Internet cũng như những rủi ro khi sử dụng Internet cũng đã được lồng ghép vào các nội dung giảng dạy trong nhà trường. Tuy nhiên, phần nội dung về tin giả - tin thật chưa thực sự được đào sâu.

Chị Thu cũng chia sẻ rằng các bài giảng chỉ mới tập trung vào việc giúp các em học sinh xác định các nguồn tin chính thống. Hiện tại, giáo viên giảng dạy về chủ đề này của nhà trường vẫn còn hạn chế với số lượng 1 - 2 giáo viên, do đó rất khó phân bổ các tiết học.

Thu Anh

Thu Anh