Nhiều nhóm chiến binh lợi dụng vụ xả súng tại New Zealand kích động hận thù
Quốc tế - Ngày đăng : 17:31, 21/03/2019
Vụ xả súng hai thánh đường Hồi giáo trên địa bàn thành phố Christchurch (New Zealand) xảy ra vào ngày 15.3 do một cá nhân theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng thực hiện.
Trong một thông điệp được đưa lên mạng, kẻ phát ngôn cho IS (biệt danh Abu Hassan al-Muhajir) cáo buộc một số quốc gia đang tài trợ cho hành động giết chóc người Hồi giáo trên toàn cầu, đồng thời khẳng định cảnh chết chóc ở Christchurch đủ để khiến phần tử ủng hộ tổ chức này ra tay trả thù.
Không chỉ IS, một thành viên cao cấp trong Al-Qaeda là Abu Abdul Karim al-Gharbi cũng kêu gọi đứng lên trả thù các nước chống người Hồi giáo.
Bà Rita Katz - giám đốc điều hành Công ty Site Intelligence chuyên theo dõi nội dung cực đoan trực tuyến - đánh giá: “Nhìn chung thì vụ xả súng đem lại lợi ích lớn cho phong trào thánh chiến toàn cầu. Chẳng nên ngạc nhiên khi chuyện này trở thành một phần của chiến dịch tuyên truyền, lý lẽ cho những lời đe dọa lẫn kích động 10 năm tới”.
Giới tình báo chia sẻ quan điểm trên. Theo quan chức tình báo của một quốc gia Bắc Phi giấu tên: “Hãy tưởng tượng đoạn phim phát cảnh xả súng tác động về mặt tình cảm sâu sắc thế nào đến người chẳng dính dáng gì đến khủng bố, rồi tiếp tục suy xét xem cá nhân vốn đã cho rằng phương Tây gây chiến với tôn giáo họ theo đuổi sẽ suy nghĩ gì khi xem đoạn phim”.
Các nhóm chiến binh mô tả giới chính trị gia phương Tây thiếu sự đồng cảm với nạn nhân Hồi giáo và áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong xác định khủng bố.
Một quan chức an ninh châu Âu nhận định: “Những gì IS, Al-Qaeda sắp làm chính là dùng thiếu sót của một số nhà lãnh đạo lẫn xã hội phương Tây sau vụ xả súng Christchurch để làm nổi bật quan điểm người Hồi giáo không được xem là công dân bình đẳng”.
“Chúng tôi phát hiện một số đoạn hội thoại trên mạng, diễn giải phát ngôn từ Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng nhiều nhà lãnh đạo châu Âu thành thông điệp: Giá trị của người Hồi giáo chẳng bằng người da trắng không theo Hồi giáo”, quan chức an ninh cho hay.
Tổng thống Trump có gửi lời chia buồn sau khi thảm kịch tại New Zealand xảy ra. Nhưng trước câu hỏi liệu những cá nhân theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng có phải mối đe dọa ngày càng lớn trên toàn thế giới hay không, ông lại trả lời: “Tôi chỉ xem họ là một nhóm nhỏ gặp vài vấn đề nghiêm trọng”.
Theo thành viên IS sử dụng tên giả Abu Omar, đoạn phát trực tiếp giúp tổ chức chiêu mộ thêm chiến binh, và những gì vừa xảy ra cho thấy trong mắt phương Tây thì người Hồi giáo không đáng giá gì.
Một quan chức châu Âu khác tiết lộ cộng đồng Hồi giáo tại lục địa già đều có cảm giác bị đứng bên lề, bị nghi ngờ về lòng trung thành dành cho đất nước họ sinh sống.
Giáo sư Thomas Renard thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế Egmont lưu ý chính quyền các nước phương Tây đang phải giải quyết một thách thức lớn, đó là trấn an cộng đồng Hồi giáo rằng những gì họ lo ngại đều được quan tâm, mọi hình thức chủ nghĩa cực đoan đều sẽ bị xử lý.
Cẩm Bình (theo Straits Times)