Tiền Giang: BOT Cai Lậy lại hoãn tái thu phí
Sự kiện - Ngày đăng : 10:56, 22/03/2019
Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) xác nhận thông tin này, sáng 22.3. Theo ông, lý do dời ngày thu phí vì tỉnh Tiền Giang đề xuất giảm giá thêm 31 xã, phường (quanh trạm thu phí) chậm, nên phải chờ xác nhận giảm giá tiếp cho 31 xã, phường này mới triển khai thu phí trở lại.
Trước đó, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư thống nhất, nên Bộ GT-VT đã có văn bản chấp thuận giảm giá dịch vụ cho các phương tiện lân cận trạm là 8 xã, phường (tương đương 10 km quanh trạm) và dự kiến đề xuất miễn giảm thêm 10 xã, phường, thị trấn thời gian tới.
Về mức giá thu phí, đối với mức phí xe loại 1 (xe dưới 12 chỗ, ô tô tải dưới 2 tấn) sẽ giảm từ 35.000 đồng xuống còn 15.000 đồng, tương đương giảm 57%. Mức giá vé lượt áp dụng cho các nhóm phương tiện khác cũng giảm từ 40-60% so với mức giá ban đầu. Tuy nhiên, thời gian thu phí hoàn vốn dự án này được điều chỉnh tăng lên là 15 năm 9 tháng.
Dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1, đoạn qua TT.Cai Lậy (nay là TX.Cai Lậy) và tăng cường mặt đường từ km 1987+560 đến km 2014+000 do liên danh Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái (65%) và Công ty CP Đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1 (35%) làm chủ đầu tư. Pháp nhân quản lý, khai thác dự án nêu trên là Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang.
Theo báo cáo của Bộ GT-VT, qua tính toán lại toàn bộ chi phí đầu tư (có cập nhật kết luận của thanh tra, kiểm toán), kết quả tổng chi phí đầu tư là trên 1.380 tỉ đồng, trong đó, tuyến tránh là 680,77 tỉ đồng, phần tăng cường mặt đường là hơn 379 tỉ đồng, xây trạm thu phí là trên 100 tỉ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng là hơn 219 tỉ đồng.
Dự án được khởi công năm 2014 và hoàn thành năm 2017, thực hiện thu phí ngày 14.8.2017, nhưng sau đó gặp phản đối phải nhiều lần xả trạm và dừng thu phí cho đến nay.
Về phương án thu phí trở lại, Bộ GT-VT vẫn quyết định giữ nguyên vị trí đặt trạm như hiện nay, tức vẫn nằm trên quốc lộ 1. Liên quan đến việc đưa trạm BOT Cai Lậy thu phí trở lại, ông Nhật yêu cầu phải tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thời, chủ đầu tư phải hoàn thiện việc duy tu, sửa chữa cả tuyến tránh và phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1.
Tuy nhiên, nhiều người dân sẽ có sự lựa chọn mới, không cần qua BOT Cai Lậy trên quốc lộ 1A, khi tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành. Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu sử dụng vốn ngân sách tháo gỡ khó khăn cho dự án này, để thời gian thu phí không quá 15 năm. Cao tốc phải được thông tuyến vào cuối năm 2020, đáp ứng yêu cầu vận tải liên vùng, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, ngày 19.3, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về xử lý vướng mắc đối với dự án BOT đầu tư xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Theo đó, Bộ GT-VT, các bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư cần chủ động hơn nữa trong tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ.
Dự án này sẽ xây dựng tuyến cao tốc dài 51km, song song quốc lộ 1A, khởi công vào năm 2009, sau đó khởi động lại vào năm 2015. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc từ cơ chế, nhà đầu tư... nên tốc độ triển khai dự án rất è ạch, mới đạt khối lượng thi công khoảng 15%.
Thủ tướng đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước quản lý từ Bộ GT-VT sang UBND tỉnh Tiền Giang.Tỉnh được quyết định điều chỉnh dự án, chỉ đạo doanh nghiệp rà soát phương án tài chính trên cơ sở thay đổi cơ chế hỗ trợ quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương sang ngân sách nhà nước.
Nguyễn Hồ