U23 Việt Nam là đội duy nhất ở châu Á đảo lộn trật tự lượt cuối
Thể thao - Ngày đăng : 20:38, 27/03/2019
U23 Việt Nam giành chiến thắng 4-0 trước U23 Thái Lan làm ngây ngất người hâm mộ Việt Nam. Trong 24 giờ qua, chúng ta nhắc nhiều về kỷ lục 21 năm trong lịch sử đối đầu bóng đá Thái, nói về việc Việt Nam là đại biểu duy nhất của khu vực Đông Nam Á vượt vòng loại hay trở thành hạt giống tại VCK.
Và còn một điều có lẽ chưa được báo chí Việt Nam cũng như châu Á đề cập đến là: Thầy trò HLV Park Hang-seo là đội duy nhất đảo lộn trật tự được sắp xếp trước lượt đấu chót. Thật vậy, điều rất trùng hợp trong lượt cuối thì ở 11 bảng đấu đều cócuộc đối đầu giữa đội nhất bảng (sau 2 lượt) với đội nhì bảng.
Các đội nhất bảng đương nhiên đi tiếp còn các đội nhì bảng thì phải chờ vé vớt. Và trong 11 cuộc đối đầu nhất nhì này thì chỉ duy nhất Việt Nam đánh bại Thái Lan để chuyển trạng thái từ nhì sang nhất ở lượt cuối.
Chúng ta có thể thấy ở 10 bảng đấu khác chung kịch bản các đội nhì không thể ngoi lên ở lượt cuối.
1/Tại bảng A, đội nhất bảng Qatar gặp đội nhì bảng Oman. Kết quả, Qatar hòa Oman 2-2 và giữ ngôi đầu bảng. Oman nhì bảng nhưng không đủ điểm vào VCK.
2/ Tại bảng B, Bahrain thắng Palestine 2-0 để giữ ngôi đầu còn Palestine nhì bảng nhưng không đủ tiêu chuẩn vào VCK.
3/Tại bảng C, đội nhất bảng Iraq gặp đội nhì bảng Iran. Trước trận, hai đội biết rằng chỉ cần hòa bất kỳ tỷ số nào là dắt tay nhau đi tiếp và trận đó hòa không bàn thắng. Iraq nhất bảng, Iran nhì bảng giành vé vớt.
4/Tại bảng D, đội nhất bảng UAE gặp đội nhì bảng Ả Rập Saudi. Trước trận, cả hai đều biết kết quả hòa có bàn thắng đủ giúp hai đội đi tiếp. Trận này UAE mở tỷ số phút 51, đến phút 64 thì Ả Rập Saudi gỡ hòa 1-1. UAE đầu bảng còn Ả Rập Saudi nhì bảng nhưng cũng có vé vớt.
5/ Tại bảng E, đội đầu bảng Jordan gặp đội nhì bảng Syria. Trước trận, cả hai đội cùng biết rằng tỷ số hòa có bàn thắng sẽ giúp họ dắt tay nhau đi tiếp. Cũng giống như trận UAE - Ả Rập Saudi, đội đầu bảng là Jordan mở tỷ số trước phút 76 và ít phút sau, đội nhì bảng là Syria gỡ hòa 1-1. Jordan giữ ngôi đầu bảng còn Syria cũng giành vé vớt.
6/Tại bảng F, đội đầu bảng Uzbekistan gặp đội nhì bảng Tajkistan. Uzbekistan biết rằng hòa là giữ ngôi đầu còn Tajkistan biết họ chỉ cần hòa là ít nhất sẽ lọt vào top 5 đội nhì có thành tích xuất sắc nhất. Tỷ số hòa 0-0 trong sự hài lòng của hai đội nhưng sau đó Tajkistan mừng hụt vì Thái Lan bị thua và không còn trong suất chiếm vé đi tiếp. Chỉ có 4 đội nhì xuất sắc giành vé còn toan tính của Tajikistan xôi hỏng bỏng không.
7/Tại bảng G, đội đầu bảng Triều Tiên gặp đội nhì bảng Hong Kong. Đội nào thắng thì giành vé còn hòa thì nhiều khả năng cả hai cùng bị loại. Kết quả Triều Tiên thắng Hong Kong 2-0 để giành vé.
8/Tại bảng H, đội nhất bảng Hàn Quốc gặp đội nhì bảng Úc. Hai đội đều biết tỷ số hòa giúp họ dắt tay nhau đi tiếp. Đội nhì bảng Úc ghi trước 2 bàn trong hiệp 1 rồi sau đó Hàn Quốc nỗ lực gỡ hòa 2-2. Sau khi trận đấu trở về vạch xuất phát, hai đội đá chậm hẳn cho đến hết giờ. Hàn Quốc giữ ngôi nhất bảng, Úc nhì bảng nhưng có vé vớt ngay lập tức.
9/Tại bảng I, đội nhì bảng Myanmar gặp đội nhất bảng Nhật. Trước trận, cả hai đội đều biết hòa là cùng đi tiếp. Tuy nhiên, với sức mạnh vượt trội thì Nhật đã nhanh chóng hạ Myanmar 7-0 và trở thành đội bóng có thành tích tốt nhất vòng loại. Myanmar bị loại.
10/Tại bảng J, đội nhất bảng Trung Quốc gặp đội nhì bảng Malaysia. Trung Quốc chỉ cần hòa là giành vé còn Malaysia biết chỉ có thắng mới lọt vào VCK. Malaysia 2 lần dẫn trước nhưng vẫn bị cầm hòa 2-2 với bàn ấn định phút 84. Trung Quốc vẫn giữ ngôi nhất bảng còn Malaysia bị loại.
11/ Tại bảng K, Việt Nam trong thế phải thắng mới giành quyền đi tiếp đã hạ bệ Thái Lan bằng trận thắng 4-0. Việt Nam trở thành đội duy nhất đảo lộn trật tự trong lượt cuối, nhảy từ nhì bảng lên nhất bảng.
Nếu Việt Nam không thắng Thái Lan mà chỉ hòa thì chúng ta xếp vị trí 8/11 đội nhì bảng và đương nhiên bị loại. Và phải nói thêm rằng trong những trận đấu lượt cuối đầy "hòa nhã" với niềm vui "tay trong tay" kiểu Iran - Iraq, Jordan - Syria, UAE - Ả Rập Saudi, Uzbekistan - Tajkistan và kể cả những phút cuối trận Hàn Quốc - Úc thì những trận sòng phẳng như Nhật - Myanmar, Trung Quốc - Malaysia và đặc biệt là Việt Nam - Thái Lan đáng coi là điểm sáng ở châu Á.
Lặp lại chiến tích tại Asian Cup 2019
Còn nhớ tại Asian Cup 2019, Việt Nam là đội duy nhất đảo lộn trật tự luật chơi tại vòng 1/8. Khi ấy, các cặp đấu như sau:
Chủ nhà UAE – nhất bảng A dù gặp vất vả nhưng cuối cùng cũng vượt qua Kyrgyzstan 3-2 sau 120 phút thi đấu.
Hàn Quốc nhất bảng C dù gặp chút khó khăn nhưng vẫn đủ sức loại Bahrain sau 120 phút thi đấu.
Đội nhất bảng D Iran chứng tỏ sức mạnh vượt trội khi dễ dàng hạ Oman 2-0.
Đội nhất bảng E là Qatar dù phải gặp đội nhì bảng thuộc loại mạnh nhất là Iraq nhưng vẫn chứng tỏ sự lấn lướt để giành chiến thắng 1-0.
Đội nhất bảng F là Nhật Bản cũng phải gặp đối thủ hàng đầu châu lục là Ả Rập Saudi nhưng đã giành chiến thắng 1-0 với sự thực dụng.
Ngay cả trong 2 trận đấu của các đội nhì bảng thì đội cửa trên (ít nhất là theo nhận định từ nhà cái) vẫn đè đội cửa dưới. ĐKVĐ Úc đã vượt qua Uzbekistan trong loạt luân lưu sau khi hai đội hòa không bàn thắng trong 120 phút. Trung Quốc cũng vượt qua đối thủ được đánh giá thấp hơn là Thái Lan với cú lội ngược dòng 1-2.
Chỉ duy nhất cặp đấu Việt Nam – Jordan đã diễn ra theo xu thế hoàn toàn khác so với trật tự cửa trên tiễn cửa dưới ở vòng 1/8. Jordan đã trở thành đội đầu bảng duy nhất không góp mặt tại tứ kết, Việt Nam trở thành đội duy nhất xếp thứ ba vòng bảng vượt tiếp vòng 1/8. Điều ấn tượng là trong trận đấu ngược chiều xu thế này thì chính Việt Nam mới là đội chơi hay hơn, kiểm soát bóng nhiều hơn, dứt điểm nhiều hơn nên giành vé đi tiếp xứng đáng. Chúng ta đảo ngược trật tự luật chơi một cách thuyết phục.
Anh Tú