9X An Giang ‘hô biến’ tăm tre thành các tác phẩm nghệ thuật
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:04, 04/04/2019
Sự sáng tạo qua ánh mắt
Chủ nhân của những tác phẩm nói trên là Nguyễn Vũ Linh (SN 1994, ngụ H.Châu Phú, tỉnh An Giang). Sau nhiều năm theo đuổi nghệ thuật làm mô hình bằng tăm tre, đến nay chàng trai 9X này sở hữu hàng trăm sản phẩm đẹp mắt, khiến người xem trầm trồ, thán phục.
Theo Linh, việc chế tác các tác phẩm bằng tăm tre tuy khó, nhưng nếu chịu quan sát và tỉ mỉ sẽ thành công. Do đặc thù tăm tre rất nhỏ nên khi cắt ghép, đo đạc cần rất nhiều thời gian và đòi hỏi người làm phải thật kiên nhẫn và cẩn thận.
Tháp Eiffel sao khi hoàn thiện được 9X gắn đèn chớp càng thêm lung linh
9X này thông tin thêm, thông thường để tạo ra 1 sản phẩm hoàn chỉnh phải mất từ 15 - 16 ngày, mỗi ngày làm khoảng 15 tiếng tùy vào kích thước và số lượng chi tiết. Nếu không kiên trì, thích thú thì rất ít người có thể hoàn thành 1 sản phẩm. Trong số hàng chục công đoạn khác nhau, có lẽ khó nhất vẫn là định hình và tạo khung sườn cho sản phẩm.
Mỗi sản phẩm có thể cao từ 45cm đến trên 1m. Nhưng nếu phần sườn không chắc chắn và cân đối thì xem như hỏng cả mộttác phẩm. Vừa thao tác, Linh vừa nói: “Khi nhìn mộtsản phẩm nào đó em có thể nảy ra nhiều ý tưởng sáng tạo và cho ra cách làm nó nhanh hơn và nó tương đối giống thật nhất.
Những di tích, địa danh văn hóa của Việt Nam hay thế giới, em thấy và thích là bắt đầu tìm hiểu kỹ qua phim ảnh, những chi tiết và em bắt đầu thao tác, phác họa và chia kích thước để làm. Trong quá trình dựng mô hình có rất nhiều công đoạn, công đoạn khó nhất là dựng sườn, khi bắt đầu làm một mô hình mình phải làm ngay thẳng đàng hoàng, chỉnh chu để khi mình hoàn thiện được sản phẩm đó nó ngay và đẹp mắt hơn.
9X đang chia sẻ về sản phẩm của mình
Em nhớ không lầm là vào giữa năm 2013, em cùng mộtngười anh bắt đầu làm mô hình cầu Mỹ Thuận lần đầu tiên. Khi bắt đầu thao tác em và ông anh sơ ý trong công đoạn nối các nhịp cầu cho chắc chắn nên khi hoàn thiện cây cầu, tụi em cảm thấy chưa đạt và đẹp nên phải dẹp bỏ, làm lại từ đầu”.
Nguyên liệu dễ tìm, nhưng tâm phải tịnh mới làm được
Cũng theo Linh, vào nghề này phải kiên trì, không nóng tánh và đặc biệt phải có tư duy nhìn được sản phẩm, nhìn để sáng tạo ra đường nét hoặc cắt ghép để cho cái sản phẩm đẹp hơn, cũng như việc lắp ghép cũng tiện lợi hơn.
“Em có thể phácthảo mô hình trên giấy hoặc em có thể tính được trong đầu. tùy theo sản phẩm. Cũng khó khăn là những cái que tăm mà mình cắt những chi tiết nhỏ quá sẽ dễ gãy, nên phải dán độ keo vừa phải. Cách cắt tùy theo cắt tăm và cắt gỗ khác nhau nên mình tự biến hóa. Hiện tại em đang thử nghiệm sử dụng tre lóng dài không có mắt, mình có thể làm sản phẩm to hơn, dài hơn mà đẹp mắt hơn”, Linh bộc bạch.
Mỗi sản phẩm làm từ tăm tre, 9X chỉ bán dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng
Ngoài việc sử dụng các loại tăm tre phổ biến trên thị trường, 9X này còn đến tận vùng đất Bắc để tìm mua nguyên liệu từ cây giang hay cây bầu lào. Đây là một loại cây gần giống như tre có ưu điểm mềm, dẻo, dễ uốn cong. Đặc biệt phần lóng dài, ít mắt có thể làm sản phẩm với kích thước lớn vô cùng đẹp mắt.
Tùy kiểu dáng, kích thước, mức chi tiết, giá mỗi sản phẩm dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Hiện tại, những mô hình độc đáo của 9X này làm ra đang được trưng bày và bán online. Ước mơ của cậu trong tương lai là mở cửa hàng rộng hơn và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những ai có cùng đam mê.
Bài và ảnh: Tô Văn