Khánh Ly và ẩn ức chưa kể 50 năm trước: Sống cùng vũ nữ, được giang hồ bảo vệ và lần gặp đầu với Trịnh Công Sơn
Văn hóa - Ngày đăng : 11:22, 05/04/2019
Tôi gặp Khánh Ly vào một buổi chiều thu Hà Nội man mác, khi ánh nắng vàng vọt len lỏi qua từng con phố cổ, ánh lên những hàng quán tấp nập. Trước mặt tôi là chứng nhân lịch sử, biểu tượng văn hóa của cả một dân tộc, một nền âm nhạc đã trải qua nhiều thế hệ, thăng trầm.
Dù chỉ là một cuộc phỏng vấn riêng giữa hai người, nhưng Khánh Ly vẫn nhất quyết mặc áo dài kín đáo, không để lộ khuỷu tay theo đúng lời chỉ bảo của Trịnh Công Sơn. Từ giọng nói tới phong thái của chị đều toát lên cốt cách xưa cũ của người phụ nữ Hà Nội gốc.
Sau màn chào hỏi dăm ba câu, Khánh Ly bật lửa, rít một hơi thuốc thật sâu. Theo làn khói thuốc, hồi ức của chị về những năm tháng thanh xuân bỗng ùa về, với đầy niềm vui, nỗi buồn và những kỉ niệm ít ai biết tới.
Hát là bản năng tự nhiên của tôi, không ai dạy, không ai tập, cũng không bắt chước ai!
Người ta thường biết tới Khánh Ly là một ca sĩ giang hồ. Chị phiêu bạt rất nhiều nơi, từ Bắc vào Nam. Chị cũng không phải một ca sĩ chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản. Vậy, chị có gặp nhiều khó khăn, trắc trở trên đường đời, cũng như con đường ca hát của mình không?
Đường đời vốn dĩ đã khó khăn rồi. Chẳng cần phải là ca sĩ, chính khách hay người nổi tiếng thì cuộc đời cũng đã đầy chông gai. Và không phải cứ là ca sĩ thì sẽ khó khăn hơn người bình thường.
Khó khăn là điều hiển nhiên thôi, đi đường nào cũng khó khăn. Đó là lẽ đương nhiên. Bởi vậy, không thể so sánh rằng đi theo cái này thì khó khăn hơn cái kia. Khó khăn nào cũng phải cố gắng mà vượt qua.
Trước khi đến với ca hát, chị có được học qua về âm nhạc không?
Tôi không được đi học nhạc. Thời của tôi, không có chuyện con cái nhà trung lưu được đi học nhạc, và cũng không ai dám nghĩ con mình sẽ làm ca sĩ. Nghề ca sĩ bị kì thị, ác cảm hơn những nghề khác.
Tôi cũng chẳng hiểu tại sao lại thế, vì nghề nào cũng đẹp cả. Nếu coi ca sĩ là một nghề, thì đó là nghề nghiệp rất tốt đẹp.
Vậy thì, trong lần đầu tiên chị cầm bản nhạc lên để hát, có gặp cản trở gì không?
Tất nhiên, người có học thì bao giờ cũng hơn người không có học, mới tập tễnh đi như tôi. Đó là một trong những cản trở với tôi. Nhưng rồi, tôi cũng đi được thôi.
Các nhạc sĩ, ca sĩ cùng thời với tôi ít lắm. Tôi không có cơ hội được nghe nhiều. Hát là bản năng tự nhiên của tôi, không ai dạy, không ai tập, cũng không bắt chước ai cả, cứ tự mà hát, thích thì hát thôi. Cách hát đặc biệt của tôi không phải do tôi cố tình tạo ra mà tự nhiên đã như thế rồi.
Tất nhiên, hồi xưa tôi vẫn nghe những ca sĩ lớn ngoài Hà Nội như ông Ngọc Bảo, bà Thái Thanh.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có chỉ dạy chị về ca hát trong lúc mới vào nghề không?
Không hề, tôi hoàn toàn tự mày mò, tự hát. Không chỉ Trịnh Công Sơn, tôi còn nghe thêm nhiều nhạc sĩ khác, và bài nào thích thì tôi sẽ tìm để học rồi hát. Hồi đó, tôi không có nhạc sĩ riêng như bây giờ, nên nghe ca sĩ hát trước rồi hát lại theo cách và trải nghiệm của mình.
Với tôi, không có nhạc nào nhất hay nhì. Chỉ có bài hát nào cảm thấy thích hợp thì hát. Có thể bài hát đó đã có người hát rất hay, nhưng tôi thích thì tôi vẫn hát lại theo cách của tôi, chứ không bắt chước ai cả.
Dân giang hồ luôn bảo vệ chúng tôi
Chị từng nói rằng mình không được học nhiều. Nhưng vốn văn thơ, ngôn từ của chị rất phong phú, sâu sắc, hơn cả một cử nhân văn khoa. Chị đã làm thế nào để có được vốn ngôn từ dày như thế?
Tôi đọc sách nhiều, giao tiếp nhiều nên có cơ hội để trau dồi kiến thức của mình. Có nhiều cái mình không biết hoặc biết sai, sách vở sẽ định nghĩa lại rõ ràng cho mình, mình chỉ việc theo thôi. Tôi đọc sách, thấy chữ nghĩa nào đẹp nhất, tốt nhất thì theo. Nhiều cái nhà trường không thể dạy mình như trường đời đâu. Tôi ra đời sớm nên đời dạy tôi, tôi học được nhiều từ cuộc đời.
Nhắc đến trường đời, chị đã từng kể rằng, trong 5 năm sống tại Đà Lạt thời trẻ, chị đã ở và học được nhiều điều từ dân anh chị, giang hồ, tầng lớp không được xã hội coi trọng. Chị có thể kể lại về thời gian đó được không?
Giới giang hồ mà tôi sống chung khi ấy là các chị vũ nữ. Có những người đi học ban ngày nhưng đêm đến lại làm vũ nữ để trang trải cuộc sống. Họ sống rất giản dị, vô tư, bình thản, đùm bọc và thương nhau. Họ chia sẻ cho tôi kinh nghiệm sống. Họ sống về đêm, nên sự che chở là điều cần thiết.
Còn dân giang hồ thực sự lại rất quý giới ca nhạc sĩ và các chị vũ nữ đó. Không bao giờ họ làm phiền, mà ngược lại, luôn bảo vệ chúng tôi. Dù tôi có nhà trên Đà Lạt, nhưng tôi vẫn ở luôn tại chỗ làm việc cùng các chị vũ nữ. Tôi rất thích khoảng thời gian 5 năm đó.
Chính ở họ, tôi học được nhiều điều rất hay mà cha mẹ, trường học, sách vở không hề dạy. Tôi học được cách sống ở đời, cách cho, sống cho người, sống cùng với người, ở cùng với người.
Và đó cũng là khoảng thời gian chị gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?
Đúng vậy, đó là một sự tình cờ. Trước đó, tôi đã đi hát tại một nhà hàng khiêu vũ. Ông Trịnh Công Sơn tới đó nghe nhạc và làm quen với tôi.
Chị có cảm xúc gì trong khoảnh khắc đó?
Tôi không có cảm xúc gì cả, vì không biết ông là ai. Ông giới thiệu tên thì tôi biết vậy, chứ cũng không biết ông là một nhạc sĩ.
Chị còn nhớ kỉ niệm đẹp nhất với mình trong 5 năm sống tại Đà Lạt không?
Đã là kỉ niệm thì phải đặc biệt lắm, nên không có cái nào nhất cái nào nhì. Kỉ niệm thường là đẹp, nhưng đôi khi cũng buồn. Tuy nhiên, dù xấu hay đẹp, vui hay buồn, nó cũng khiến mình nhớ mãi và giúp ích cho đời sống sau này của mình.
Quay trở lại chuyện ngôn từ, có một sự thật là, nhiều ca sĩ trẻ ngày nay có vốn ngôn từ rất ít, trong cả sáng tác lẫn biểu diễn trên sân khấu. Chị có ý kiến gì về việc này không?
Cái này tùy từng người. Không thể nói người này ít chữ quá, không làm nhạc được. Tôi không có ý kiến hay lời khuyên gì cả.
Chị đã ở tuổi thất thập cổ lai hi và phải chứng kiến nhiều sự ra đi của những người quanh mình. Chị có buồn về những mất mát đang diễn ra không?
Không. Trịnh Công Sơn đã nói rồi, những người đến không vì mong, những người khuất không vì quên. Người ta sinh ra đời đâu phải vì họ muốn thế. Có ai lựa chọn được nơi mình sinh ra. Hay những người khuất bóng đâu có nghĩa là bị quên lãng.
Con tôi còn bị hỏi rằng: "Thế đã nhận xác mẹ chưa?"
Công chúng coi Khánh Ly là chứng nhân, là một phần của lịch sử. Với bản thân chị, chị còn luyến tiếc điều gì chưa làm được với âm nhạc và cuộc đời không?
Tất cả những người cùng thời với tôi nếu còn sống đều là chứng nhân lịch sử, chứ không riêng gì tôi. Chúng tôi sinh ra trong thời chinh chiến như vậy nên cảm nhận khác với những người sinh ra sau cuộc chiến.
Có những điều phải quên đi để mà sống, vì nó vốn đã thế, không thể khác được. Tuy nhiên, có những điều người ta sẽ không bao giờ quên được. Cái này tùy theo mỗi người.
Tôi không biết người ta có tiếc nuối sau khi trải qua mất mát không, nhưng với tôi, có những cái mất đi mà mình không tiếc, vì có tiếc cũng không được. Nếu muốn sống và tồn tại tiếp thì đừng tiếc, tiếc nuối cũng vô ích.
Cứ ngồi trong bóng đêm mà ôm mãi quá khứ thì còn làm được cái gì nữa. Đến bản thân mình còn như thế thì giúp gì được cho người bên cạnh mình. Tôi không tiếc gì cả, cái gì mất là mất, qua là qua.
Thế còn những điều khiến chị tự hào trong cuộc đời mình?
Nói tự hào thì hơi quá đáng. Tôi chỉ mong mình không sai, rằng những việc mình vô tình làm sẽ không quá nặng nề thôi. Tôi mong những lỗi lầm mình phạm phải là những điều có thể hiểu và tha thứ được.
Là một ca sĩ nổi tiếng, chắc chắn chị không thể tránh khỏi tin đồn và thị phi. Chị đã làm thế nào để đối diện với nó?
Cái này bình thường lắm. Đời sống phải như thế. Nếu không vậy đã không là đời sống. Không dưới một lần tôi bị người ta đồn rằng đã chết, rồi nợ nần này nọ. Con tôi còn bị hỏi rằng: "Thế đã nhận xác mẹ chưa?".
Tôi chẳng bao giờ buồn hay tức giận với những tin đồn như thế. Tôi không nhớ lâu đến quá một tiếng đồng hồ.
Được người ta thương thì phải chấp nhận việc có người ghét. Nhận được lời khen thì phải biết chấp nhận cả lời chê. Đâu phải cái gì mình cũng đúng, cũng đẹp.
Nếu gọi là bạn, thì tôi hơi hỗn với Trịnh Công Sơn. Tôi không xứng đáng là bạn ông Sơn
Từng có nhiều ý kiến cho rằng, Khánh Ly hát nhạc Trịnh không hay như nhiều ca sĩ khác. Chị có suy nghĩ gì trước những ý kiến này?
Họ chê như vậy thì tôi chịu thôi. Vì sức của tôi chỉ có đến thế và tôi chỉ hát được đến vậy thôi. Không riêng gì nhạc Trịnh, tôi hát tất cả các nhạc khác bằng hết sức mình có, còn khen hay chê là do tùy người nghe.
Mình không thể nào bắt tất cả mọi người phải khen mình.
Giữa chị và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng có thời gian dài gắn bó với nhau, tới mức "Một đĩa cơm chia hai, một điếu thuốc cùng hút, một li cà phê cùng uống. Chia nhau nằm ngủ trên những tờ báo nhàu nát trải dưới đất". Tuy nhiên, cả hai lại chưa hề thừa nhận chuyện tình cảm này. Liệu giữa chị và Trịnh Công Sơn có chuyện tình yêu đôi lứa không?
Tôi không có thì lấy gì để chia sẻ bây giờ. Chuyện tôi ở lại thế gian này bao ngày không quan trọng, mà quan trọng là, tin thì không hỏi, còn hỏi tức là không tin. Mà đã không tin thì tôi nói gì cũng vô ích.
Thôi thì, ai nghĩ sao cũng được. Ai bảo có thì là có, ai nói không thì là không. Đơn giản thôi. Cuộc đời vốn khó khăn lắm rồi, không nên cột nhau thêm khó khăn làm gì.
Trịnh Công Sơn là người ban ơn cho tôi mà. Ơn của ông không thua gì ơn cha mẹ tôi. Cha mẹ tôi tạo hình hài cho tôi ra đời, nhưng ông Sơn mới là người nuôi sống đời sống của tôi sau này.
Nếu gọi là bạn, thì tôi hơi hỗn với Trịnh Công Sơn. Tôi không xứng đáng là bạn ông Sơn. Ông Sơn như một người cha, người anh với tôi.
Trong những năm tháng tuổi trẻ, xung quanh Trịnh Công Sơn có rất nhiều bóng hồng. Chị có khi nào cảm thấy ghen tị với những bóng hồng đó không?
Tôi không có lí do gì đế ghen tị cả. Nhạc của ông, nếu ông không đưa tôi, thì rồi tôi cũng sẽ hát. Trịnh Công Sơn đâu cấm ai hát nhạc của ông đâu, nên tôi không có lí do gì để ganh ghét, hơn thua với bất kì người nào đến gần ông. Ai đến với ông hay nhạc của ông, tôi đều mừng.
Người ta sống khó mà hơn nhau ở cái áo lắm
Chị là người có đóng góp rất lớn với nền âm nhạc Việt Nam. Nhưng bây giờ, người ta phong cho nhau rất nhiều danh hiệu như nữ hoàng, diva, nghệ sĩ nọ, nghệ sĩ kia, còn chị vẫn thường được gọi là "ca sĩ Khánh Ly". Chị có bao giờ chạnh lòng về điều này?
Danh xưng để làm gì? Mình đã có tên Khánh Ly rồi thì cũng chỉ cần Khánh Ly là đủ rồi. Còn danh xưng nữ hoàng hay diva, tôi không để ý, cũng không màng tới. Người ta sống khó mà hơn nhau ở cái áo lắm.
Có ba thành phố gắn bó với cuộc đời Khánh Ly: Đó là Hà Nội - nơi sinh ra và lớn lên, Đà Lạt – nơi có nhiều kỉ niệm thời thanh xuân, Sài Gòn – nơi gây dựng sự nghiệp. Chị có thể kể lại đôi chút kỉ niệm và ấn tượng của mình về ba thành phố này được không?
Thực ra, Hà Nội là nơi tôi biết ít nhất vì chỉ sống có mấy năm thôi. Nhưng Hà Nội để lại cho tôi nhiều kỉ niệm đẹp lắm. Người Hà Nội, ai nói gì thì nói, riêng tôi thấy họ rất tình nghĩa.
Hà Nội là nơi tôi rất quý, rất yêu. Nó có những cái rất riêng, rất đẹp. Tất nhiên, bên cạnh cái đẹp bao giờ cũng có những cái không đẹp. Sài Gòn cũng vậy, Đà Lạt cũng thế.
Chẳng thể nào nói tôi ở chỗ này thì sướng hơn chỗ kia. Chỉ có điều, nếu mình ở nơi nào mà mảnh đất đó chấp nhận mình, giúp mình có cuộc sống tử tế thì đó là nơi mình nên ở. Nếu phải rời đi vì bất cứ lí do gì cũng làm mình nuối tiếc.
Mình ở chỗ nào cũng được, miễn là chỗ đó tử tế và mình sống ở đó cũng tử tế. Nơi nào cũng có kỉ niệm với tôi hết.
Nhiều người rất tò mò về cuộc sống, cảnh vật của Sài Gòn thời chị còn trẻ. Chị có thể chia sẻ thêm về Sài Gòn khi ấy được không?
Sài Gòn ngày đó là một thành phố rất yên bình, vắng vẻ. Đời sống của người Sài Gòn rất giản dị, hiền lành. Từng con đường, góc phố, hàng cây tôi đã đi qua, khi trở về, muốn tìm lại nhưng không còn nữa.
Nhưng điều này là dĩ nhiên thôi, đời sống thì mỗi ngày một tiến tới theo đà văn minh của thế giới. Mọi thứ đều phải thay đổi, con người cũng vậy.
Sau này, tôi chỉ tìm lại được Sài Gòn của tôi năm xưa ở nhà thờ Đức Bà và mộ Trịnh Công Sơn. Đó là hai nơi tôi có thể nhìn thấy mình rõ nhất, còn mọi cái đều thay đổi hết, từ nhà cửa, phố xá, cây cỏ tới con người.
Con người là động vật dễ thay đổi nhất. Nhưng tôi không buồn về điều này. Mọi người đều có quyền thay đổi và sống theo ý thích của họ. Mình không bắt ai theo mình được.
Ngay tại Hà Nội, có khi cứ ba tháng tôi quay lại cũng có sự thay đổi, từ điều nhỏ nhất huống hồ những gì lớn lao.
Tôi nhìn thấy cuộc sống luôn thay đổi, nhưng không làm cho tôi thay đổi. Ngày xưa tôi thế nào thì bây giờ tôi vẫn thế đó.
Long Phạm (Tri Thức Trẻ)