Thứ trưởng Bộ Công Thương: Tôi muốn bỏ quỹ bình ổn càng sớm càng tốt!
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 07:45, 06/04/2019
Trả lời báo giới tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra chiều 5.4, Thứ trưởng Bộ Công ThươngĐỗ Thắng Hải cho biết xăng dầu hiện nay đang là một trong số ít những mặt hàng thiết yếu được điều hành dần theo cơ chế thị trường.
Theo ông Hải, Nghị định 83 đã có công thức tính, trong đó quy định rõ các thành phần từ thuế cho đến các thành phần cấu thành khác. Cùng với đó, giá xăng dầu bình quân 15 ngày được lấy theo giá Singapore - thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam.
Còn việc Liên bộ Tài chính - Công Thương điều hành chỉ có thể điều chỉnh dựa vào quỹ bình ổn xăng dầu. Với mỗi lít xăng nhập về đều phải trích 300 đồng cho quỹ bình ổn giá và quỹ này nằm ở chính doanh nghiệp. Tùytheo điều hành chu kỳ 15 ngày, nếu phải trích thì trích ra, trường hợp trích nhiều thì thành âm.
Liên quan đến thông tin tất cả doanh nghiệp đều âm quỹ bình ổn khiến doanh nghiệp đầu mối gặp khó khăn trong hoạt động khi rơi vào tình trạng “càng nhập bán càng lỗ", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết theo số liệu gần nhất được thống kê tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 2.4 chỉ có 9/28 doanh nghiệp đầu mối âm.
Giải thích nguyên nhân trong kỳ điều hành gần nhất (ngày 2.4) có mặt hàng như dầu diesel xu hướng thế giới là giảm, thuế nhập khẩu bình quân cũng giảm nhưng giá trong nước lại điều hành tăng, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng phải quay lại cả kỳ điều hành trước đó (ngày 18.3) thì mới đúng bản chất.
“Tại kỳ điều hành trước đó (18.3), muốn giữ được giá xăng dầu, chúng tôi phải báo cáo các cấp thẩm quyền để xin xả quỹ bình ổn tới 2.800 đồng cho 1 lít xăng E5RON92, 2.000 đồng đối với RON95, dầu diesel và hỏađều phải xả quỹ hơn 1.000 đồng/lít để giữ giá. Còn tại sao phải giữ giá là theo chỉ đạo của Chính phủ vì không muốn tác động chồng chéo do giá điện cũng sẽ tăng từ ngày 20.3”, Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nếu ngày 2.4 vừa rồi không tăng giá xăng dầu thì vẫn phải bù hơn 2.000-2.800 đồng/lít với các mặt hàng xăng và hơn 1.000 đồng/lít với dầu. Riêng dầu diesel dù giá thế giới giảm 0,17% nhưng nếu bỏ xả quỹ đi thì vẫn phải tăng bởi “nếu tiếp tục bù thì lấy đâu ra nữa mà bù”.
"Ngân sách không bỏ 1 đồng nào để can thiệp vào xăng dầu, không có quỹ này thì cứ cong ăn cong, thẳng ăn thẳng, giá thế giới tăng thì tăng, giảm thì giảm. Vừa rồi xăng E5 tăng 1.300 đồng/lít có ý kiến là tăng sốc nhưng nếu sốc thì có tăng 100 đồng/lít cũng vẫn nói là sốc. Nếu không dùng quỹ để bù hơn 2.042 đồng/lít thì xăng E5 phải tăng tới hơn 3.300 đồng. Tương tự RON 95, quỹ bình ổn cũng vẫn phải bù 1.300 đồng/lít", ông Hải nói.
Với riêng quỹ bình ổn, ông Hải mong muốn “bỏ càng sớm càng tốt” nhưng ông Hải cho biết trong cuộc họp gần đây nhất, Chính phủ đã đưa ra bàn và thống nhất hiện nay khi Việt Nam chưa phải nền kinh tế thị trường nên vẫn cần vai trò quản lý nhà nước.
"Nguyên tắc của quỹ bình ổn là lúc dư thì đóng vào đó, lúc khó thì lấy ra dùng. Sau mười mấy năm điều hành giá xăng dầu, chúng tôi thấy đây là biện pháp kinh tế hữu hiệu. Cho nên, đây không phải là can thiệp hành chính, đây chính là biện pháp kinh tế, tức là mình lấy nó nuôi nó và không phải tăng trong những thời điểm nhạy cảm. Nếu đợt vừa qua khi giá điện tăng, giá xăng cũng tăng sẽ gây sốt lạm phát kỳ vọng, sẽ bị cộng hưởng rất mạnh", ông Hải cho hay.
Tuyết Nhung