Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm bản án vụ đại tá về hưu mất nơi thờ Mẹ VNAH
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:48, 06/04/2019
Báo điện tử Một Thế Giới năm 2018 và đầu năm 2019liên tục có các bài viết phản ánh về việc TAND 2 cấp của tỉnh Cà Mau ra các bản án còn nhiều “ẩn khuất”, tuyên cựu đại tá Trần Việt Bình, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Minh Hải (nay là Công an tỉnh Cà Mau), thua kiện, phải chấp nhận bị cưỡng chế căn nhà là nơi duy nhất thờ cúng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH)cùng bàn thờ liệt sĩ, để thi hành bản án.
Ngày 6.4, ông Bình vui vẻ cho biết, nhờ sự quan tâm phản ánh những vấn đề không đúng quy định pháp luật của báo điện tử Một Thế Giới, nhờ sự quan tâm đặc biệt của ngành chức năng có thẩm quyền của tỉnh Cà Mau, đến nay gia đình ông đã gần đòi lại được sự công bằng.
Theo đó, ngày 5.3.2019, Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM đã ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản ánsố 134/2015/DS-PT ngày 23.6.2015 của TAND tỉnh Cà Mau.
Quyết định nêu rõ: bản án số 14/2014/DS-ST ngày 12.2.2014 của TAND TP.Cà Mauvà bản án số 134/2015/DS-PT ngày 23.6.2015 của TAND tỉnh Cà Mau đã chưa xem xét đầy đủ chứng cứ; tình tiết khách quan của vụ án, từ đó xét xử không đảm bảo căn cứ pháp lý; không phù hợp theo quy định của pháp luật.
Đây là vụ án tranh chấp giữa ông Trần Việt Bình và ông Nguyễn Thanh Tuấn. Theo đó vào năm 1986, ông Bình có gửi đơn đến Sở Xây dựng tỉnh Minh Hải xin được cấp đất ở. Đến năm 1987, ông được Công ty Phát triển nhà Minh Hải cấp 1.000m2 đất tại lô 17B, đường Lộ Mới, khu Trần Ngọc Hy, nay là đường Trần Văn Bỉnh, khóm 7, P.5.
Căn nhà này là nơi duy nhất ông Bình thờ cúng bà Mẹ VNAH cùng các liệt sĩ đã hơn 30 năm. Tuy nhiên, đến năm 2013, ông Tuấnở P.9, TP.Cà Mau bất ngờ kiện ông Bình ra tòa đòi lại phần đất 300m2 mà ông Bình đang ở ổn định.
Ngày 12.2.2014, TAND TP.Cà Mau đưa vụ việc ra xét xử sơ thẩmvà được TAND tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm ngày 23.6.2015, đều tuyên ông Bình thua kiện, buộc cựu đại tá trả cho ông Tuấn giá trị đất, với số tiền hơn 1 tỉ đồng. Ngành chức năng TP.Cà Mau sau đó cưỡng chế, giao nhà cho người trúng đấu giá để thi hành bản án.
Quyết định kháng nghị của Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM- Ảnh: Hạnh Hoàng
Qua nghiên cứu hồ sơ, Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM chỉ ra 4 điểm mà TAND 2 cấp của tỉnh Cà Mau đã thiếu sót. Trong đó ở điểm thứ 2: tại phiên tòa phúc thẩm, ông Tuấn khai: Năm 1986, vợ chồng ông đã được Nhà nước cấp 1 căn nhà và đất ở tại P.9, TP. Cà Mau (theo chính sách chung thời điểm đó), hiện nay ông vẫn ở trên phần đất này.
Tuy nhiên, không thể cùng một thời điểm Nhà nước cấp đất cho 2 vợ chồng ông ở 2 nơi; theo chỉ đạo của tỉnh lúc đó thì đất 2 nơi phải chọn 1, nên ông Tuấn chọn về ở trên đất tại P.9, mà không sử dụng đất ở P.5. Cho nên, ông Tuấn chưa bao giờ quản lý, sử dụng phần đất tranh chấp với ông Bình ở P.5.
Đặc biệt, tại điểm thứ 4, Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ cho thấyông Tuấn tuy có tên trong danh sách “tạm giao” đất năm 1986, nhưng trên thực tế ông không quản lý, sử dụng, không làm các thủ tục đăng ký để được cấp giấy phép sử dụng đất.
Thay vào đó, ông Bình tuy không có tên trong danh sách giao đất, nhưng đã quản lý sử dụng phần đất này từ năm 1989. Quá trình sử dụng không tranh chấp và thực hiện nghĩa vụ thuế đúng quy định. Nên ông Bình mới là người sử dụng đất hợp pháp mà không phải là ông Tuấn như tòa án 2 cấp của tỉnh Cà Mau đã nhận định.
Từ đó, Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng áp dụng khoản 3 điều 343 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 ngày 25.11.2015: Hủy toàn bộ 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND tỉnh Cà Mau tuyên ông Bình thua kiện; đồng thời chuyển hồ sơ cho TAND TP.Cà Mau xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung.
Đồng thời, Viện quyết định tạm đình chỉ bản án số 134/2015/DS-PT ngày 23.6.2015 của TAND tỉnh Cà Mau, cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
Hạnh Hoàng