Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Công ty Thiên Sơn lên tiếng về công văn của Tổng hội Y học

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:07, 06/04/2019

Mới đây, Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn đã có văn bản gửi Tổng hội Y học Việt Nam, đồng kính gửi TAND tối cao, Viện KSND tối cao, TAND tỉnh Hòa Bình, Viện KSND tỉnh Hòa Bình về việc đề nghị Tổng hội Y học Việt Nam kiểm tra thông tin trung thực, chính xác và đính chính văn bản số 63.

Sau khi nghiên cứu bản án sơ thẩm của vụ án “Vô ý làm chết người”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, ngày 20.3.2019, Tổng hội Y học Việt Nam đã gửi Công văn số 63 đến TAND tối cao, Viện KSND tối cao, TAND tỉnh Hòa Bình, Viện KSND tỉnh Hòa Bình.

Trong công văn, phía Tổng hội Y học Việt Nam nhận thấy nội dung Hợp đồng số 64/TS ngày 22.12.2009 giữa BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn) đã quy định rõ: “Công ty Thiên Sơn có trách nhiệm: hướng dẫn kỹ thuật viên sử dụng máy cho bệnh viện; cử đại diện làm việc tại địa điểm đặt máy với vai trò kỹ thuật viên, đồng thời là người theo dõi số ca, số bệnh nhân điều trị và nắm bắt thông tin khi cần thiết… BVĐK tỉnh Hòa Bình có trách nhiệm: Cung cấp nguồn nhân lực, đào tạo bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên, chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn”.

Tuy nhiên, phía Công ty Thiên Sơn đã phản ánh rằng trong công văn của Tổng hội Y học Việt Nam có một số thông tin không chính xác. Cụ thể, thứ nhất, Hợp đồng 64/BVĐKT-TS ký kết giữa BVĐKtỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn đã được hai bên thanh lý ngày 11.5.2015 (bút lục số 3880-3881, hồ sơ vụ án). Hợp đồng này không còn hiệu lực theo quy định của điều 22 Bộ luật Dân sự 2015. Nội dung này đã được làm rõ tại phiên tòa sơ thẩm.

Thứ hai, Công ty Thiên Sơn thực hiện Hợp đồng sửa chữa hệ thống nước RO2 cho BVĐK tỉnh Hòa Bình theo hợp đồng kinh tế, có điều khoản rõ ràng. Tại thời điểm xảy ra sự cố đến nay, Công ty Thiên Sơn chưa có bất cứ bàn giao bằng hình thức nào cho phía bệnh viện. Việc đưa hệ thống nước chưa đảm bảo an toàn, chưa có xét nghiệm vào chạy thận cho bệnh nhân là việc làm cẩu thả nghiêm trọng của các cá nhân thuộc BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Thứ ba, đến thời điểm xảy ra sự cố, Bộ Y tế chưa có bất kỳ văn bản nào cho phép hay không cho phép dùng HF, HCL trong vệ sinh sục rửa hệ thống như văn bản của Tổng hội đã nêu.

Bị cáo Đỗ Anh Tuấn (nguyên Giám đốcCông ty Thiên Sơn) cùng luật sư đến phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: T.Anh

Theo phía Công ty Thiên Sơn, hiện nayBản án sơ thẩm số 08/2019 của TAND TP.Hòa Bình chưa có hiệu lực pháp luật. Việc phát ngôn sai lệch hồ sơ vụ án không những gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Thiên Sơn mà còn làm dư luận hiểu lầm, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải quyết vụ án.

Bên cạnh nội dung liên quan đến bản hợp đồng giữa Công ty Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình, Tổng hội Y học Việt Nam còn cho rằng hệ thống RO số 2 đã được sửa chữa xong và đã bàn giao cho Phòng Vật tư – Thiết bị y tế. Nguyên nhân gây tử vong là do lượng hóa chất tồn dư cao gấp 245-260 lần mức cho phép. Phía Tổng hội Y học Việt Nam dẫn nhận định trong bản án: “hành vi này là do Bùi Mạnh Quốc đã sử dụng hỗn hợp hóa chất gồm HF và HCL không có trong danh mục hóa chất được Bộ Y tế cho phép để vệ sinh, sục rửa màng RO, dẫn đến tồn dư hóa chất trong hệ thống nước RO”.

Theo nội dung công văn của Tổng hội Y học Việt Nam, Hoàng Công Lương chỉ là bác sĩđiều trị nên không phải chịu trách nhiệm về nguồn nước. Tổng hội Y học Việt Nam đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét, đánh giá toàn bộ vụ án một cách khách quan, toàn diện để đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.

Nhã Thanh

Vụ tai biến chạy thận: Bị cáo Hoàng Công Lương lĩnh án 42 tháng tù

Bị cáo Hoàng Công Lương kháng cáo, xin miễn trách nhiệm hình sự​

Thu Anh