Nga đánh lừa hệ thống GPS toàn cầu để bảo vệ Tổng thống Putin
Quốc tế - Ngày đăng : 16:07, 07/04/2019
Trong báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Cao cấp (C4ADS) ởMỹ, các chuyên gia an ninh thống kê cụ thể những lần hiện tượng thiết bị định vị toàn cầu (GPS) gần những cảng biển gặp "lỗi kỹ thuật" cùng với lịch trình làm việc của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Cơ quan nghiên cứu này cho rằng đội ngũ bảo vệ tổng thống Nga luôn mang theo thiết bị đánh lừa GPS để bảo vệ nhà lãnh đạo. Không những vậy, quân đội Nga còn có thể tác động đến những hệ thống định vị toàn cầu khác ở quy mô ít người ngờ đến.
"Nga tiếp tục giữ vị thế tiên phong trong lĩnh vực, cho thấy họ sẵn sàng áp dụng công nghệ này không chỉ trong việc bảo vệ những nhân vật VIP và cơ sở mang tầm quan trọng chiến lược, mà còn sử dụng nó trong những mặt trận xa nhà như ở Syria và biên giới Đông Âu", báo cáo của C4ADS cho biết.
Tàu biển "hạ cánh" tại sân bay
Năng lực tác chiến điện tử của quân đội Nga được áp dụng rõ rệt trong đội ngũ đảm bảo an ninh cho Tổng thống Putin. Việc đánh lừa GPS là cách để bảo vệ nhà lãnh đạo Nga khỏi những âm mưu ám sát bằng máy bay không người lái.
Quy mô và mức độ hiệu quả của chiến lược này là chưa từng có tiền lệ. Những hệ thống đánh lừa GPS "tháp tùng" Tổng thống Putin sẽ giả tín hiệu GPS dân sự, chuyển tín hiệu đến thiết bị tiếp nhận những tọa độ sai lệch của các sân bay địa phương.
Những máy bay không người lái thương mại thường được lập trình sẵn. Chúng có cơ chế tự động hạ cánh hoặc dừng hoạt động khi tiến vào vùng trời quanh các sân bay.
Đây cũng là lý do thiết bị đánh lừa GPS của Nga phát đi tín hiệu giả tọa độ của sân bay. Về lý thuyết, tất cả máy bay không người lái hoạt động gần vị trí của ông Putin sẽ tự động tắt máy hoặc hạ cánh khi đi vào vùng phủ sóng của thiết bị đánh lừa GPS.
Tuy nhiên, công nghệ đánh lừa GPS của Nga cũng có những tác dụng phụ bất ngờ.
Tháng 9.2016, Tổng thống Putin cùng Thủ tướng Dmitry Medvedev đến eo biển Kerch để đánh giá tiến độ cây cầu nối liền lãnh thổ đất liền của Nga với bán đảo Crimea. Tàu thuyền neo đậu trong khu vực lập tức xác định lại vị trí nằm ở sân bay Simferopol cách cảng địa phương gần 200km.
Năm 2018, Tổng thống Putin quay lại cầu biển Kerch đã hoàn thành để tham dự lễ thông xe kỹ thuật. Một lần nữa những tàu biển neo đậu trong khu vực gặp rắc rối kỹ thuật. Lần này hệ thống GPS của các tàu biển "hạ cánh" tại sân bay Anapa trong lãnh thổ Nga.
Cơ quan nghiên cứu đặt tại Washington ghi nhận hiện tượng đánh lừa GPS xuất hiện từ bán đảo Crimea, thành phố St. Petersburg, Moscow, đến thành phố Vladivostock ở vùng Viễn Đông và gần các căn cứ quân sự của nước này ở Syria.
C4ADS cũng phát hiện hoạt động đánh lừa GPS tại nhà nhiều quan chức cấp cao của Nga và một số tòa nhà không thuộc chính phủ, trong đó có một dinh thự nằm tại khu vực Biển Đen. Điện Kremlin luôn phủ nhận dinh thự này thuộc sở hữu của Tổng thống Putin. Tuy nhiên, việc công nghệ tác chiến điện tử tối tận được áp dụng tại đây gần như 24/24 cho thấy tòa nhà là nơi lưu lại của một yếu nhân chính trị hàng đầu nước Nga.
Tiên phong trong tác chiến điện tử
Nhằm giảm thiểu ưu thế của quân đội phương Tây về vũ khí có độ chính xác cao, Moscow đã đầu tư mạnh tay cho lĩnh vực tác chiến điện tử. Quân đội Nga ngày một cải thiện khả năng làm nhiễu hệ thống liên lạc của đối phương, đối phó với ý tưởng về "tác chiến kết nối" của Lầu Năm Góc.
"Vũ khí thông minh cần những người thông minh để thực hiện những công việc thông minh. Loại vũ khí này cần tọa độ chính xác. Chúng cần những hệ thống định vị", Michale Kofman, chuyên gia về vũ khí Nga tại Trung tâm phân tích Hải quân (CNA), cho biết.
"Tốc độ thực hiện chiến dịch đòi hỏi khả năng truy cập dữ liệu theo thời gian thực", và quân đội Nga đánh giá rằng tác chiến điện tử "là để đối phó sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực vũ khí có độ chính xác cao và tấn công từ trên không", Kofman cho biết.
Nga đã áp dụng tiên phong những công nghệ tác chiến điện tử này trên chiến trường Ukraine và Syria. Họ gây nhiễu sóng vô tuyến, GPS và các loại tín hiệu radar. Tại chiến trường Syria, nhiều tư lệnh Mỹ nói họ phải đối diện với "môi trường tác chiến điện tử thù địch".
Bằng cách so sánh dữ liệu hàng hải công khai, các chuyên gia tại C4ADS đã lần đầu tiên ước đoán được quy mô và mức ảnh hưởng của công nghệ đánh lừa GPS mà Nga đang sở hữu.
Từ tháng 2.016 đến tháng 11.2018, C4ADS ghi nhận được gần 9.883 vụ đánh lừa hệ thống GPS, ảnh hưởng đến khoảng 1.311 tàu biển. Điều này cho thấy công nghệ của Nga có quy mô lớn hơn và tác động đến nhiều đối tượng hơn những gì giới phân tích quốc phòng từng dự đoán.
"Điều này giúp chúng tôi hiểu thêm về tác động và những đối tượng bị tác động. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của tác chiến điện tử là bạn không đo lường được ảnh hưởng của nó", Kofman cho biết.
Con số mà C4ADS thu thập được chỉ mới dừng lại ở một loại hệ thống bị ảnh hưởng bởi công nghệ của Nga. Báo cáo của tổ chức này tập trung vào tín hiệu GPS hàng hải vì nó dễ tiếp cận hơn. Những hệ thống định vị dân sự khác không công khai vị trí cũng có thể chịu tác động tương tự.
Đầu năm 2019, một máy bay y tế từng gặp trục trặc định vị do bị nhiễu tín hiệu GPS. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy công nghệ đánh lừa GPS của Nga gây ra thiệt hại dân sự.
Trong loạt tập trận năm 2018 của NATO ở vùng Scandinavia, nhiều phi công báo cáo họ gặp vấn đề với hệ thống GPS. Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila cho rằng công nghệ tác chiến điện tử của Nga hoàn toàn đủ khả năng đe dọa an ninh hàng không và ảnh hưởng đến dân thường.
Nhiều nước láng giềng của Nga cũng khiếu nại về hiện tượng này ở khu vực gần biên giới. Tình báo Na Uy từng truy được tín hiệu gây nhiễu sóng xuất phát từ quân đội Nga.
Tuy nhiên, Nga không phải là nước duy nhất trên thế giới sử dụng công nghệ phá tín hiệu GPS.
Đầu năm 2019, quân đội Mỹ từng phát cảnh báo khu vực miền Nam đất nước có thể bị ảnh hưởng do diễn tập phá sóng. Hiện vẫn chưa rõ Cơ quan Mật vụ Mỹ sử dụng công nghệ gì để bảo vệ lãnh đạo khỏi nguy cơ bị ám sát bằng máy bay không người lái.
Công nghệ GPS đã trở nên vô cùng phổ biến trong nền kinh tế hiện đại, được cài đặt trong gần như mọi điện thoại thông minh, ôtô và các hệ thống công nghiệp. Ngay cả lưới điện quốc gia của Mỹ cũng áp dụng công nghệ này cho nhiều hoạt động vận hành và giám sát.
Với sự phát triển của công nghệ, việc phá tín hiệu GPS cũng dần trở nên dễ tiếp cận hơn. Theo báo cáo của C4ADS, thiết bị sử dụng để đánh lừa tín hiệu GPS quy mô nhỏ có giá chỉ tầm 350 USD, trong khi vài năm trước có thể lên đến 10.000 USD.
"Khả năng công nghệ này được sử dụng phổ biến có thể trở thành một mối đe dọa đáng lo ngại. Những tổ chức với động cơ xấu có thể sử dụng chúng ở những nơi khác ngoài Nga", một tác giả báo cáo của C4ADS tiết lộ với Foreign Policy.
Theo Thanh Danh/Zing