Cần sửa luật để chống xâm hại tình dục trẻ em

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:13, 11/04/2019

Liên quan đến vụ nguyên Phó viện trưởng Viện KSND Đà Nẵng dâm ô bé gái trong thang máy ngày 4.4, Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em Đặng Hoa Nam cho hay Cục đang tiếp tục theo dõi thông tin chính thức từ cơ quan điều tra.
          

Trả lời phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, ông Đặng Hoa Nam cho rằng hiện nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn những khoảng trống và lỗ hổng cần bổ sung, sửa đổi để công cuộc phòng chống xâm hại tình dục trẻ em có kết quả hơn.

“Ở Luật Giám đinh tư pháp, cần sửa đổi theo hướng tăng quyền được yêu cầu giám định cho phía cha mẹ, phía người giám hộ trẻ em một cách nhanh nhất, kip thời nhất. Tiếp theo là tăng số cơ sở y tế có thẩm quyền được phép tiến hành giám định pháp y”, ông Nam nêu.

Ông Nam cũng đề nghị tăng cơ sở y tế có thẩm quyền giám đinh tổn hại về sức khỏe tâm thần. Nhờ đó, công cuộc phòng chống xâm hại tình dục trẻ em có hiệu quả hơn.

Cục trưởng Nam cũng cho biết đối tượng có hành vi xâm hại tình dục trẻ em không từ bất cứ ai ở bất kỳ địa vị nào, học vấn ra sao.

Liên quan đến vụ nguyên Phó viện trưởng Viện KSND Đà Nẵng dâm ô bé gái trong thang máy ngày 4.4, ông Đặng Hoa Nam cho hay Cục Bảo vệ trẻ em đang tiếp tục theo dõi thông tin chính thức từ cơ quan điều tra. Cục cũng đánh giá cao chuyển biến nhận thức của cháu bé, bà mẹ, nhóm bảo vệ chung cư, ban quản lý chung cư, cùng sự vào cuộc kịp thời của Công an TP.HCM và khẳng định sẽ có xử lý đúng người đúng tội.

Ngày 9.4, Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản đề nghị các cấp, đơn vị trực thuộc xét xử nghiêm khắc các vụ án xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em.

Theo TAND tối cao, thời gian vừa qua, loại tội phạm xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng với nhiều vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội.

Để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em cũng như bảo vệ quyền lợi cho bị hại, TAND tối cao yêu cầu chánh án, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc... xét xử đúng người đúng tội; các hình phạt và biện pháp tư pháp được áp dụng bảo đảm nghiêm khắc.

Trong quá trình xét xử, các tòa án phải đảm bảo các quyền của trẻ em, người chưa thành niên theo nguyên tắc “bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi”. Tòa án cũng phải liên hệ với Viện KSND, công an để đưa vụ án ra xét xử đúng thời gian luật định.

Theo Bộ Công an, gần đây, một số loại tội phạm và vi phạm pháp luật có dấu hiệu phức tạp, trong đó có tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em (chiếm hơn 80% tội phạm xâm hại trẻ em và còn tiềm ẩn).

Thời gian qua, xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng, phức tạp ở nhiều địa phương như bạo lực học đường, hiếp dâm, dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là vụ học sinh 10 tuổi bị xâm hại ở Hà Nội; vụ hiếp dâm tập thể bạn học lớp 10 ở Quảng Trị, vụ bố đẻ hiếp dâm con gái 10 tuổi, 14 tuổi ở Long An, Bắc Giang; vụ nhiều học sinh trung học cơ sở đánh bạn ở Hưng Yên, Nghệ An; vụ cô giáo đánh nhiều học sinh trung học cơ sở ở Bà Rịa-Vũng Tàu… gây dư luận hoang mang, bức xúc trong xã hội.

Để tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra xử lý, giảm tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, Bộ Công an yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; thực hiện Đề án xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường “An toàn về an ninh, trật tự” của Bộ Công an...

Đồng thời, cần phối hợp với lực lượng chức năng, các ngành, các cấp, nhất là ngành giáo dục, văn hóa, lao động tổ chức tốt công tác phòng ngừa xã hội, giáo dục, quản lý trẻ em, học sinh và thanh thiếu niên, huy động gia đình, nhà trường, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Nam Phong – Thu Hiền

   

Nam Phong - Thu Hiền