Quốc hội sẽ giám sát việc chống xâm hại trẻ em và việc thực hiện các FTA
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:57, 16/04/2019
Sáng 16.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020.
Trình bày báo cáo dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, về chương trình giám sát của Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó là tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, xem xét báo cáo giám sát chuyên đề; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).
Ông Phúc cho biết, năm 2020 là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Đồng thời, năm 2020 cũng là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14.
Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm đó.
Vì vậy, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội giám sát 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 9; Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát 1 chuyên đề tại phiên họp (tháng 9).
Về số lượng chuyên đề, năm 2020, đề nghị Quốc hội giám sát 1 chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 1 chuyên đề.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cơ bản nhất trí với chương trình giám sát như dự kiến và cho rằng về tổng thể dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020 là phù hợp, bám sát quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội.
Về giám sát chuyên đề của Quốc hội, trên cơ sở các tiêu chí đề ra, qua thảo luận và kết quả phiếu xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất chọn 2 chuyên đề giám sát để trình Quốc hội lựa chọn giám sát chuyên đề một nội dung và nội dung còn lại do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát.
Đó là, "việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em" và "việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA)".
Trong đó đối với chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em có thể xem xét rà soát đề cân nhắc về phạm vi nội dung giám sát cho phù hợp, theo đó tập trung vào việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống vi phạm pháp luật, tội phạm xâm hại trẻ em.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng lưu ý bên cạnh nội dung giám sát chung của Quốc hội, đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tích cực triển khai hoạt động giải trình các nội dung, vấn đề bức xúc nổi lên và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cá nhân; tiếp tục nghiên cứu đổi mới cách thức tiến hành triển khai hoạt động giám sát, tổ chức các đoàn giám sát, điều phối hoạt động giám sát tránh trùng lặp, tránh phiền hà cho địa phương…
Lam Thanh