Phòng khám Đại Đông lại ‘vẽ’ bệnh để lấy tiền
Sự kiện - Ngày đăng : 19:58, 17/04/2019
Liên tục “vẽ” bệnh và tìm cách rút tiền
Bệnh nhân Đ.N.Tr. (27 tuổi, ngụ phường 11, quận Tân Bình,TP.HCM) vừa có đơn tố cáo Phòng khám Đa khoa Đại Đông (số 461 đường Cộng Hòa, phường 15, quận Tân Bình) về hành vi “móc túi” vẽ bệnh, hù dọa bệnh nhân, thu tiền không có hóa đơn, chứng từ...
Theo chị Tr., sau khi có dấu hiệu ra huyết trắng, ngày 4.4.2019, chị đến Phòng khám Đa khoa Đại Đông để khám phụ khoa. Dù bệnh nhân nói chỉ có dấu hiệu trên, muốn khám phụ khoa, nhưng bác sĩ ở đây chỉ định cho chị làm hàng loạt các kỹ thuật cận lâmsàng như: siêu âm, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, thậm chí còn chỉ định bệnh nhân đo điện tim.
Sau khi làm các kỹ thuật cận lâm sàng, bác sĩ ở đây nói bệnh nhân có nang và nói phải truyền thuốc để tống nang, nhưng khi đang truyền thuốc giữachừng thì chuyển bệnh nhân đến nơi khác, kiểm tra gì đó rồi nói bệnh nhân bị huyết trắng phải rửa với 2 mức giá là 1.800.000 đồng và 2.800.000 đồng , trong đó giá 2.800.000 đồng thì có thuốc, còn 1.800.000 đồng không có thuốc. Bệnh nhân đồng ý rửa huyết trắng với mức giá 2.800.00 đồng để có thuốc nhằm đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, vẫn chưa hết trò “làm tiền”, bác sĩ ở đây tiếp tục nói bệnh nhân Tr. bị “ viêm lộ tuyến cổ tử cung” cần phải giải phẫu và lại đưa ra 2 mức giá là 9.800.000 đồng được phẫu thuật theo công nghệ Mỹ, tiêm thuốc tê để không đau; còn giá 6.800.000 đồng thì công nghệ không tốt, không có thuốc giảm đau.
Lúc này thấy bệnh nhân lưỡng lự, bác sĩ liền phân bua, nếu làm gói 9.800.000 đồng thì không đau, làm nhanh lắm. Rồi bác sĩ này hù dọa: “Nếu không làm thì sau này sẽ không có khả năng làm mẹ đâu”.
Sau đó, bệnh nhân hỏi, nếu không cần giải phẫu, chỉ uống thuốc có hết bệnh không thì bác sĩ này tiếp tục hù: “Chỉ có thể giải phẫu mới hết bệnh được. Nếu không làm gấp thì vài ngày nữa là không thể điều trị được, và có nguy cơ bị ung thư”.
Nghe bác sĩ nóivậy, bệnh nhân cảm thấy hoang mang, lo lắng nên đồng ý thực hiện thủ thuật với giá 9.800.000 đồngtheo công nghệ Mỹ và được tiêm thuốc tê không đau. Tuy nhiên, khi các nhân viên y tế đang thực hiện giải phẫu thì bệnh nhân giật bắn đau điếng. Lúc này các nhân viên y tế nói, nếu không chịu được thì tiêm thêm thuốc tê, đóng thêm 5.000.000 đồng.
Bác sĩ Guan Mei Zhi trả lời phóng viên xung quanh việc chỉ định và điều trị cho bệnh nhânĐ.N.Tr. (27 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: PV
“Điều này là họ lừa tui, vì trước đó nói giá 9.800.000 đồng làm theo công nghệ Mỹ, có thuốc gây tê không đau, nhưng khi làm tui thấy đau quá thì họ bảo, nếu không chịu đau được dùng thuốc tê đóng thêm 5 triệu đồng. Thật sự lúc này, tui không còn sự lựa chọn nào khác, vì nếu đau quá dừng, không làm nữa thì mất trắng số tiền trên nên đành “nhắm mắt đưa chân” chấp nhận đóng thêm 5 triệu đồng nữa. Như vậy ca giải phẫu này mất gần 15 triệu đồng”, chị Tr. tỏ ra bức xúc.
Nhân viên thông dịch cho bác sĩ Trung Quốc từ chối hợp tác
Cũng theo chị Tr. sau đó chị có đến một bệnh viện công trên địa bàn TP.HCM để kiểm tra thì được các bác sĩ thông báo, chị không có phẫu thuật hay giải phẫu gì hết mà chỉ có đốt vết thương ở đó thôi.
“Tui và gia đình rất bức xúc trước việc các nhân viên y tế ở đây liên tục “vẽ” hết bệnh này đến bệnh khác và đặt tui trong tình trang đã rồi. Đã vậy họ không có giải phẫu gì hết mà nói giải phẫu để lấy của tui gần 15 triệu đồng. Tui và gia đình đã làm đơn gửi đến Sở Y tế TP.HCM để tố cáo hành vi trên”, chị Tr. cho biết.
Để tìm hiểu rõ sự việc, chiều 16.4, phóng viên báo Một Thế Giới đã đến Phòng Khám Đa khoa Đại Đông. Điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là ở đây có khá nhiều bác sĩ người Trung Quốc. Tuy nhiên, các bác sĩ người Trung Quốc và thông dịch viên của họ rất khó phân biệt, ai là bác sĩ, ai là thông dịch viên, vìđều mặc chung một kiểu áo blouse. Vì thế chuyện bệnh nhân đến đây khám, điều trị không biết ai là bác sĩ, ai là thông dịch viên cũng là điều dễ hiểu. Chính điều này, nhiều lúc thông dịch viên tư vấn, điều trị mà bệnh nhân cứ nghĩ đó là bác sĩ.
Về điều này, bà Nguyễn Thị Hồng - Phụ trách phòng khám thừa nhận hiện nay phòng khámchỉ có 1 kiểu đồ dành cho bác sĩ người Trung Quốc và thông dịch viên.
Bà Hồng cũng cho biết hiện phòng khám có 5 bác sĩ người Trung Quốc đang trực tiếp khám, điều trị tại đây. Người trực tiếp thăm khám, điều trị cho bệnh nhân Tr. cũng là một bác sĩ người Trung Quốc có tên Guan Mei Zhi. Vị bác sĩ này đã được Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề.
Sau đó, chúng tôi gặp trực tiếp bác sĩ Guan Mei Zhi để tìm hiểu một số thôngtin về ca bệnh chị Tr. nhưng người thông dịch cho vị bác sĩ này đã từ chối hợp tác. Điều đáng nói, đây chính là người thông dịch trước đó đã truyền tải những chỉ định điều trị và cả những lời hù dọa của bác sĩ Guan Mei Zhi đối với bệnh nhân Tr.
Để “chữa cháy”, phòng khám này đã điều động 1 thông dịch khác. Thông qua thông dịch viên “bất đắc dĩ” này, bác sĩ Guan Mei Zhi cho biết tất cả các quy trình khám, điều trị đối với bệnh nhân Tr. như trên là hoàn toàn đúng.
Bác sĩ Guan Mei Zhi cho biết, bệnh nhân Tr. được chỉ định đo điện tim là do phải kiểm tra sức khỏe trước khi thực hiện cuộc đốt điện để điều trị bệnh “viêm lộ tuyến cổ tử cung”. Tuy nhiên, khi chúng tôi thắc mắc, việc đo điện tim này được thựchiện trước khi phát hiện “viêm lộ tuyến cổ tử cung” thì vị bác sĩ nàynói là khám sức khỏe tổng quát cho bệnh nhân.
Phiếu thu tiền của bệnh nhân nhưng không có chữ ký của người nộp tiền - Ảnh: PV
Trong khi đó, theo bà Hồng những thủ thuật mà phòng khám thực hiện cho bệnh nhân Tr. đều nằm trong danh mục được sở Y tế TP.HCM chấp thuận và bệnh nhân cũng đã có bảng cam kết đồng ý thực hiện thủ thuật với mức giá trên. Tất cả các danh mục kỹ thuật đều được niêm yết giá công khai tại phòng khám.
Tuy nhiên,bà Hồng lại không cung cấp đầy đủ các hóa đơn, giấy tờ liên quan đến việc thu tiền thực hiện các xét nghiệm hay thủ thuật trên của bệnh nhân. Có một số phiếu thu tiền của bệnh nhân, nhưng lại không có chữ ký của người nộp tiền.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) cho biết, viêm lộ tuyến cổ tử cung chỉ là một biến đổi sinh lý, chứ không phải bệnh lý, nên không cần phải điều trị, trừ khi bị nhiễm trùng.
“Nếu biến đổi sinh lý trên gây ra tình trạng quá rộng ở cổ tử cung, gây viêm nhiễm thường xuyên thì mới can thiệp, còn khi viêm nhiễm bình thường chỉ cần dùng thuốc. Tôi nói thật, các phòng khám Trung Quốc hễ thấy bệnh nhân có viêm nhiễm một tí là chỉ định đốt. Đây chỉ là biến đổi sinh lý, chứ có phải bệnh lý đâu mà điều trị hay đốt”, bà Tuyết nói.
Bà Tuyết khẳng định chưa có khoa học nào chứng minh bị “viêm lộ tuyến cổ tử cung” có nguy cơ gây ung thư cao. Việc có bị viêm lộ tuyến cổ tử cung hay khôngthì phụ nữ cũng nên tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.
Theo bà Tuyết, đối với huyết trắngcó 2 loại, 1 loại là sinh lý, còn 1 loại là bệnh lý. Nếu sinh lý là bình thường, không phải điều trị; còn trong trường hợp bệnh lý thì phải uống thuốc, đặt thuốc và kết hợp nhiều phương pháp khác, chứ chỉ rửa thì không giải quyết được bệnh lý ra huyết trắng của bệnh nhân.
Bên cạnh đó, bác sĩ nói bệnh nhân bị 2 nang to ở cổ tử cung phải điều trị là hoàn toàn sai. Nếu nói nang thì chỉ có nang noboth cổ tử cung. Đây chỉ là một diễn tiến của viêm lâu ngày rồi hồi phục, tạo thành một hình ảnh giống như cái nang nên người ta gọi là nang noboth.
Hồ Quang