Kiệt tác của danh họa Nguyễn Gia Trí ‘kêu cứu’ vì bị 'làm vệ sinh' không đúng cách

Văn hóa - Ngày đăng : 21:13, 18/04/2019

Bức tranh nổi tiếng “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đang ở trong tình trạng xuống cấp trầm trọng cần phải khẩn cấp bảo vệ.

Theo Hồ sơ di sản của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT-DL), bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc”của danh họa Nguyễn Gia Trí được vẽ vào khoảng từ năm 1969 đến năm 1988. Tranh bằng chất liệu sơn mài mô tả không khí ngày xuân và hình ảnh các thiếu nữ ba miền Trung, Nam, Bắc trong trang phục truyền thống, đi dự hội xuân, chùa chiền, cây cối xung quanh.

Đây là bức tranh được xếp vào loại “bảo vật của quốc gia” vì là hiện vật gốc, độc bản.Năm 1991, tác phẩm được UBND TP.HCM mua với giá 100.000 USD để trao tặng cho Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM, tranh được trưng bày và lưu giữ tại đây từ đó đến nay.

Đánh giá tranh “Là hiện vật gốc, độc bản. Tác phẩm có thời gian sáng tác kéo dài trong 20 năm, khởi đầu từ năm 1969 và hoàn thành năm 1989”nên vàonăm 2013, Chính phủ ra quyết định công nhận tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí là bảo vật quốc gia.

Vườn xuân Trung Nam Bắc khi còn nguyên vẹn - Ảnh: Mã Thanh Cao

Sau khi trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM được vài năm thì bức tranh này bị xuống cấp trầm trọng do điều kiện tự nhiên cũng nhưphương pháp bảo quản của bảo tàng.

Năm 2017, báo chí cũng đã có những phản ảnh và cảnh báo về tình trạng của bức tranh. Thời điểm đó, đại diệnSở VH-TT TP.HCM cho rằng“Kiệt tác này là bảo vật quốc gia thuộc sự quản lý trực tiếp của Bảo tàng Mỹ thuật TP.

Kinh phí hằng năm vẫn được cấp chung với kinh phí bảo quản hiện vật bảo tàng, chứ không cấp riêng. Vì vậy, nếu muốn thực hiện phòng trưng bày hiện đại của Nguyễn Gia Trí, bảo tàng phải xây dựng phương án kinh tế kỹ thuật trình Sở VH-TT, rồi tùy theo quy mô, kinh phí như thế nào, Sở VH-TT mới phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư, trình xin chủ trương lãnh đạo UBND TP và thông qua HĐND theo quy định về đầu tư công hiện nay”.

Nguyên nhân dẫn đến bức tranh quý bị hư hỏng nặng được xác định là do bảo tàng đã làm “vệ sinh” cho bức tranh này.

Vườn xuân Trung Nam Bắc trước(trên) và sau khi "vệ sinh"(dưới) - Ảnh: Lê Công Sơn

“Sau khi thực hiện vệ sinh và chỉnh lý trưng bày phòng tranh Nguyễn Gia Trí, khi đưa ra trưng bày thì có một số vấn đề cần phải đánh giá xem xét lại. Mặc dù trong quá trình thực hiện vệ sinh, bảo quản bảo tàng đã tiến hành đầy đủ các bước xây dựng kế hoạch, thông qua hội đồng nội dung thực hiện và đều có báo cáo gửi Sở VH-TT TP.HCM xin chủ trương và được chấp thuận. Tuy nhiên thực hiện xong đưa ra trưng bày thì có nhiều nhận xét, như: độ bóng của bức tranh khác lạ so với ban đầu, bị mất đi bề mặt, một ít vàng bị trôi, độ sâu của tranh cũng bị ảnh hưởng”. Ông Trịnh Xuân Yên, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, thừa nhận trên mặt báo Thanh Niên.

Cách quản lý và bảo quản tranh quý cuả Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM cũng đã nhận được nhiều phản ứng của giới hội họa.

Trên trang cá nhân, bà Mã Thanh Cao, nguyên GĐ Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã viết lời cảm thán: “Khóc tiếp, mà đau hơn cho một bảo vật quốc gia Việt Nam. Bức tranh sơn mài Vườn xuân Trung NamBắc của hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí được UBND TP.HCM mua tặng Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM năm 1990 với giá 100.000 USD (chấn động dư luận) rất xứng đáng. Năm 2012 được công nhận Bảo vật QG. Khi được vệ sinh xong thì hỡi ôi! Khóc không nổi…”.

Họa sĩ Phan Trọng Văn cũng cho biết, “phương pháp vệ sinh này, tôi đã cảnh báo trước đây 10 năm”.

Họa sĩ Nguyễn Trung Tín (Hội Mỹ thuật TP.HCM) cũng tỏ ra bức xúc, ông nói: “Khi đọc quy trình vệ sinh bảo quản, tôi nghĩ cái thiếu sót của chúng ta là sử dụng bột chu. Bột chu có tính ăn mòn. Lớp phủ bên trên đó chính là màu thời gian, nó giúp cho sơn mài cổ kính hơn… Bột chu đã làm ảnh hưởng tới phần bề mặt này…”.

Được biết hội đồng khoa họcthuộc Sở VH-TT TP.HCM và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vừa có cuộc họp mởrộng để xem xét vấn đề và đưa ra phương pháp để phục chế bức tranh.

Bảo vật quốc gia Vườn xuân Trung Nam Bắc

Đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM

* Số đăng ký: BTMT 06

* Chất liệu: Sơn mài

* Kích thước:540cm x 200cm.

* Số lượng:1 đơn vị hiện vật

* Miêu tả:Tranh mô tả không khí ngày xuân và hình ảnh các thiếu nữ ba miền Trung, Nam, Bắc trong trang phục truyền thống, đi dự hội xuân, chùa chiền, cây cối xung quanh.

* Hiện trạng:Còn nguyên vẹn

* Niên đại:Từ năm 1969 đến năm 1989

* Nguồn gốc:Mua của tác giả

* Lý do lựa chọn:Là hiện vât gốc, độc bản. Tác phẩm có thời gian sáng tác kéo dài trong 20 năm, khởi đầu từ năm 1969 và hoàn thành năm 1989.

Năm 1991, tác phẩm được UBND TP.HCM mua với giá 100.000 USD và trao tặng cho Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM.

Tác phẩm được sáng tác vào giai đoạn đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, nó như lời nguyện cầu thống nhất và hạnh phúc cho quê hương. Đồng thời, tác phẩm cũng là sự tổng hợp mọi thành tựu trong nửa thế kỷ tìm tòi sáng tạo về nghệ thuật sơn mài: là tác phẩm có thời gian tâm huyết lâu nhất, ứng dụng nhiều đúc kết trong nghệ thuật nhất, có kích thước lớn nhất và là tác phẩm sáng tác cuối cùng của cuộc đời họa sĩ.

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (1936). Ông là họa sĩ bậc thầy, đi đầu trong việc tạo dựng khuynh hướng mới của nghệ thuật sơn mài; trong việc tìm tòi, sáng tạo để tạo ra một bảng màu mới và đưa sơn mài Việt Nam lên đến đỉnh cao với sự kết hợp giữa yếu tố văn hóa truyền thống Á Đông của người Việt Nam trên chất liệu sơn ta và phương pháp hội họa hàn lâm phương Tây về hình họa. Năm 1989, họa sĩ Nguyễn Gia Trí được Bộ Văn hóa và Thông tin chính thức công nhận là một trong những họa sĩ đương đại có công trong việc xây dựng nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại.

(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Tiểu Vũ

TIỂU VŨ