Tại sao việc chạy điểm phải giải trình kín?

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:43, 22/04/2019

“Tại sao cùng là vụ việc gây chấn động dư luận, như các vụ dâm ô, xâm hại trẻ em thì giải trình công khai, còn vụ việc liên quan đến chạy điểm thì lại làm kín, trong khi yêu cầu chung của dư luận là công khai minh bạch?”, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền nêu.

Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, ngày 23.4 tới đây, Ủy ban này dự kiến sẽ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Công an liên quan đến những vấn đề tiêu cực, gian lận thi cử.

Ông Bình cho biết Ủy ban muốn các cơ quan hành pháp giải thích rõ "chuyện gì đang xảy ra". Nhưng ông thông tin, đây sẽ là phiên giải trình kín, vì muốn “các cơ quan này nói hết".

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong dư luận không đồng tình với việc giải trình “kín” của 2 Bộ. Dư luận cho rằng cần phải công khai, minh bạch trong vấn đề này.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền - Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần phải xử lý nghiêm khắc những cán bộ "chạy điểm" cho con em để làm gương.

Theo bà Hiền, việc nâng điểm trong kỳ thi vừa qua là một sự khủng hoảng niềm tin về công tác giáo dục, về bộ máy quản lý nhà nước, về đạo đức lối sống của xã hội mà nhất là đạo đức, nhân cách của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức, những người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thực thi bảo vệ pháp luật và cải cách đổi mới giáo dục hiện nay.

“Tôi thấy xót xa vô cùng, bao công sức của đội ngũ quản lý, trí thức có tâm huyết, có năng lực tham gia xây dựng nền móng cho sự phát triển của giáo dục nước nhà từ những viên gạch đầu tiên có nguy cơ đổ sông đổ biển. Nguy hại hơn, hầu hết thí sinh được nâng điểm cũng là con, cháu của những người có quyền, có tiền đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp giáo dục và phát triển con người, gây ra hệ lụy rất lớn đến nhận thức, lối sống của thế hệ trẻ”, bà Hiền nói.

Đại biểu Hiền cũng cho rằng tinh thần nhận trách nhiệm, xử lý vụ việc của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương từ thời điểm phát hiện sai phạm cho đến hiện tại hết sức lo ngại, đáng sợ. Một sai phạm có tính hệ thống như vậy thì quá sức nguy hại cho quốc gia.

“Tôi và nhiều cử tri đã rất băn khoăn khi sắp tới sẽ diễn ra phiên giải trình kín của Bộ Công an và Bộ GD-ĐT trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Tại sao cùng là vụ việc gây chấn động dư luận, như các vụ dâm ô, xâm hại trẻ em thì giải trình công khai, còn vụ việc liên quan đến chạy điểm thì lại làm kín, trong khi yêu cầu chung của dư luận là công khai minh bạch?

Phải chăng vì có liên quan đến cán bộ lãnh đạo của các địa phương nên phải thận trọng, chặt chẽ, kín kẽ? Nếu như thế, thì càng cần có câu trả lời rõ ràng thẳng thắntrước công luận”, bà Hiền nêu.

Đại biểu này cho rằng, nếu lấy lý do tổ chức công khai thì các Bộ ngành sẽ khó giải trình, không dám nói hết sẽ càng dẫn đến những tranh luận trái chiều, gây bất bình trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy lực chỉ đạo điều hành của các bộ, ngành, của Chính phủ.

Theo đại biểu này, nếu cán bộ đảng viên mà gây sai phạm, vi phạm pháp luật thì vẫn phải xử lý theo quy định của pháp luật. Thậm chí, để làm gương thì cần phải làm nghiêm khắc, nếu xét thấy có dấu hiệu tham gia hành vi dùng tiền, quyền và mối quan hệ chạy điểm thì trước hết nên tạm đình chỉ để cơ quan điều tra làm rõ.

Cùng với đó, việc xử lý các thí sinh được nâng điểm thì cần phải chiếu theo quy chế thi và quy định của pháp luật. Sự thật các em là đối tượng đã vi phạm quy chế thi, trên giấy trắng mực đen là tên của các em, số báo danh của các em chứ không phải ai khác, vì vậy vô hiệu kết quả thi là việc bắt buộc.

Thực tế, đã có các trường ngành Công an xử lý rất kịp thời số thí sinh này, các em đã được trả về địa phương, cách giải quyết khắc phục hậu quả tạo sự đồng thuận trong dư luận. Những trường khác, nếu vẫn để các em tiếp tục theo học bằng bất kỳ lý do gì thì đó chẳng khác nào đồng lõa với hành vi đã được xác định là làm trái pháp luật.

“Tôi đã nghĩ rất nhiều đến những thí sinh mất đi cơ hội bước vào trường đại học bằng sự cố gắng nỗlực thật sự, các em và cả gia đình các em đã quá thiệt thòi, quá đáng thương khi phải nhận lấy những bất công”, bà Hiền nêu và nhấn mạnh, môi trường giáo dục không giữ được sự trong sáng, tôn nghiêm, tuân thủ và tôn trọng kỷ luật thì làm sao xây dựng và giữ được cái lớn hơn là kỷ cương phép nước?

Còn theo ĐBQH Lê Thanh Vân, có 3 nhóm đối tượng liên quan đến hành vi gian dối trong thi cử.

Một là người cố ý làm trái quy định về thi cửnhư cán bộ coi thi, chấm thi, bảo vệ bài thi…; Hai là nhóm thực hiện hành vi hối lộ hoặc chi phối bằng tiền, bằng quyền lực và ảnh hưởng của mình để tác động, tạo ra sự sai lệch trong đánh giá chất lượng, kết quả thi cử; Thứ ba là đối tượng hưởng thụ kết quả gian dối từ thi cử (dù vô tình hay cố ý).

Trong đó, ông Vân nhấn mạnh, cần phải trừng trị nhóm đối tượng thứ nhất và thứ hai bằng pháp luật để làm gương, ngăn chặn hậu quả sau này. Nếu như điều tra xác định có căn cứ những người liên quan có vi phạm thì trước mắt phải đình chỉ chức vụ của những công chức ấy để điều tra, truy tố trước pháp luật.

Đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh, gian lận thi cử không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn về lâu dài, bởi nó cung cấp đầu vào cho quá trình đào tạo và đầu ra cho sử dụng nhân sự phục vụ cho Nhà nước và xã hội. Nếu như sự dối trá này bị che giấu sẽ gây hậu quả khôn lường, làm tha hóa nền giáo dục.

Lam Thanh

Bùi Trí Lâm