Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019: Nhiều điểm mới

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:38, 24/04/2019

Với những công bố xuất sắc trên các tạp chí thuộc nhóm Q1 của danh sách tạp chí ISI có uy tín, PGS. TS Phạm Đức Chính (cơ học), PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng (y sinh) và TS. Lê Trọng Lư (vật lý) đã trở thành ba nhà khoa học giành giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019. Với kết quả này, danh sách các lĩnh vực khoa học có công trình đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu đã được mở rộng thêm hai ngành mới là cơ học và y sinh, đồng thời ghi nhận lần đầu tiên có nhà khoa học nữ được vinh danh.

Trong phiên họp đánh giá giải thưởng ngày 14/4/2019, GS. TS Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019, đã nhận định, “nếu so với những năm trước thì năm nay là một năm khó khăn cho việc bỏ phiếu lựa chọn, bởi các ứng viên đều có công trình rất tốt trên các tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực của mình”. Trong số 8 công trình lọt vào chung kết của các ngành Toán, Vật lý, Khoa học trái đất và môi trường, Cơ học, Khoa học sự sống - Y sinh dược học, ba công trình của PGS. TS Phạm Đức Chính, PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng và TS. Lê Trọng Lư đã thuyết phục được Hội đồng giải thưởng bởi đảm bảo được các tiêu chí cơ bản theo quy định: các công trình nghiên cứu xuất sắc, được thực hiện ở Việt Nam và xuất bản trên các tạp chí quốc tế có uy tín; nhà khoa học được đề cử phải là người có đóng góp quan trọng nhất vào công trình đó; công trình được lựa chọn cần có ít nhất 2/3 số phiếu chấp thuận.

Nêu giả thiết mới về lý thuyết dẻo tái bền động học giới hạn

PGS. TS Phạm Đức Chính (Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), người trong mấy chục năm qua bền bỉ theo đuổi hướng nghiên cứu về thích nghi và hỏng dẻo kết cấu chịu lực, đã xuất bản công trình “Consistent limited kinematic hardening plasticity theory and path-independent shake-down theorems” trên International Journal of Mechanical Sciences, một tạp chí quốc tế có uy tín của nhà xuất bản Elservier về cơ học cấu trúc, cơ học và ứng dụng của vật liệu tiên tiến, cơ học dòng chảy, nhiệt động lực học vfa phân tích quá trình biến đổi của vật liệu.

Là một chuyên gia uy tín của thế giới về thích nghi và hỏng dẻo kết cấu chịu lực – được mời viết về lĩnh vực này cho “Bách khoa thư về mài mòn, ma sát và bôi trơn” (nhà xuất bản Springer 2013) và “Bách khoa thư về cơ học môi trường liên tục (nhà xuất bản Springer, đang chuẩn bị ra mắt), PGS. TS Phạm Đức Chính đã nêu được giả thiết “hysteresis dương” trong công trình “Shakedown theory for elastic plastic kinematic hardening bodies” trên tạp chí Int J Plasticity năm 2007 và thêm 2 giả thiết tái bền ổn định mạnh và Baushingger đa chiều trong “Consistent limited kinematic hardening plasticity theory and path-independent shake-down theorems”. Hai giả thiết này góp phần lý giải và xử lý được cội nguồn của một số mâu thuẫn xảy ra khi áp dụng tính toán thích nghi-hỏng dẻo cho vật thể đàn dẻo tái bền trong một số bài toán cụ thể.

Cùng với giả thiết hao tán dẻo tối đa gắn liền với các tên tuổi lớn của ngành Cơ học thế kỷ 20 như Hill, Drucker và Prager, các giả thiết mà PGS. TS Phạm Đức Chính nêu đã đem lại một lý thuyết thich nghi không phụ thuộc đường đặt tải theo tinh thần cổ điển. Đặc biệt, các định lý thích nghi dẫn tới các bài toán tối ưu quy hoạch phi tuyến đặc thù, mở ra cánh cửa cho phát triển các phương pháp số thích hợp để giải quyết các vấn đề ứng dụng ứng với các lớp kết cấu-vật liệu chịu lực cụ thể.

Phân tích sự tiến hóa của virus HPAI H5N1 trong mối tương tác người và động vật

Tập trung vào các hướng nghiên cứu về virus cúm mùa, các virus lây truyền từ động vật sang người và nổi trội (SARS-CoV, cúm gia cầm A/H5N1, A/H7N9, virus MERS-CoV, Ebola…), Ricketssia, PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bộ Y tế) đã có nhiều công bố quốc tế. Công trình “Highly Pathogenic Avian Infuenza A(H5N1) Viruses at the Animal– Human Interface in Vietnam, 2003–2010” xuất bản trên The Journal of Infectious Diseases - một tạp chí có uy tín về nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm được xuất bản từ năm 1904 của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ, được chị xuất bản năm 2017. Công trình tập trung vào tương tác của virus cúm A/H5N1 tại Việt Nam giai đoạn 2003-2010: sự tiến hóa nhanh của virus, thống kê các đột biến trong tương tác người – động vật của virus, mối tương quan về không gian và thời gian giữa sự xuất hiện của virus trên gia cầm và người. Chị và đồng nghiệp tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US-CDC) đã chọn lựa và phân lập virus từ mẫu bệnh phẩm của người và gia cầm tại Việt Nam, từ những trường hợp mắc bệnh đầu tiên (2003) đến trường hợp gần đây nhất (2010) để phân tích gia hệ, phân tích phân tử các virus…

Kết quả nghiên cứu cho thấy: virus HPAI H5N1 có sự phân tách thành 6 nhóm kháng nguyên tạo thành từ 8 kiểu gene; 34 amino axit trên protein của virus thay đổi sau khi virus từ gia cầm lây nhiễm sang người; mối tương quan về thời gian và không gian giữa sự xuất hiện của virut HPAI H5N1 ở gia cầm và sự lây truyền của nó sang người.

Trên cơ sở này, công trình của PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng đã cung cấp một danh sách các đột biến được xác định trong tương tác giữa người - động vật trong virus HPAI H5N1, có giá trị trong giám sát phân tử virus cho các nghiên cứu trong tương lai tại Việt Nam và trên thế giới. Số liệu này có thể giúp các nhà khoa học phát hiện và xác định các đột biến liên quan đến sự thích ứng của virus cúm HPAI H5N1 trên động vật có vú, đồng thời cung cấp các số liệu tham chiếu cho nghiên cứu về các virus cúm A khác đang lưu hành trên động vật, gia cầm.

Với việc nắm bắt kịp thời các xu hướng mới, chị đã hướng đến áp dụng “One Health” – một cách tiếp cận liên ngành mới do Tổ chức Y tế thế giới đề ra nhằm quy tụ các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực thực hiện các nghiên cứu từ quy mô địa phương, vùng, quốc gia đến toàn cầu nhằm tìm hiểu cơ chế phát sinh và tiến triển của các bệnh truyền nhiễm thông qua mối tương tác giữa con người, động vật, môi trường.

Tổng hợp các hạt nano từ ferit cobalt với kiểm soát kích thước, hình dạng và thành phần

Nghiên cứu về vật liệu nano, TS. Lê Trọng Lư (Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) xuất bản công trình ‘’Synthesis of magnetic cobalt ferrite nanoparticles with controlled morphology, monodispersity and composition: The influence of solvent, surfactant, reductive agent and synthetic condition” trên Nanoscale - tạp chí chuyên về nghiên cứu thực nghiệm và lý thuyết trong các lĩnh vực KH&CN nano của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh, hệ số IF 7,233.

Tổng hợp các hạt nano từ (MNPs) để hướng đến việc sản xuất vật liệu nano ống carbon (CNTs) là mục tiêu theo đuổi của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới. Một tiến sỹ ở Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nhận xét, chất lượng của vật liệu CNTs thể hiện ở các khía cạnh như từ tính, quang, xúc tác phụ thuộc rất nhiều vào kính thước, hình dạng, độ đồng đều của hạt nano từ. Đây là lý do giải thích vì sao, các nhà nghiên cứu mong muốn tìm được các phương pháp tổng hợp các hạt nano từ mới, trong đó có thể kiểm soát được các thông số của hạt.

Trong quá trình tìm hiểu các phương pháp tổng hợp tác hạt nano từ, TS. Lê Trọng Lư nhận thấy hầu hết phương pháp hiện hành đều dựa trên quá trình tổng hợp rất nhiều bước để đạt mục tiêu này, ở một số trường hợp, sự tham gia của các tác nhân trong phản ứng để tạo thành hạt nano từ như dung môi, chất hoạt động bề mặt, chất khử cũng như các điều kiện khác còn chưa rõ ràng.

Do đó, anh đã nghiên cứu và thiết kế một quy trình tổng hợp tương đối đơn giản các hạt nano từ ferit với kích thước, hình dạng, độ đồng đều và thành phần hoá học có thể được điều khiển một cách linh hoạt, đồng thời làm rõ vai trò quyết định của các chất hoạt động bề mặt, dung môi, chất khử trong quá trình này đối với việc kiểm soát kích thước, hình dạng và độ đơn sắc của các hạt nano từ. Anh cũng phát hiện ra một số chất xúc tác như OCD-ol, 1-octadecene có giá thành thấp nhưng có hiệu quả cao có thể thay thế được một số chất vẫn được dùng rộng rãi trong tổng hợp nano từ.

Việc tìm ra phương pháp tổng hợp này có ý nghĩa lớn trong việc chế tạo các hạt nano từ có nhiều ứng dụng trong thực tế, đặc biệt trong y sinh.

Thanh Nhàn/Tia Sáng

tiasang