Mách bà nội trợ lựa chọn rau xanh an toàn
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:07, 01/05/2019
Nếu tinh ý một chút, các bà nội trợ vẫn có thể phân biệt được đâu là rau sạch và đâu là rau không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...
Những năm gần đây, những vụ ngộ độc rau xanh có xu hướng gia tăng và rất khó kiểm soát, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây nên những căn bệnh tiềm ẩn... đang gióng hồi chuông báo động.
Là một người nội trợ, bạn luôn mong muốn đem lại cho gia đình mình những bữa cơm ngon miệng. "Cơm không rau như đau không thuốc", bởi lẽ đó, rau xanh rất quan trọng.
Kinh nghiệm chọn rau củ là đừng tham đẹp mã, tham to. Ví dụ quả cà chua chín tự nhiên thì màu đỏ không thẫm, cuống còn tươi, thậm chí có thể lẫn quả xanh hoặc xanh một phần, không có chất lạ màu trắng bám ngoài vỏ; bắp cải, xà lách cuộn chặt cầm chắc tay, các lá khép đều nhau;
Các loại rau nói chung nên chọn cuống nhỏ vì nếu phun nhiều kích thích thì cuống và thân cũng sẽ phình to lên, rau có màu xanh đặc trưng của mỗi loại và có vẻ ngoài sần, đường gân rau quả tự nhiên chứ không nên chọn rau quả to, nõn nà và bóng bẩy mướt mát quá. Nếu có sâu, chú ý xem vết sâu cắn hay vết sâu vẽ bùa trên lá (tức vết sâu bò) mới hay cũ. Vết tương đối cũ thể hiện rau đã ngoài thời gian cho phép kể từ khi phun các loại thuốc thực vật, đủ an toàn sử dụng.
Kinh nghiệm chọn một số loại rau an toàn
Rau muống
Khi dùng quá nhiều đạm hoặc phân bón lá thì thân rau thường to hơn bình thường, rau giòn, lá màu xanh đen. Khi luộc rau, nước luộc khi nóng có màu xanh nhạt, khi nguội nước biến thành màu xanh đen và có vẩn kết tủa đen. Những loại rau này khi ăn xong, nếu tinh ý ta nhận thấy có vị chát.
Bắp cải
Bắp cải đầu mùa thường có vào khoảng tháng 11, bạn nên chọn những cây bắp cải lá cuộn chặt, lá dày đầu và khép kín, không xòe, cuống nhỏ, nặng tay, không bơm nước, nên cắt đôi bắp cải để kiểm tra trước khi mua.
Rau ngót
Mùa rau ngót bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài đến tháng 3 năm sau. Nên tránh những bó rau ngót có lá quá non, to, mỏng, mà chọn những bó có lá dày vừa phải, sẫm màu.
Mướp đắng
Những quả to, màu xanh đậm, mướt mát, thân phình to, da láng bóng là những quả hái từ cây bón nhiều đạm, chất kích thích sinh trưởng nên chất lượng sẽ kém và thường bị nhiễm độc khi ăn. Bạn nên chọn những quả có kích thước vừa phải, mặt vỏ có nhiều gân nhỏ li ti sẽ an toàn và chất lượng.
Rau cải
Non mơn mởn, lá màu xanh ngắt, không thấy dấu vết sâu bệnh và đều tăm tắp thì đó là rau cải được bón nhiều phân đạm nitrat. Bạn không nên sử dụng rau cải này, nhất là ăn sống.
Đậu cô ve
Những quả dài, bóng, ít lông tơ, phân đốt rõ, hầu như không có quả nào có vết sâu bệnh thì đó là đậu có bón nhiều phân bón lá, các chất vô cơ thấm vào quả chưa được chuyển hóa thành hữu cơ, có phun thuốc hóa học trừ sâu vào thời gian sát khi thu hoạch, ăn loại đậu này dễ bị độc hại.
Giá đỗ
Người tiêu dùng thường thích mầm giá to, trắng, giòn và ít rễ. Để làm được giá đỗ như vậy một phần rất ít do kinh nghiệm của người làm giá nhưng chủ yếu khi hạt đỗ nảy mầm, người sản xuất đã dùng phân bón lá trộn với các loài thuốc trừ cỏ có tính hướng gốc (để diệt phần rễ cây mà phần mầm cây không bị ảnh hưởng) pha loãng, sau đó tưới lên giá đỗ và ủ lại. Những loại giá đỗ này khi làm nộm hoặc xào tái ta thấy nước mầu nhờ đục từ giá đỗ chảy ra đĩa.
Cà chua
Những quả cà chua sạch thường không có màu đồng đều mà thường chỗ vàng chỗ đỏ do được để chín tự nhiên, những chỗ ít ánh mặt trời hơn sẽ chín chậm. Trong đống cà chua, cũng có những quả xanh hơn quả khác. Do không qua quá trình dấm nên phần cuống cà chua sạch thường vẫn cứng.
Phương pháp đơn giản giúp giảm nhẹ thuốc trừ sâu
Theo chuyên gia dinh dưỡng, tiến sĩ Cao Thị Hậu, để đạt năng suất cao hoặc để diệt các loại sâu rầy, đặc biệt là đối với một số loại rau quả dễ bị sâu phá hại, một số nông dân đã sử dụng quá nhiều phân bón hoá học hoặc phun thuốc trừ sâu đến sát ngày thu hoạch, không tuân thủ thời gian cấm phun thuốc trừ sâu trước khi thu hoạch như quy định.
Mặt khác, một số loại rau quả được trồng trong vùng đất bị ô nhiễm, tưới phân tươi hay nước thải bẩn cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khoẻ người tiêu dùng. Do vậy, để làm giảm hàm lượng thuốc trừ sâu trong rau quả, bạn cần:
1. Ngâm rau trong nước sạch khoảng 5-10 phút mới rửa hoặc dùng nước vo gạo để ngâm, mục đích để trung hòa tính độc tố ở thuốc trừ sâu.
2. Dùng nước muối 5% rửa rau.
3. Dưa chuột, cà tím hoặc những loại củ quả có lượng thuốc trừ sâu đậm đặc, tốt nhất là rửa sạch, gọt vỏ ngoài mới ăn.
4. Làm nóng ở nhiệt độ cao cũng làm cho thuốc trừ sâu phân giải, một số loại rau chịu nhiệt như súp lơ, đỗ, rau cần… sau khi rửa sạch, chần qua bằng nước nóng 2 phút làm cho lượng thuốc trừ sâu suy giảm 30%, sau đó nấu ở nhiệt độ cao, như vậy sẽ tẩy trừ được 90% lượng thuốc trừ sâu.
5. Ánh nắng mặt trời làm cho lượng thuốc trừ sâu trên rau bị phá vỡ, phân giải. Để rau dưới ánh nắng mặt trời 5 phút, lượng thuốc trừ sâu tàn lưu trên rau như thủy ngân hữu cơ, clo hữu cơ giảm được khoảng 60%.
An Hoa (t/h)
Thùy Vân