Vụ scandal nhục nhã chấn động đằng sau một trong những bức họa gợi cảm nhất thế giới
Văn hóa - Ngày đăng : 09:56, 02/05/2019
Nếu có dịp nhìn ngắm “Madame X” (hiện trưng bày ở bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ), hẳn bạn sẽ khó lòng hình dung vì sao bức họa nổi tiếng này một thời chịu chỉ trích nặng nề khi ra mắt tại Paris năm 1884.
“Madame X” và Sargent bên trong xưởng vẽ của ông tại Paris. Năm 1883. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Giữa khung tranh bằng vàng lộng lẫy hiện hữu một phụ nữ tuyệt sắc với nước da trắng ngần. Đứng tựa vào chiếc bàn tròn, người đẹp dễ dàng cuốn hút mọi đôi mắt thưởng ngoạn. Dáng vóc nàng gợi cảm với thiết kế đầm dạ hội màu đen, dây vai đính đá quý. Khuôn mặt thanh tú khẽ nghiêng sang bên, giúp tôn thêm nét nụt nà của cánh mũi và chiếc cằm nhỏ xinh.
Ngày nay, “Madame X” đơn thuần trông như một bức vẽ chân dung tao nhã. Chủ thể tác phẩm là một phụ nữ đẹp diện trang phục đắt đỏ thuộc tầng lớp quý tộc.
Sự thật về ‘quý bà không tên’ trên tấm tranh - Virginie Amélie Avegno Gautreau, thế nhưng, lại là câu chuyện nhiễu nhương, đi kèm đầy rẫy chi tiết bê bối tình ái, vốn từng khiến chính người trong cuộc đau khổ cùng cực. Sinh thời, bản thân Sargent cũng bị hủy hoại danh tiếng đến mức phải rời nước Pháp, dưới đả kích lớn từ dư luận đương thời xoay quanh nguồn gốc bức họa.
Vì sao xã hội Paris đồng loạt lên án bức chân dung ngay khi nó được giới thiệu? Phải chăng yếu tố ‘lả lơi’ - gợi cảm nơi bức vẽ khiến nó bị bài trừ? Hay còn ẩn khuất nào phức tạp hơn?
“Madame X”
Sargent sinh tại Ý năm 1856, cha là một bác sĩ người Mỹ. Cha mẹ ông, sống lưu đày xa khỏi quê hương Hoa Kỳ, thường xuyên di chuyển khắp châu Âu. Mặc dù được liệt vào tầng lớp quý tộc, gia cảnh vị họa sĩ, trên thực tế, luôn ‘nằm’ ngoài rìa định nghĩa sung túc.
Phải chật vật gìn giữ hình tượng giàu sang, nhưng mẹ Sargent vẫn cố gắng để con trai được theo học nghề tại một xưởng vẽ uy tín hàng đầu Paris. Năm 1877, lần đầu tiên Sargent may mắn có tranh được chọn trưng bày tại The Salon (sự kiện triển lãm danh giá bậc nhất châu Âu thời bấy giờ, tổ chức bởi Học viện Mỹ thuật Pháp). Thành công sau triển lãm nhanh chóng giúp danh họa tìm thấy nhiều hợp đồng vẽ mới, phần lớn là những dự án họa chân dung cho phụ nữ quý tộc.
Dẫu nhận về hàng loạt yêu cầu vẽ tranh, Sargent có tham vọng nghệ thuật của riêng ông. Ông gặp ‘quý bà’ Gautreau, một phu nhân xinh đẹp thuộc tầng lớp thượng lưu Paris, lần đầu vào khoảng năm 1880. Lập tức bị ‘hút hồn’ trước vẻ kiều diễm ở Gautreau, Sargent quyết tâm họa hình bà - duy lần này không vì một cam kết nào khác ngoài đam mê cá nhân
Tồn tại một số nghi vấn cho rằng Gatreau quen biết Sargent thông qua một nhân tình, người bà từng lén lút qua lại sau lưng chồng. Tuy nhiên, trong cuốn tiểu sử nổi tiếng ‘Strapless’ viết về cuộc đời Gautreau, nữ văn sĩ và tác gia kỳ cựu Deborah Davis khẳng định, vị họa sĩ khi này đã dùng “đủ cách thuyết phục” người đẹp làm mẫu cho ông, sử dụng tất cả mối quan hệ xã hội có thể để kết thân cùng bà.
Cuối cùng đã đồng ý hợp tác, Gautreau, xinh đẹp hơn người, tuy nhiên lại là ‘nàng thơ’ đặc biệt khó nắm bắt. Bà không muốn được họa chân dung tại Paris. Thay vào đó, Gatreau đề nghị Sargent tháp tùng bà và chồng đến dinh thự mùa hè ở bán đảo Brittany (miền bắc nước Pháp). Mặt khác, suốt quá trình ngồi trước giá vẽ, Gautreau thường xuyên bồn chồn và mệt mỏi. Một bức vẽ nháp chân dung bà của Sargent cho thấy hình ảnh người phụ nữ nằm uể oải trên ghế dài, với ánh nhìn thờ ơ.
Một số bản vẽ mẫu Sargent thực hiện về phu nhân Gautreau, năm 1883-1884.
Nữ tác gia Davis mô tả trong ‘Strapless’: “Phu nhân Gautreau tỏ ra thiếu kiên nhẫn do chu trình vẽ chân dung thường kéo dài đằng đẳng. Khi làm mẫu, bà bị buộc đứng hay ngồi một tư thế hàng giờ. Giữa lúc ấy, căn dinh thự luôn ồn ào, hỗn độn vì những buổi dạ tiệc, gặp gỡ, vui chơi diễn ra không ngưng nghỉ”.
Sargent phải liên tục đi và về Paris vì dự án chân dung Gatreau, đến mức ông bắt đầu thấy chán chường. Trong thư gửi người bạn thân, nhà văn Vernon Lee, ông viết: “Thư anh vừa đến tay tôi, trong lúc tôi vẫn ‘mắc kẹt’ nơi căn biệt thự đồng quê này, với một dáng vóc đẹp nhưng thật khó họa hình, cùng sự mệt mỏi đến vô vọng của quý phu nhân Gautreau”.
Qua vô số bản vẽ nháp, vài tấm tranh mẫu bị loại đi, Sargent sau cùng đã hoàn thành bức chân dung ông khao khát từ lâu, kịp lúc để ra mắt tại sự kiện The Salon năm 1884. Ông đề tựa tác phẩm: “Portrait of Mme***”. Hầu hết kinh đô Paris đều ‘quay lưng’ với tác phẩm.
Tương tự bức vẽ chân dung, quý bà Gautreau ngoài đời thực bị lăng nhục, nhạo báng tại gần như mọi phòng tranh quanh Paris. Giới thượng lưu đương thời ngay lập tức liên hệ hình ảnh bộ váy bó eo có dây vai mỏng manh, chi tiết áo xẻ sâu tôn bầu ngực, đến những lời đồn thổi trước đó về phong thái gợi cảm vốn có ở Gautreau và ‘bộ sưu tập’ tình nhân vô thừa nhận của bà.
John Singer Sargent. “Madame Gautreau Drinking a Toast”. Năm 1882-83. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Người chồng hợp pháp của Amélie Avegno Gautreau, theo cách nhà viết tiểu sử Miranda Seymour đề cập trong một bài bình trên tờ New York Times, là “một người đàn ông thấp bé, xấu trai và gấp đôi tuổi Amélie”. Có thể đoán người phụ nữ quý tộc không tận hưởng đời sống hôn nhân hạnh phúc, nhưng điều đó không ngăn được vô số chỉ trích nặng nề từ công chúng Paris, cho rằng Gautreau đáng nhận điều tiếng như một cô vợ lẳng lơ.
Bên cạnh đó, cánh phê bình mỹ thuật ‘nặng lời’ không kém khi nhận xét bức vẽ gây tranh cãi của Sargent ngay thời điểm nó xuất hiện: “Tác phẩm mới nhất từ Sargent trông không khác một tranh biếm họa”.
Gia đình phu nhân Gautreau, nhất là mẹ bà, tức giận đến nỗi công khai than thở trên tờ báo Tribune lúc bấy giờ, “cả Paris đang cười nhạo con gái tôi… cuộc đời con bé đã bị hủy hoại hoàn toàn”. Tấn bi kịch từ bức tranh, quả thật, buộc Gautreau rút lui hẳn khỏi xã hội thượng lưu Paris. Không lâu sau khi những cáo buộc ‘vụng trộm’, bà biến mất, sống kín tiếng suốt phần đời còn lại.
Trong khi ấy, Sargent phải lo lắng cho danh dự và sự nghiệp của ông. Làn sóng phê bình dồn dập, nặng nề ‘đánh’ vào tác phẩm buộc vị họa sĩ phải vẽ lại chi tiết dây vai để chiếc váy trông đứng đắn hơn. Năm 1886, mong muốn thoát khỏi sự tủi nhục do bức tranh gây nên, Sargent âm thầm rời Pháp đến London định cư. Ông không bao giờ cân nhắc việc vẽ ‘theo đam mê’ nữa.
Tuy nhiên, để bồi hoàn phần nào danh dự cho phu nhân Gautreau, Sargent cuối cùng đã làm một nghĩa cử quan trọng: trước khi gửi bức chân dung đến bảo tàng Metropolitan năm 1916, ông cương quyết yêu cầu nơi này giữ kín danh tiếng người phụ nữ trong tranh. Cái tên “Madame X” ra đời vì thế.
Bức tranh, có lẽ, nổi tiếng toàn cầu do những ồn ào xung quanh nó, hơn cả bởi giá trị nghệ thuật nó chứa đựng.
Đến nay, chuẩn mực về sự gợi cảm cùng tư tưởng tự do tính dục ở người phụ nữ đang có những đổi thay đáng kể, so với thời điểm “Madame X” được giới thiệu lần đầu tại Pháp.
Một quý bà duyên dáng với bộ váy đen quyến rũ, tuy nhiên, đã trở nên ‘bất tử’ trong khung tranh của Sargent.
Như Ý (theo Artsy)