Trung Quốc nhượng bộ Mỹ bằng cách mở cửa ngành tài chính
Quốc tế - Ngày đăng : 16:35, 02/05/2019
Hạn mức đầu tư vào ngân hàng thương mại Trung Quốc của cổ đông đơn lẻ cả trong lẫn ngoài nước sẽ bị xóa bỏ. Đến cuối năm 2019, ngân hàng nước ngoài không còn phải chịu quy định sở hữu tài sản tối thiểu 20 tỉUSD để đăng ký mở chi nhánh tại Trung Quốc nữa.
Quy định chỉ liên doanh thuộc đơn vị Trung Quốc hay cổ đông Trung Quốc chiếm đa số mới được phép hoạt động như tổ chức tài chính cũng không còn. Ngoài ra tổ chức tài chính nước ngoài sắp có thể đầu tư vào công ty có vốn nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc, ngân hàng nước ngoài (hoạt động trên lãnh thổ Trung Quốc) có thể thực hiện giao dịch từ đồng tiền nhân dân tệ sang ngoại tệ.
Các biện pháp trên được công bố trong lúc đội ngũ quan chức cấp cao Mỹ có mặt tại Bắc Kinh đàm phán thương mại. Mặc dù chưa có thông tin chi tiết nhưng Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết họ làm việc hiệu quả. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc chuẩn bị sang Washington vào tuần tới.
Ủy ban Quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) khẳng định mở cửa lĩnh vực tài chính xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế nội tại, tuy vậy giới phân tích đánh giá đây rõ ràng là động thái nhượng bộ nhằm tăng khả năng đạt thỏa thuận.
Theo nhà kinh tế học Đinh Sảng làm việc cho Ngân hàng Standard Chartered: “Tôi nghĩ các biện pháp mới đều đã được đề cập trong đàm phán. Trung Quốc muốn tỏ ý chân thành nên công bố chúng trước lúc chính thức đạt thỏa thuận cuối cùng”. Nhà phân tích Nick Marro thuộc tổ chức The Economist Intelligence Unit (EIU) cũng tin rằng chính sức ép từ đàm phán buộc Trung Quốc phảimở cửa lĩnh vực tài chính.
Trung Quốc vài năm qua nhiều lần cam kết tăng tốc độ tự do hóa thị trường tài chính và cởi mở hơn với thực thể nước ngoài. Tuy nhiên trên thực tế tiến trình này diễn ra khác chậm chạp, nhiều công ty nước ngoài mất thị phần hoặc không thể phát triển kinh doanh do hạn chế chính quyền đặt ra.
Cẩm Bình (theo SCMP)