Trung Quốc không nhượng bộ Mỹ trong đàm phán thương mại
Quốc tế - Ngày đăng : 11:05, 08/05/2019
Vòng đàm phán - dự kiến kéo dài 2 ngày - diễn ra trong sự bất ổn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng thuế đánh vào 200 tỉUSD hàng nhập khẩu Trung Quốc từ 10% lên 25%, đồng thời cảnh báo khả năng nhắm đến số mặt hàng tổng trị giá 325 tỉ USD thoát hai vòng đánh thuế trước.
Trước thềm đàm phán, truyền thông Trung Quốc khẳng định giới chức Bắc Kinh sẽ không vì động thái đe dọa từ Tổng thống Trump mà nhượng bộ. Tờ Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) vừa cho đăng bài bình luận viết rằng: “Khi mọi thứ không thuận lợi với chúng tôi, bất kể bạn đòi hỏi ra sao chúng tôi đều quyết không lùi thêm bước nào nữa. Thậm chí nghĩ cũng đừng nghĩ tới”.
Một số nguồn tin của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) tiết lộ Chủ tịch Tập Cận Bình trước đó đã bác bỏ các nhượng bộ bổ sung mà đội ngũ đàm phán đề xuất, buộc họ phải sửa đổi theo hướng cứng rắn hơn.
Nhà phân tích chính trị Trần Đạo Anh đến từ đại học Thượng Hải phân tích: “Chủ tịch Tập cùng chính quyền của ông thường giữ lập trường rất vững, không lùi bước trước thách thức. Ngoài ra tư tưởng “Giấc mộng Trung Hoa” cũng góp phần khiến đội ngũ quan chức bị hạn chế khả năng và tính linh hoạt trong xử lý những vấn đề bên ngoài”.
Không những vậy Bộ Chính trị Trung Quốc nay không quá tập trung vào mục tiêu giữ ổn định kinh tế như 2 tháng trước. Giới lãnh đạo cảm thấy tác động của thuế quan lên nền kinh tế chẳng nghiêm trọng như dự đoán, theo nhà phân tích Trần.
Hai giáo sư Simon Evenett (đại học Johns Hopkins University) và Simon Evenett (viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson) cho rằng: “Trung Quốc nhận định ảnh hưởng xấu do đàm phán thất bại, thuế quan cao hơn mang lại nay đã giảm đi, vì nước này cho thực hiện nhiều kế hoạch kích thích kinh tế. Hơn nữa Chủ tịch Tập khó lòng nhượng bộ khi năm nay có nhiều ngày kỉ niệm quan trọng (70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, 100 năm Phong trào Ngũ Tứ đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc phương Tây)”.
Nhà nghiên cứu Arthur Kroeber thuộc công ty Gavekal Dragonomics lo ngại về triển vọng đạt thỏa thuận, do nền kinh tế phục hồi tạo động lực khiến đội ngũ đàm phán Trung Quốc chống lại yêu cầu cắt giảm trợ cấp công nghiệp và chấm dứt ép buộc chuyển giao công nghệ, còn phe cứng rắn bên Mỹ lại không ngừng chỉ trích Tổng thống Trump chưa đòi hỏi đủ nhượng bộ từ chính quyền Bắc Kinh.
Theo vài nguồn thạo tin thì Trung Quốc qua đàm phán đã chấp nhận mở cửa thị trường hơn nữa, bảo vệ sở hữu trí tuệ, tăng mua hàng Mỹ. Hai bên còn chưa thống nhất về cơ chế đảm bảo thực thi thỏa thuận, vấn đề Trung Quốc phải tiến hành những thay đổi mang tính cấu trúc (hạn chế trợ cấp).
Nhà phân tích Trần đánh giá: “Giữa lúc chủ nghĩa dân tộc tăng cao, sẽ là sỉ nhục nếu Trung Quốc đồng ý nhượng bộ trong hai vấn đề cơ chế đảm bảo thực thi thỏa thuận với tiến hành những thay đổi mang tính cấu trúc.Giới lãnh đạo nhìn nhận chuyện này không thể chấp nhận”.
Cẩm Bình (theo SCMP)