Những cam kết của Iran trong thỏa thuận hạt nhân 2015

Quốc tế - Ngày đăng : 15:45, 09/05/2019

Tổng thống Hassan Rouhani ngày 8.5 đe dọa giảm thực hiện những cam kết của Iran quy định trong Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
          

Iran vào năm 2015 ký kết JCPOA với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức. Theo đó nếu từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân thì quốc gia Trung Đông này đổi lại được quốc tế dỡ bỏ trừng phạt tài chính - kinh tế. Năm 2018 Mỹ rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt.

Hạn chế do JCPOA đặt ra nhằm mục đích khiến Iran mất nhiều thời gian hơn để tạo ra một quả bom hạt nhân (dự tính từ 2 - 3 tháng, nay cần 1 năm). Mỹ tin rằng chính quyền Tehran có chương trình sản xuất loại này (đã từ bỏ) nhưng họ luôn phủ nhận.

Mức độ làm giàu uranium

Trở ngại lớn nhất khi sản xuất vũ khí hạt nhân là nhiên liệu phân hạch - plutonium hoặc uranium giàu.

JCPOA giới hạn mức độ tinh khiết mà Iran có thể làm giàu hợp chất uranium hexafluoride (UF6, đầu vào cho máy ly tâm) ở 3,67% - thấp hơn mức 20% quốc gia Trung Đông đạt được trước khi ký thỏa thuận, thua xa mức dùng làm vũ khí là 90%. Giới hạn này kéo dài 15 năm.

Khả năng làm giàu nhiên liệu

Iran có 2 vị trí làm giàu nhiên liệu ở Natanz (cơ sở ngầm) và Fordow (nằm trong núi).

JCPOA cho phép cơ sở Natanz tiếp tục hoạt động một cách hạn chế, còn Fordow chuyển thành “trung tâm hạt nhân, vật lý và công nghệ” phục vụ chức năng khác chẳng hạn như sản xuất đồng vị ổn định.

Thỏa thuận cũng quy định Iran phải cắt giảm số máy ly tâm từ 19.000 (trước lúc ký JCPOA) xuống còn 6.000, chỉ sản xuất uranium giàu bằng máy ly tâm IR-1 thế hệ đầu, cho phép dùng một số ít máy ly tâm tiên tiến hơn cho mục đích nghiên cứu trong 10 năm (nhưng không tích trữ uranium giàu).

Iran có hai điểm làm giàu nhiên liệu ở Natanz với Fordow - Ảnh: The Los Angeles Times

Trữ uranium

Theo JCPOA, Iran được trữ 300kg UF6 đã làm giàu mức 3,67% hoặc tương đương trong 15 năm. Số uranium giàu dư thừa phải bị pha trộn thành uranium tự nhiên hoặc chuyển ra khỏi nước này để đổi lấy uranium tự nhiên.

Vào năm 2015, Mỹ từng đánh giá thỏa thuận giúp giảm đáng kể lượng uranium tích trữ của Iran, làm cho quốc gia Trung Đông không đủ lượng nhiên liệu cần để sản xuất 1 quả bom hạt nhân.

Plutonium

Iran có xây một lò phản ứng tại Arak, đủ sức sản xuất nhiên liệu có thể tách plutonium.

Sau khi JCPOA được ký kết thì phần lõi của lò phản ứng bị gỡ bỏ rồi lấp đầy bằng bê tông. Lò phản ứng cũng đang trải qua quá trình thiết kế lại để giảm thiểu sản xuất plutonium, không sản xuất plutonium cấp độ vũ khí trong hoạt động thông thường.

Nhiên liệu từ Arak được đưa sang nước ngoài. Iran cam kết không tái xử lý hay khôi phục hoạt động nghiên cứu trong 15 năm.

Quốc gia Trung Đông này có thể sản xuất nước nặng – chất điều tiết trong lò phản ứng, nhưng trữ lượng không vượt quá 130 tấn. Hạn chế kéo dài 15 năm.

Công tác giám sát

JCPOA yêu cầu Iran tạm thời áp dụng Nghị định thư bổ sung của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), qua đó trao cho tổ chức này quyền giám sát rộng rãi. Thanh sát viên Liên Hợp Quốc được cho phép tiếp cận hai cơ sở Natanz và Fordow trong 15 năm.

Các bên ký kết thỏa thuận có trách nhiệm xem xét chặt việc Iran mua hạt nhân hay thiết bị dùng cho mục đích quân sự lẫn dân sự.

Thỏa thuận cấm Iran tiến hành hoạt động góp phần chế tạo bom hạt nhân, chẳng hạn như mô phỏng vụ nổ hạt nhân trên máy tính, thiết kế hệ thống kích nổ đa điểm. Tuy nhiên trong vài trường hợp các bên ký kết có thể chấp thuận cho thực hiện những hoạt động như vậy.

Cẩm Bình (theo Reuters)

   

Nguyễn Cẩm Bình - 0901321282 - 060113793980