Ưu đãi thuế đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp trốn thuế

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:26, 09/05/2019

Đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết mỗi năm tổng số tiền mà ngân sách nhà nước ưu đãi cho các doanh nghiệp chiếm khoảng 5,5 - 6% tổng thu ngân sách, trong đó ưu đãi về thuế chiếm đa số, với trên 80%.

Ưu đãi dàn trải

Nói về vấn đề ưu đãi thuế bất cập hiện nay tại Hội thảo quốc tế “Quản lý thuế và vai trò của Kiểm toán nhà nước” sáng 9.5, ông Trần Minh Khương - Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực 8nhận định chính sách ưu đãi thuế suất của Việt Nam có phạm vi ưu đãi khá rộng và dàn trải. Nếu như tổng số tiền mà ngân sách ưu đãicho doanh nghiệp mỗi năm là khoảng 5,5 - 6% tổng thu ngân sách thì ưu đãi thuế cho doanh nghiệp chiếm trên 80% tổng ưu đãi dành cho doanh nghiệp.

Hội thảo quốc tế “Quản lý thuế và vai trò của Kiểm toán nhà nước” sáng 9.5 - Ảnh: TN

Dẫn Luật Đầu tư năm 2014, ông Khương cho biết chính sách ưu đãi thuế áp dụng đối với 30 lĩnh vực khuyến khích đầu tư, 27 lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư như: công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, điện tử, cơ khí...

Việc ưu đãi còn được áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn thuộc 53/63 tỉnh, thành phố và hơn 300 khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp và khu chế xuất.

Theo lãnh đạo ngành kiểm toán, việc ưu đãi quá rộng đã làm mất tính hấp dẫn của các ưu đãi đầu tư. Đặc biệt, chính sách ưu đãi thuế đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển giá để trốn thuế. Đơn cử là nhiều doanh nghiệp thành lập thêm các công ty con, công ty liên kết tại các địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Sau đó, doanh nghiệp áp dụng các thủ đoạn chuyển giá để chuyển lợi nhuận sang các công ty này nhằm hưởng mức ưu đãi thuế thấp. Điều này vô tình làm giảm thu ngân sách nhà nước.

Theo báo cáo năm 2012 của Bộ Tài chính, tốc độ tăng về số nộp ngân sách nhà nước (NSNN) (7%) của khu vực doanh nghiệp FDI năm 2017 so với năm 2016 thấp hơn tốc độ tăng về lợi nhuận trước thuế (19,2%) và lợi nhuận sau thuế (22,6%) cho thấy đóng góp vào NSNN của doanh nghiệp FDI tăng trưởng chậm hơn so với tăng trưởng của năng lực hoạt động, lý giải một phần do doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư lớn vào các ngành, lĩnh vực ưu đãi và đặc biệt ưu đãi đầu tư.

Bộ Tài chính từng đánh giá mức ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI hiện còn cao, diện ưu đãi còn rộng và dàn trải, làm suy giảm nguồn thu NSNN trong khi NSNN đang rất thiếu để đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ví dụ: thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra một số trường hợp còn được áp dụng mức thuế suất 10% áp dụng trong suốt thời gian thực hiện dự án.

Mặc dù chính sách ưu đãi thuế áp dụng thống nhất cho các thành phần kinh tế, tuy nhiên khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang được hưởng nhiều hơn từ chính sách ưu đãi: Tỷ trọng về số thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi miễn, giảm của doanh nghiệp FDI trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn giảm của doanh nghiệp cả nước là 76%.

Tỷ lệ về số thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi miễn, giảm của doanh nghiệp FDI trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tính theo thuế suất phổ thông là 48%, trong khi tỷ lệ này của doanh nghiệp nhà nước là 4,6%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 14%.

Mặt khác, việc lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp làm cho chính sách thuế thêm phức tạp, khó quản lý, dễ tạo sơ hở để doanh nghiệp lợi dụng giảm thuế phải nộp, gây nên tình trạng bất công bằng trong động viên thuế giữa các đối tượng. Một số ngành, lĩnh vực chính sách ưu đãi thuế còn chưa đạt được các mục tiêu theo định hướng ví dụ như: mục tiêu nội địa hóa ngành ô tô, công nghệ cao…

Ngành nào thu hút đầu tư nhiều thì ưu đãi nhiều

Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về doanh nghiệp FDI tại Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng nhận định: "Hiện nay nước ta ưu đãi quá nhiều, ưu đãi từ ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, dự án đầu tư, dự án mở rộng, sản phẩm, địa bàn, quy mô dự án, số lượng lao động... vì vậy cần phải có đánh giá lại về các chính sách ưu đãi này".

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằngcần có các nghiên cứu cụ thể để ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo địa bàn chuyển sang ngành, lĩnh vực. Theo đó, ngành, lĩnh vực nào cần thu hút đầu tư nhiều thì phải có chính sách ưu đãi nhiều.

Mặt khác, cần nghiên cứu chuyển đổi chính sách ưu đãi thuế, đầu tư từ thiên về sử dụng quy mô vốn và lao động, dự án sang tiếp cận theo chiều dọc, nâng cao giá trị gia tăng, sử dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, có tính lan tỏa, kết nối được với các doanh nghiệp trong nước.

Đề xuất giải pháp, theo Bộ Tài chính, cần nghiên cứu một cách tổng thể để từ đó xây dựng hệ thống chính sách pháp luật minh bạch, đơn giản, tránh chồng chéo, không thống nhất giữa các văn bản luật gây khó khăn cho nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài, ví dụ việc ưu đãi về thuế chỉ thực hiện theo pháp luật về thuế để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật.

Về phía Kiểm toán, ông Trần Minh Khương cho rằng cần giảm bớt việc áp dụng các hình thức ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn để chuyển sang áp dụng hình thức ưu đãi thuế khác, hiệu quả hơn. Ví dụ được nêu lên như có cơ chế giảm trừ nghĩa vụ thuế phải nộp hay giảm trừ thu nhập chịu thuế khi nhà đầu tư dùng lợi nhuận kinh doanh để đầu tư phát triển sản xuất, nghiên cứu phát triển, đào tạo nghề, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn.

Tuyết Nhung

tuyetnhung