Vụ chạy thận gây chết người: Nguyên Giám đốc Công ty Thiên Sơn kêu oan
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:12, 12/05/2019
Sau khi có Bản án sơ thẩm, ông Tuấn đã kháng cáo kêu oan và nay, trước phiên tòa phúc thẩm (ngày 13.5 tại TAND tỉnh Hòa Bình), ông Đỗ Anh Tuấn làm đơn kêu oan gửi các cơ quan Trung ương và tỉnh Hòa Bình mong được xem xét, có sự chỉ đạo cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình nói chung và phiên tòa phúc thẩm vụ án nói riêng thận trọng, xem xét vụ án khách quan, đúng pháp luật để không tuyên án oan sai.
Cụ thể trong đơn kêu oan, theo ông Tuấn, Công ty Thiên Sơn do ông làm Giám đốc là công ty 100% vốn tư nhân; vì vậy, bản thân ông không thể là chủ thể của tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng” theo điều 285 - BLHS 1999 vì tội danh nằm trong chương Tội phạm chức vụ và yêu cầu chủ thể đặc biệt.
Ngay trước phiên xử phúc thẩm, ông Tuấn đã có đơn kêu oan - Ảnh: N.T
Trong vụ án này, ông Tuấn là người đại diện Công ty Thiên Sơn ký Hợp đồng số 315/BVĐKT-TS để sửa chữa hệ thống RO2 cho BVĐK tỉnh Hòa Bình ngày 28.5.2017 nhưng Hợp đồng này đang trong quá trình thực hiện. Công ty Thiên Sơn chưa có bất kỳ nghiệm thu bàn giao cho Bệnh viện với bất kỳ hình thức nào.
Bản án tuyên Đỗ Anh Tuấn đồng phạm với ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình), về điều này, theo ông Tuấn là lệch lạc về nhận thức pháp luật hình sự. Đồng phạm trong pháp luật hình sự chỉ áp dụng các tội có lỗi cố ý. Tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” có cấu thành là lỗi vô ý.
Mặt khác, trong phần nhận định của Bản án sơ thẩm đã đưa ra Hợp đồng số 64/BVĐKT-TS ký ngày 29.12.2009 để quy kết hành vi liên kết giữa Công ty Thiên Sơn và Bệnh viện. Trong khi đó, ông Tuấn lý giải rằng hợp đồng này đã được thanh lý từ ngày 18.11.2011. Tình tiết này đã được làm rõ tại phiên tòa bằng chứng cứ là biên bản thanh lý Hợp đồng và xác nhận của các bị cáo của Bệnh viện. Theo ông Tuấn, việc đưa ra một chứng cứ không còn hiệu lực pháp luật để ghép tội là trái pháp luật.
Các bị cáo tại phiên sơ thẩm - Ảnh: TTXVN
Cũng trong đơn kêu oan, nguyên Giám đốc công ty Thiên Sơn cho rằng hiện nay, hàng chục nghìn doanh nghiệp đang đầu tư theo hình thức xã hội hóa trong tất cả các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục... như Công ty Thiên Sơn. Nếu chỉ là đối tác đầu tư mà trở thành chủ thể thực hiện nhiệm vụ công để phải chịu tội thiếu trách nhiệm do lỗi của bất kỳ cá nhân thực hiện nhiệm vụ, công vụ của nghành nào đó thì vô cùng nguy hiểm cho các Doanh nghiệp và các doanh nhân.
Vì vậy, ông Tuấn mong được các cơ quan Trung ương xem xét và có ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền để Cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình không làm oan sai cho cá nhân ông, và không tạo tiền lệ xấu để các doanh nghiệp đầu tư vào xã hội hóa giống như Công ty Thiên Sơn, để các doanh nghiệp và doanh nhân yên tâm mang tài sản và trí tuệ của mình đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Trong công văn gửi TAND và Viện KSND tỉnh Hòa Bình mới đây, Bộ Y tế cho rằng việc định tội danh và tuyên phạt trong phiên xét xử sơ thẩm đối với một số bị cáo còn “thiếu khách quan và chưa đảm bảo khoa học pháp lý”. Theo đó, để xác định tội danh “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cần phải được xem xét, đánh giá dưới góc độ khoa học pháp lý về chủ thể, khách thể, chủ quan, khách quan và các chứng cứ luận tội.
Trong trường hợp của bị cáo Đỗ Anh Tuấn, Bộ Y tế lập luận rằng, chủ thể của tội danh này nằm trong chương “Tội phạm chức vụ” và yêu cầu chủ thể đặc biệt nên “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ” (Khoản 2 Điều 277 – BLHS năm 1999).
Nhã Thanh
Bộ Y tế khẳng định Hoàng Công Lương chỉ vi phạm hành chính
Vụ chạy thận gây chết người: BS Hoàng Công Lương chuẩn bị ra tòa phúc thẩm
Vụ tai biến chạy thận: Bị cáo Hoàng Công Lương lĩnh án 42 tháng tù
Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Công ty Thiên Sơn lên tiếng về công văn của Tổng hội Y học