Quân Trung Quốc không có khả năng đổ bộ để 'thống nhất Đài Loan'

Quốc tế - Ngày đăng : 17:57, 12/05/2019

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 12.5, các chuyên gia không tin Trung Quốc có khả năng tung quân đổ bộ xâm chiếm Đài Loan nhằm hiện thực hóa tham vọng thống nhất.

Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một tỉnh hải ngoại cần sáp nhập về Hoa lục, nếu cần thiết thì sử dụng vũ lực.Từ khi bà Thái Anh Văn trở thành lãnh đạo Đài Loan năm 2016, Bắc Kinh đã tăng cường hoạt động quân sự gần Đài Loan.Bà Thái thuộc đảng Dân Tiến, đòi độc lập khỏi Trung Quốc.

Ngày 3.5, Lầu Năm Góc trình báo cáo lên Quốc hội Mỹ về sự phát triển quân sự - an ninh Trung Quốc trong năm 2019, nêu khả năng Bắc Kinh dùng vũ lực thống nhất Đài Loan, đồng thời tìm cách trì hoãn, ngăn chặn bên thứ ba nhảy vào can thiệp nhân danh Đài Loan. Báo cáo này đề cập Bắc Kinh có nhiều lựa chọn, gồm vây Eo biển Đài Loan để cắt dòng hàng hóa nhập khẩu vào Đài Loan, hoặc tấn công tên lửa và chiếm các đảo Quemoy và Matsu (Trung Quốc gọi là đảo Kim Môn và Mã Tổ).

Theo báo cáo này, một cuộc tấn công tên lửa cùng các cuộc đánh bom nhằm phá hoại cơ sở hạ tầng liên lạc và quân sự của Đài Loan, trong khi một cuộc tấn công đổ bộ tổng lực có thể phát động ở phía nam hoặc phía bắc dọc vùng biển phía tây của Đài Loan. Báo cáo viết: “Trung Quốc có thể tấn công tên lửa và không kích chính xác vào hệ thống phòng không, các căn cứ không quân, trạm radar, tên lửa, tài sản không gian, và các cơ sở liên lạc nhằm làm suy yếu khả năng phòng vệ của Đài Loan, cô lập lãnh đạo Đài Loan hoặc bẻ quặt ý chí của dân Đài Loan”.

Báo cáo còn nêu các lợi thế của Đài Loan tiếp tục suy giảm, do có những vấn đề đáng kể trong khâu tuyển quân, “đối mặt với những thách thức về khả năng sẵn sàng chiến đấu và thiếu phương tiện vũ khí’, còn Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã được hiện đại hóa.

Nhưng các chuyên gia quân sự nói PLA có thể không có khả năng đổ bộ tấn công để chiếm đóng Đài Loan. Ông Collin Koh, một chuyên gia quân sự ở Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore) nói không thể có chuyện Trung Quốc xua quân chiếm Đài Loan, vì PLA không có đủ khả năng bao vây Eo biển Đài Loan, và lực lượng đổ bộ không có khả năng điều phối với các binh chủng khác.

Nhận định của ông Koh tương tựcủa ông Timothy Heath, một nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao của tổ chức nghiên cứu RAND (Mỹ) nói việc PLA không có đủ tàu đổ bộ để chở quân xâm chiếm vẫn là một thiếu sót lớn cho bất kỳ kế hoạch xâm chiếm Đài Loan nào của PLA: “Tàu đổ bộ và các tàu khác để chở quân đến các bãi biển Đài Loan rất quan trọng, vì xâm chiếm là cách duy nhất bảo đảm PLA chiếm được Đài Loan”.

Nhưng chuyên gia quân sự Lý Kiệt (ở Bắc Kinh) nói PLA có thể thực hiện được các mục tiêu, khi có lệnh từ lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc, bất chấp những yếu điểm của PLA: “So với quá khứ, khả năng đổ bộ chiến đấu của Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể, sau những cuộc tập luyện những năm gần đây”.

Vài năm gần đây, Trung Quốcđã liên tục tung máy bay quân sự và tàu chiến vào các cuộc tập trận quanh Đài Loan, tổ chức tập trận bắn đạn thật đồng thời cô lập Đài Loan, lôi kéo một số nước cắt quan hệ với Đài Loan. Trung Quốc cũng phản đối việc tàu chiến Mỹ đi qua Eo biển Đài Loan, một hoạt động đã được Mỹ tiến hành 92 chuyến kể từ năm 2007.

Đài Loan là một trong những điểm nóng trong quan hệ Mỹ - Trung, như cùng với chiến tranh thương mại, Bắc Kinh đang gia tăng tầm ảnh hưởng với các nền kinh tế mới nổi, và thể hiện sự hiện diện quân sự hung hăng ở Biển Đông, theo SCMP.

Hôm 6.5, hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ là Preble và Chung-Hoon đã đi qua gần khu vực trong phạm vi 12 hải lý của các rạn san hô Gaven và Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Động thái này đã ngay lập tức bị Bắc Kinh chỉ trích.

Ngày 7.5, Hạ viện Mỹ nhất trí thông qua Luật Bảo đảm Quan hệ Đài Loan (TAA), qua đó Mỹ phải giúp Đài Loan phòng vệ. Mỹ là nguồn vũ khí chính của Đài Loan, từ năm 2010 đã bán số vũ khí trị giá 15 tỉ USD cho Đài Loan.

Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Mỹ Trinh