Mỹ thành công trong thử nghiệm dùng vi khuẩn diệt muỗi Aedes aegypti
Thông tin Y học - Ngày đăng : 08:13, 13/05/2019
Theo Journal of Medical Entomology, các nhà khoa học Mỹ đã thu được kết quả tốt qua thử nghiệm kiểm soát muỗi được tiến hành ở Florida bằng cách sử dụng vi khuẩn Wolbachia pipientis. Các tác giả của công trình nghiên cứu tin rằng công nghệ này có thể làm giảm đáng kể sự lây lan của các bệnh nguy hiểm truyền qua muỗi đốt.
Được phát hiện vào năm 1926, vi khuẩn Wolbachia pipientis có trong cơ thể của hơn 16% các loài côn trùng ở Nam Mỹ và Trung Mỹ. Theo các nhà khoa học, loài vi khuẩn này có khả năng lây nhiễm cho khoảng 60% các loài côn trùng ở khắp nơi trên thế giới. Wolbachia pipientiscó thể ảnh hưởng mạnh đến vật chủ, bao gồm cả việc quyết định giới tính và chức năng sinh sản. Các chi tiết về hiệu ứng này vẫn chưa được khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng có khả năng vi khuẩn sử dụng các RNA không mã hóa nhỏ để thay đổi biểu hiện các gien của vật chủ.
Các nhà khoa học ở Khoa côn trùng học Đại học Kentucky, Mỹ, đã phát triển một chương trình lây nhiễm cho muỗi đực Aedes aegypti (còn gọi là muỗi vằn, là một loài muỗi mang vi rút gây bệnh sốt Dengue, Chikungunya và sốt vàng da) với một chủng vi khuẩn Wolbachia được tạo ra đặc biệt có tên WB1, không ảnh hưởng đến đời sống của côn trùng, nhưng sau khi muỗi đực như vậy giao phối với muỗi cái thì gây ra cái chết của trứng muỗi ngay ở giai đoạn đầu. Công ty MosquitoMate mới thành lập đã được Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ cho phép thử nghiệm muỗi trên thực địa.
Ở vùng lân cận Miami trong các cuộc thử nghiệm từ tháng 2 năm ngoái, có tới 370.000 muỗi đực bị nhiễm chủng WB1 được thả ra hàng ngày, khiến đây là dự án nghiên cứu về muỗi lớn nhất. Ở những khu vực nơi những con đực nhiễm khuẩn được thả ra, tổng số muỗi Aedes aegypti giảm đáng kể so với các khu vực đối chứng, đặc biệt, số lượng muỗi cái đã giảm 75%.
Vũ Trung Hương