Vụ chạy thận gây chết người: Thiếu luật sư, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 09:09, 13/05/2019
Ngày 13.5, TAND tỉnh Hòa Bình mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án “Vô ý làm chết người”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình.
Phiên tòa được mở do có đơn kháng cáo của bị cáo Hoàng Công Lương (nguyên bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hòa Bình), Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng Vật tư – Thiết bị Y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình), Hoàng Đình Khiếu (Phó Giám đốc, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hòa Bình), Trương Quý Dương (nguyên GĐ bệnh viện), Đỗ Anh Tuấn (nguyên GĐ Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn).
Ngoài ra, có 9 bị hại, người đại diện hợp pháp của các bị hại kháng cáo. Về phía bị đơn dân sự, Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn cũng có đơn kháng cáo.
Sau khi Chủ tọa phiên tòa đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thư ký tòa án thông báo luật sư Hoàng Văn Hướng (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) vắng mặt tại phiên tòa và có đơn xin hoãn phiên tòa. Ngoài ra, trong phiên phúc thẩm hôm nay cũng vắng mặt một số người liên quan, người làm chứng. Vì những lý do trên, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.
Bị cáo Trương Quý Dương- Ảnh: T.Anh
Ngay trước phiên tòa phúc thẩm, Bộ Y tế đã có công văn gửi TAND và Viện KSND tỉnh Hòa Bình đề nghị xem xét lại tội danh đối với các bị cáo Hoàng Công Lương, Trương Quý Dương, Hoàng Đình Khiếu và Đỗ Anh Tuấn. Ngoài các lập luận pháp lý, Bộ Y tế còn cho rằng nếu giữ nguyên bản án sơ thẩm sẽ gây tâm lý bất an cho toàn thể thầy thuốc, nhân viên y tế trong cả nước.
Theo công văn của Bộ Y tế, nếu phiên tòa phúc thẩm vẫn tuyên bị cáo Lương tội danh “Vô ý làm chết người” sẽ là một tiền lệ rất xấu cho nền y khoa Việt Nam. Từ đây, các thầy thuốc, nhân viên y tế để thủ thân, an toàn cho mình; họ sẽ bám vào thủ tục hành chính, bám vào quy trình nhiều hơn, mất rất nhiều thời gian cho các công việc ngoài chuyên môn thay vì cho sự xả thân có tính mạo hiểm của nghề nghiệp để tận tâm chữa bệnh cứu người, và hậu quả cuối cùng,người chịu nhiều thiệt thòi nhất lại là người bệnh,vì họ sẽ chết, chết rất đúng thủ tục, đúng quy trìnhvà các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ không bắt bẻ họ vào đâu được.
Trước đó, chiều 30.1.2019, TAND TP.Hòa Bình đã tiến hành tuyên bản án sơ thẩm đối với các bị cáo. Cụ thể, HĐXX tuyên phạt hai bị cáo phạm tội “Vô ý gây chết người” là Hoàng Công Lương 42 tháng tù; Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) lĩnh án 54 tháng tù.
Với các bị cáo phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, HĐXX tuyên phạt Trần Văn Sơn (Cán bộ Phòng vật tư, trang thiết bị y tế - BVĐK tỉnh Hòa Bình) 42 tháng tù; Trần Văn Thắng 36 tháng tù; Hoàng Đình Khiếu 36 tháng tù; Trương Quý Dương 30 tháng tù; Đỗ Anh Tuấn 30 tháng tù.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX cấp sơ thẩm nhận định hành vi của các bị cáo Quốc, Lương và Sơn là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố nên các bị cáo phải bồi thường cho các nạn nhân. Tuy nhiên, các bị cáo trên là nhân viên của BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn nên HĐXX tuyên buộc phía bệnh viện phải chịu trách nhiệm chính trong việc bồi thường 70%, Công ty Thiên Sơn phải liên đới bồi thường 30%.
Nhã Thanh
Vụ chạy thận gây chết người: Nguyên Giám đốc Công ty Thiên Sơn kêu oan
Bộ Y tế khẳng định Hoàng Công Lương chỉ vi phạm hành chính
Vụ tai biến chạy thận: Bị cáo Hoàng Công Lương lĩnh án 42 tháng tù