Bài cuối: Công an viên đi bắt ‘cát tặc’ phải ‘né’ camera do chính công an lắp đặt!
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:06, 17/05/2019
Bài 1: Sông Hàm Luông ‘dậy sóng’, ‘cát tặc’ mặc sức tung hoành và hung hãn
Bài 2: Bắt được ‘cát tặc’ cứ… bơm cát vào hầm của Công ty Sông Lam!
Bài 3: Thế lực nào bảo kê cho ‘cát tặc’ càn quét sông Ba Lai?
Đánh liều tính mạng, lội sông tiếp cận bắt giữ phương tiện…
Tiếp xúc với những cá nhân quyết liệt chống cát tặc (tuổi chỉ 20 - 22), chúng tôi mới hiểu việc làm của những người trẻ này đầy cam go. Phạm Khả Quý, Đội phó Đội Dân phòng ấp Chợ và Đặng Duy Minh, dân quân thường trực của xã Thành Triệu, H.Châu Thành, tỉnh Bến Tre, là 2 thành viên luôn sát cánh cùng ông Dương Hoàng Tuấn, công an xã phụ trách ấp Chợ, mật phục bắt “cát tặc” trên sông Ba Lai.
Quývà Minhcho biết, các nhóm “cát tặc” thường xuyên bị bắt quả tang khi đang thò vòi hút cát trên sông Ba Lai nhưTư Sơn, Tư Sách, Đào Tấn An, Đào Tấn Triệu… luôn có “tai mắt”. Địa điểm họ thường xuyên hút cát trộm, gây sạt lở đoạn từ cầu Miễu Trắng (ấp Phước Hòa) lên đến ranh xã Quới Thành. Lúc trước cạnh cầu Đò cũng bị hút, hiện đang lở lõm sâu vào phía chân cầu. Đoạn ngang qua cống Tư Cô (ấp Phước Thạnh 2) và đầu trên, đầu dưới đất của bà Phượng, Chủ tịch UBMTTQ xã (ở ấp Phước Thạnh 2) đều bị lở sụp nặng…
Quý và Minh- Ảnh: Huy Phương
2 thành viên trênkể rằng, để bắt được “cát tặc” không đơn giản chút nào. Mọi bước đi của anh em đều bị giám sát và báo động nhanh qua điện thoại. Ông Tuấn, đầu tàu của nhóm phải lén lút, giả vờ đánh lạc hướng bọn canh đường và là người đi ra sông sau cùng. Khi được tin báo từ phía người dân, Quývà Minh đi bằng phương tiện xe 2 bánh ra sông trước.
Họ dừng xe cách ghe trộm cát đang hoạt động vài trăm mét, rồi đi bộ đến ngồi mật phục. Phát hiện ghe gỗ bơm cát đầy khoang, Quýthông báo cho ông Tuấn chạy đến. Để không lỡ cơ hội bắt quả tang, nhiều lần Quýcùng Minh liều mình lao luôn xuống sông, trèo lên ghe cát ngăn không cho đối tượng rút vòi nổ máy tẩu thoát.
Chúng tôi hỏi: “Giữa đêm khuya sông vắng lạnh, các bạn không sợ mình bị chống trả nguy hiểm đến tính mạng?”. Hai bạn trẻ trả lời rất vô tư: “Dạ, không sợ. Tụi con có chú Tuấn tiếp ứng liền mà. Chú ấy luôn để điện thoại thường trực và sát cánh với tụi con!”. Riêng ông Tuấn, dù là công an viên có tiếng của xã, nhưng ông tâm sự những điều mà nghe thìrất đau lòng!
Gần đây, công an xã vận động xã hội hóa lắp đặt camera ở những giao lộ, để quan sát giữ gìn ANTT trong địa bàn xã. Các công an viên đều được nhập mã quản lý… xem bằng điện thoại cá nhân bất cứ lúc nào. Riêng ông Tuấn dù phụ trách địa bàn trung tâm của xã, nhưng Trưởng và Phó Công an xã không cho mã để vào theo dõi.
Nghịch lý nữa làcông an lắp camera phục vụ công tác phòng chống tội phạm, vậy mà mỗi lần di chuyển ra sông bắt “cát tặc”, nhóm của ông Tuấn phải tìm cách “né” không để bóng dáng của mình lọt vào camera. Bởi những lúc nhóm của ông Tuấn đi bắt cát “đường đường, chính chính” (ngang qua camera), “cát tặt” đều biết, rút vòi nổ máy rời khỏi hiện trường liền. Ông Tuấn bức xúc cho rằng camera công an xã lắp đã bị lợi dụng thành tai mắt của cát tặc.
… Đi cùng 2 thanh niên ra bờ sông Ba Lai trong đêm, ngắm họ ngồi canh cát tặc giữa khoảng sông thinh lặng, chúng tôi không khỏi rùng mình. Đêm trước đó vào lúc 22 giờ khuya, ngồi uống trà trao đổi với nhóm chống “cát tặc” tại trụ sở ấp Chợ, chúng tôi chứng kiến nhóm thanh niên chuyên canh đường dùng xe mô tô lạng qua lạng lại theo dõi.
Nhất cử nhất động của ông Tuấn và nhóm chống “cát tặc”, giới ăn cắp cát luôn thường trực ngoài sông vào ban đêm đều biết. Ông Tuấn kể: “Hễ tui tắt đèn, đóng cửa trụ sở ấp là bọn nó đeo sát, báo tin liền. Nhiều đêm tui phải lẻn đi bắt cát giống như mộtkẻ gian, né tránh sự phát hiện, kể cả đồng nghiệp của mình…”
Theo lời ông Tuấn, chiếc xuồng máy phương tiện dùng để bắt cát tặc của xã, giao cho Trọng - mộtcông an viên phụ trách ấp Phước Thạnh 1 giữ, chỉ neo đậu đó cho có “tụ”. Vì muốn trưng dụng khi đi bắt cát đều rất khó lấy... Anh em cho biết nội tình: “Mỗi lần ông Trọng cùng ông Tuấn bắt được “cát tặc”, hôm sau ông Lê Quang Thận, Phó Công an xã liền gọi ông Trọng lên nói mắc mỏ!”.
Quýcùng Minh mật phục bên bờ sông Ba Lai, sẵn sàng lao xuống sông bắt giữ các phương tiện ăn cắp cát - Ảnh: Huy Phương
Điều này khiến cho ông Trọng từ thái độ quyết liệt giống như anh em, gần đây tỏ ra ái ngại và lơ là không dám sát cánh với nhóm chống “cát tặc” nữa. Nhóm phải tự trang bị xuồng máy cá nhân đậu ngoài cầu Đò (sông Ba Lai). Đích thân ông Tuấn đi gõ cửa xin tiền những người quen, ủng hộ việc làm của nhóm… để có khoản mua xăng.
Mua chuộc không được, trở mặt đe dọa…
Người dân xã Thành Triệu cung cấp thông tin, Phó Công an xã thường ăn nhậu với bọn cát tặc tại quán L.T. cạnh UBND xã. Ông Thận dù bị kỷ luật cảnh cáo một lần, liên quan đến các đối tượng xã hội… nhưng vẫn tiếp tục để xảy ra dư luận giao du với giới “cát tặc”. Người dân và các cán bộ công tác trong xã đều không đồng tình. Trường hợp ông Vinh (Trưởng Công an xã), cũng có động thái bao che cho “cát tặc”, tạo dư luận không tốt tương tự như ông Thận.
Trụ sở ấp Chợ xã Thành Triệu, luôn bị nhóm canh đường cho cát tặc đeo bám rình rập, “canh me” nhóm của ông Tuấn - Ảnh: Huy Phương
Mới đây nhóm chống “cát tặc” mật phục, tiếp tục bắt được ghe gỗ của ông Đào Văn Triệu, ăn cắp cát trên địa bàn xã. Dù ghe ông Triệu chỉ hút cát khoảng 1,5m3, nhưng có thể bắt xử phạt với tình tiết tăng nặng, do vi phạm nhiều lần. Đêm đó, ông Vinh chỉ đạo thả, cho ghe của ông Triệu đi vì lượng cát quá ít.
Ông Vinh có nói thêm: “Bắt thằng Triệu lần này là nó chết vì phải chuyển hồ sơ về huyện…”. Dư luận cũng đề nghị làm rõ 2 đối tượng ăn cắp cát Đào Tấn An và Đào Văn Triệu cùng là anh em, có mối quan hệ gia đình với Trưởng công an xã. Đào Tấn An thường xuyên ăn nhậu… với Phó Công an xã, nên anh em ông An từng được ưu ái thay đổi số đo lượng cát trộm, tráo đổi luôn tên người vi phạm (đã thông tin trong bài trước).
1 trong số những ghe hút cát bị bắt vượt khung xử phạt tại xã, nhờ công an xã giúp thay đổi số đo, tráo đổi tên người vi phạm, nên không bị chuyển về huyện xử phạt nặng - Ảnh: Huy Phương
Riêng phía ông Tuấn, những kẻ trộm cát cử người 2 lần đến nhà và chặn giữa đường, thương lượng nếu ông Tuấn phớt lờ cho “cát tặc” hoạt động, sẽ chung chi từ 300.000 - 600.000 đồng mỗi ghe/lần hút trộm. Không mua chuộc được thái độ kiên quyết từ phía ông Tuấn, “cát tặc” trở mặt dọa. Ra chợ ông Tuấn được người dân kề tai nói nhỏ: “Thận trọng nghen, tụi nó đang hăm xử giang hồ mày đó”.
Nhận thấy chính quyền xã Thành Triệu, mà cụ thể là Chủ tịch UBND xã tỏ ra yếu kém và không cương quyết trong việc củng cố chứng cứ để xử lý sai phạm, PV đã trao đổi với ông Dương Văn Phúc, Chủ tịch UBND H.Châu Thành (Bến Tre). Chủ tịch huyện tiếp thu và ngay tức khắc ông Phúc chỉ đạo công an huyện khẩn trương xác minh làm rõ.
“Bến Tre không có điểm nóng về cát tặc?”
Báo cáo của Ban Chỉ đạo hoạt động khai thác khoáng sản tỉnh Bến Tre, trong 3 tháng đầu năm 2019 toàn địa bàn tỉnh có 147 trường hợp khai thác cát trái phép bị phát hiện bắt giữ và xử phạt tổng số tiền hơn 3,6 tỉđồng với gần 270 đối tượng vi phạm. Tại mộthội nghị sơ kết về công tác trên vừa tổ chức ở Bến Tre, ông Lê Văn Đáo, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh này báo cáo: “Trên địa bàn tỉnh không có điểm nóng về cát tặc!”.
Huy Phương