Phà Vàm Cống: những chuyến phà cuối trước ngày 'giải nghệ'

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:04, 18/05/2019

Màn đêm buông xuống, một hồi còi dài báo hiệu phà sắp rời bến. Tiếng động cơ xập xình và tiếng sóng vỗ lao xao. Cầu Vàm Cống vào ngày 19.5 sẽ được thông xe, còn những chiếc phà này sẽ trôi về đâu?

Trên sông, những chiếc phà trọng tải 200 tấn ngược xuôi đưa khách về đêm dường như bây giờ trông có vẻ nặng nề, chậm chạp, bởi những chuyến phà ấy chở đong đầy những tâm tư của các vị khách đồng hành. Phà có thể vẫn duy trì sau ngày cầu thông xe, để khách qua lại giữa Đồng Tháp và An Giang. Nhưng rồi đây những chuyến phà qua sông bồng bềnh càng ngày càng vắng khách, tiếng còi phà vang vọng giờ đây vắng lặng hơn, và những tiếng sóng quen thuộc, tất cả tạo nên một khung cảnh buồn.

Vượt sóng trong đêm, nhưng chở đầy tâm tư của những vị khách đồng hành - Ảnh: Tô Văn

Tài xế xe tải Trần Bảo An (42 tuổi, ngụ TP.Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) không giấu nỗivui mừng: “Cây cầu khánh thành là mơ ước bấy lâu nay của cánh tài xế chúng tôi. Bởi tôi chạy tuyến Hà Tiên - Sài Gòn, trên xe toàn hàng tươi sống nên phải giao kịp thời.

Lúc chưa có cầu thì cảnh kẹt xe diễn ra 3-4 tiếng đồng hồ, giao hàng trễthường bị chủ la rầy. Bây giờ, cầu Vàm Cống sắp thông xe, chúng tôi không còn phảichịu cảnh lụy phà hàng giờ, còn gì sướng bằng. Nhưng khi đã quen thuộc cảnh trên phà, giờ sắp rời xa nó, cũng cảm thấy luyến tiếc”.

Tài xế xe tải Trần Bảo An (42 tuổi, ngụ TP.Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) không giấu nỗi vui mừng, nhưng cũng luyến tiếc- Ảnh: Tô Văn

Lặng lẽ theo những dòng người trên phà là những ánh mắt đau đáu của những người bán vé số. Vì kế sinh nhai, cạnh tranh mua bán, đôi khi họ làm phiền lòng những hành khách. Nhưng không thể phủ nhận chính họ góp phần tô thêm sự sinh động trên bến phà.

Màn đêm buông xuống những chuyến phà - Ảnh: Tô Văn

“Có lẽ tôi rất buồn nếu phải rời xa cảnh nhộn nhịp bến phà, nhưng tôi vui vì quê mình có 1 cây cầu hoành tráng không thua những cây cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ. Tôi già rồi, chắc phải tìm chỗ khác buôn bán hoặc tìm nghề khác để kiếm tiền trang trải cuộc sống, chứ bán vé số ở bến phà này nếu thông xe cầu Vàm Cống thì chẳng khá lên được”, Ông Nguyễn Văn Hai (62 tuổi) ngồi buồn bã nhìn chuyến phà rời bến nói.

Ông Nguyễn Văn Hai (62 tuổi) ngồi buồn bã nhìn chuyến phà rời bến - Ảnh: Tô Văn

Chị Nguyễn Thị Hà và một số đồng nghiệp lâu nay chuyên bán nước, bánh... dạo. Chị bán bánh từ năm 18 tuổi. “Mỗi ngày tôi kiếm khoảng 200.000 đồng, vừa đủ trang trải cuộc sống, lo cho mẹ già. Bây giờ, có cầu Vàm Cống sắp thông xe, phà sẽ ít khách hơn, tiền kiếm ít hơn thì chúng tôi không biết làm công việc gì để nuôi gia đình”, chị Hà tâm sự.

“Dù vậy ai cũng vui, vì nhiều người không còn phải lụy phà và nhiều chuyến hành trình được rút ngắn. Thế nhưng không hiểu sao càng đến gần ngày thông xe cầu, anh em chúng tôi không giấu được sự tiếc nuối”, 1 lãnh đạo phà Vàm Cống, trải lòng.

Anh Phạm Trọng Hùng (45 tuổi) - vị thuyền trưởng đã gắn bó công việc lái phà trên 37 năm. “Lúc trước tôi đã làm ở Cần Thơ rồi trải qua tình trạng này rồi (cầu Cần Thơ thông xe). Khi có cầu Vàm Cống, đây là niềm mơ ước của mỗi người, xe cộ làm kinh tế phát triển nhanh chóng khi khỏi phải lụy phà.

Anh Phạm Trọng Hùng (45 tuổi). Vị thuyền trưởng đã gắn bó công việc lái phà trên 37 năm không giấu nỗi niềm - Ảnh: Tô Văn

Nhưng tôi không nghĩ ngày nào đó mình sẽ rời bến với tâm trạng khó tả như vậy. Với ngần ấy thời gian gắn bó với bến, với phà, mấy ai khỏi chạnh lòng khi phải vĩnh viễn rời xa nó. Tuổi mình chưa già, vẫn còn gắn bó với nghề này được”, anh Hùng bộc bạch.

Tô Văn

Khang Duy