Chuyện ở BV tâm thần - kỳ 1: Người cha làm tất cả vì cô con gái trẻ
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:14, 20/05/2019
Người đàn ông không thể cười
PV tìm đến Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ (tại KV.Bình Hòa A, P.Phước Thới, Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) vào buổi chiều muộn. Vì giữa tiết trời hè nắng nóng oi bức, chỉ có buổi tối mát mẻ, những bệnh nhân và người nuôi bệnh ở bệnh viện này mới thoải mái đi dạo trên con đường trước bệnh viện, ghé vào những quán cà phê ngồi nghe ngóng người khác nói chuyện…
Tại quán cà phê ngay trước cổng, mộtngười đàn ông nhỏ bé, già nua trong chiếc áo pijama màu xanh bạc màu, ngồi một mình trầm tư suy nghĩ. Ông chủ quán cà phê nói: “Ổng là khách quen của quán tôi đó, hơn 1 năm qua, ở đây nhiều hơn ở nhà”. Khi có người lân la hỏi chuyện, người đàn ông 65 tuổi này như được giải tỏa sự kìm nén bao lâu qua, ông kể về cuộc đời mình và con gái như không còn tương lai nữa. Câu chuyện của con gái ông buồn một thì nỗi buồn của ông lại vô biên…
“Con gái tôi học giỏi lắm, học có học bổng đàng hoàng. Vậy mà từ năm lớp 10 nó bị bệnh động kinh. Tự nhưng nó bị bệnh chứ trước đó nó khỏe mạnh bình thường”, ông lão bắt đầu câu chuyện. Ngày đầu tiên phát bệnh, Trần Thị Ngọc Quý (hiện 23 tuổi), con gái ông Năm, tự dưng lăn ra đất rồi co giật, sùi bọt mép.
Quá hoảng loạn, ông Năm đưa con gái đi cấp cứu rồi đưa thẳng đến Bệnh viện Biên Hòa (Đồng Nai) để điều trị. “Tôi ở ròng rã ở bệnh viện này 2 năm, thỉnh thoảng cũng có đưa con về nhà, nhưng rồi chưa được bao lâu nó lại phát bệnh lại phải đưa đi. Việc học hành của nó coi như đã chấm dứt, cuộc đời của nó cũng không còn được bình thường như người ta”, người cha già nói.
2 năm ở Biên Hòa, con gái ở trong bệnh viện, ông Năm thì ở trọ. Ngày ngày ông cầm xấp vé số đi bán kiếm tiền chữa bệnh cho con. Buổi trưa, ông tranh thủ tạt vào thăm con rồi lại mòn mỏi lê bước trong những ngõ ngách ở TP.Biên Hòa bán vé số. Chiều về, bán hết vé, ông lại tức tốc vào với con. Đến 1 ngày tiền ăn uống, thuốc men… lậm hết vốn liếng, nhớ quê hương, ông đưa con về tại mộttrung tâm điều trị tư ở Cần Thơ.
Con ôngđược điều trị thêm 1 năm ở đây rồi về nhà. Bệnh tình của cô cũng chưa thuyên giảm hẳn. Khi không phát bệnh thì còn nhớ cha nhớ mẹ, còn khi lên cơn, cô chẳng nhớ ai, chửi bới, đập phá đồ đạc, đuổi đánh cha mẹ. Ông Năm thở dài: “Tôi bị nó cầm dao rượt, chém hụt mấy lần. Còn đấm đá, cào cắn thì như cơm bữa. Mới tháng 2.2019 đây, nó trở bệnh, tôi phải trói tay chân nó lại đưa vô bệnh viện rồi ở tới giờ luôn”.
Trong suốt buổi trò chuyện, ông Năm cố gắng chứng tỏ mình lạc quan đủ khả năng để lo cho con gái. Nhưng điều đó thực sự không qua mắt được người khác khi nghe hết câu chuyện của ông. Ông cười một nụ cười mà không lý do, và nụ cười đó không thực sự là cười. Chỉ như là một cách tự an ủi, động viên bản thân mình. Ông làm sao có thể có được nụ cười thực sự được trong hoàn cảnh ấy, khi tương lai của ông và con gái là 1 bầu trời đen tối? “Mai mốt nếu tôi không còn sức nuôi con nữa, chắc tôi với nó uống thuốc mà chết”, ông lão nói mà mắt đỏ hoe.
Câu chuyện đang kể thì ở chiếc võng phía sau, mộtthanh niên bất ngờ cất tiếng hát to như không có ai hiện diện ở đó. Ông chủ quán, cười mà nói: “Nó là bệnh nhân ở đây, hay hát vậy đó chứ không dám làm gì ai đâu. Có mấy đứa còn bạo hơn, cởi hết áo quần chạy khắp nơi, hò hét bất kể thời gian. Nhìn mấy cảnh đó, tôi thấy sống được như người bình thường đã là hạnh phúc lắm rồi”.
Những con người cô đơn
Hai cha con đồng hành điều trị bệnh đã 6 năm qua, nhưng trong tâm khảm, họ là những người cô đơn. Không cô đơn sao được, khi ông Năm không thể chia sẻ buồn vui cuộc sống với con gái. Và chị Quý cũng không nhận biết được cuộc sống này có ý nghĩa gì thì làm sao san sẻ với cha.
Hằng ngày, họ trao đổi với nhau chỉ vài câu chuyện nhỏ, ông Năm nhắc nhở con uống thuốc đúng giờ, ăn uống đầy đủ. Chị Quý thì chỉ gọi ông khi cần nhờ làm việc gì đó. Ở độ tuổi này, lẽ ra đã nghỉ ngơi để con cháu phụng dưỡng thì ông Năm vẫn mang gánh nặng mọi mặt lên đôi vai nhỏ bé, cái lưng đã còng của mình.
Ông Năm và con gái 6 năm qua sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà - Ảnh: Thanh Nguyên
Với tình thương bao la của người cha, ông Năm luôn để chị Quý trong tầm mắt, sự quan tâm của mình gần như tuyệt đối. Ở bệnh viện thì có bác sĩ chăm sóc nhưng khi về nhà, nếu không đi làm thuê làm mướn thì ông chẳng dám đi đâu. Nếu có đi thì phải nhờ hết người này, người kia trông coi giúp. Gia đình ông Năm nghèo lắm, ông có vợ và 4 đứa con, 2 trai, 2 gái. 3 người con lớn đã có gia đình và sự nghiệp ở rất xa. Họ cũng tất bật mưu sinh, chỉ hỗ trợ cho ông một phần rất nhỏ.
Nhiều năm trước, gia đình ông còn được sổ hộ nghèo, nhưng khi các con đi làm, có gia đình, tách khẩu thì ông đã không được nhận bất cứ chế độ nào nữa. Từ tuổi thanh niên cho đến giờ, ông chỉ có độc nghề làm thuê làm mướn, khi vác lúa, khi đào đất, đắp bờ. Vợ của ông Năm cũng không còn nhiều sức khỏe, bệnh tình cũng “rày đây mai đó”, cuộc sống của đứa con gái út trông chờ vào tay người đàn ông 65 tuổi gánh vác. Ông Năm là người cô đơn về tất cả mọi mặt.
“Lúc nuôi con gái ở Biên Hòa, vốn liếng tôi dành dụm được nhiêu hết sạch rồi. Cũng còn may là bệnh tâm thần được nhà nước hỗ trợ điều trị nhiều nên cũng đỡ. Gọi là đỡ nhưng đối với tôi vẫn còn khổ lắm. Mỗi lần con nhập viện, tôi lại chạy đi mượn tiền. Con ra viện cũng phải mượn tiền để trả tiền thuốc. Chỉ đôi ba triệu thôi mà cũng không bao giờ tôi để dành được. Con về nhà ở thì tôi đi làm thuê trả nợ. Đến giờ vẫn còn nợ”, ông lão kể.
2 năm trước, mấy lần đưa con đi điều trị bệnh, ngồi nói chuyện với những người cùng hoàn cảnh. Ông Năm được họ chỉ làm đơn xin chế độ cho con gái. Ông mừng quýnh, về nhà cũng tìm tòi làm đơn, chứng giấy tờ. “Rồi con tôi cũng không được chế độ gì cả. Mới mấy tháng rồi, tôi lại nghe người ta chỉ, cũng làm đơn, chứng giấy trình ấp. Anh gì đó phụ trách mảng này bên xã hứa sẽ qua nhà tôi khảo sát, ảnh nói cũng được 3 tháng rồi mà tôi chẳng thấy đâu. Chắc tại tôi nghèo”, ông Năm thiệt tình nói.
“Nói thiệt, chứ bệnh gì thì cũng khổ rồi, nhưng bệnh tâm thần thì nó có cái khổ riêng lắm. Đi nuôi người bị bệnh khác, thì còn tâm sự, nói chuyện với nhau được. Còn nuôi người bệnh tâm thần thì phải trông coi để ý như trông trẻ em vậy”, mộtngười đi nuôi bệnh tham gia câu chuyện. Trên những ghế đá trong khuôn viên bệnh viện tâm thần, mỗi buổi chiều khi nắng tắt, những bệnh nhân rủ nhau ra ngồi hóng mát.
Họ nói với nhau những câu chuyện không đầukhông đuôi, không ai hiểu. Còn người thân của họ thì tranh thủ đi mua cơm chiều, đồ dùng sinh hoạt. Nếu có những câu chuyện được chia sẻ, chỉ có thể là từ những người đi nuôi bệnh kể cho nhau nghe. Rồi khi kết thúc câu chuyện đó, họ lại trở về với nỗi cô đơn của mình.
(còn tiếp)
Thanh Nguyên