Béo phì ở tuổi thiếu niên làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:50, 20/05/2019
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, gần một phần năm trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới bị thừa cân hoặc béo phì.
Trẻ em và thiếu niên được coi là béo phì khi chỉ số khối cơ thể (BMI), tỷ lệ giữa cân nặng và chiều cao, cao hơn chỉ số của 95% thanh thiếu niên khác cùng độ tuổi và giới tính. Trẻ được xem là thừa cân nếu chỉ số BMI nằm trong phạm vi từ thứ 85 đến 95 bách phân vị.
Để kiểm tra mối liên quan giữa béo phì và ung thư tuyến tụy, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu cân nặng cho gần 1,1 triệu nam giới và hơn 707.000 phụ nữ đã khám sức khỏe bắt buộc ở độ tuổi 16-19.
Sau đó, khi một nửa số người trong nghiên cứu được theo dõi trong ít nhất 23 năm, các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu đăng ký ung thư quốc gia để xem liệu những ai trong số họ phát triển các khối u tuyến tụy.
Trong thời gian này, có 423 nam giới và 128 phụ nữ có chẩn đoán ung thư tuyến tụy.
Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng, người thừa cân dưới 50 tuổi có nguy cơ tử vong vì ung thư tuyến tụy cao hơn người thừa cân cao tuổi.
Cụ thể, mỗi lần BMI lên 5 đơn vị (khoảng 14,5 kg đối với một người trưởng thành cao 1,7 m), nguy cơ tử vong do ung thư tuyến tụy ở nhóm tuổi 30 - 49 tăng 25%, nhiều hơn đáng kể so với nhóm 50 - 59 tuổi (19%), nhóm 60 -69 tuổi (14%) và nhóm 70 - 89 tuổi (13%).
Kết quả nghiên cứu cho thấy: trước mắt cần đề phòng và giảm nguy cơ ung thư tuyến tụy. Đồng thời, cần cố gắng hơn nữa trong việc ngăn chặn thừa cân ở trẻ em và người trẻ tuổi - Tiến sĩ Eric J. Jacobs, Giám đốc khoa học cao cấp tại Phòng Nghiên cứu Dịch tễ thuộc Hiệp hội Ung thư Mỹ nhận định.
Ung thư tuyến tụy không phổ biến nhưng tỷ lệ sống sót trong 5 năm chỉ rơi vào khoảng 8,5%. Tại Mỹ, ung thư tuyến tụy gây chết người nhiều thứ ba, chỉ sau ung thư phổi và ung thư trực tràng.
Diễm Chi