Mổ 3 con heo, phát hiện vật nghi cát lợn quý giá

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 21:57, 21/05/2019

Vật lạ cứng có màu vàng sẫm, hình bầu dục, xung quanh có rất nhiều lông và tỏa ra mùi thơm thuốc Bắc.

Ngày 21.5, anh Trần Ngọc Tâm Em (SN 1987, ngụ ấp Thị 1, TT.Chợ Mới, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang), cho biết, đang lưu giữ 3 vật lạ tại nhà riêng mà nhiều người hiểu biết thường cho rằng “cát lợn” cực kỳ quý hiếm.

Theo anh Tâm Em: “Rạng sáng 20.5, trong lúc đang gia công thuê cho cơ sở giết mổ tập trung tại khu vực ấp Thị 2, TT.Chợ Mới, thì chúng tôi phát hiện đến 3 vật lạ nằm bên trong ruột heo của 3 con heo đã mổ.

Bất ngờ và nhìn vật lạ này sao giống như tổ chim được làm bằng cỏ khô, chúng tôi quyết định đem đi rửa sạch thì vật lạ này càng bất ngờ hơn, khi tỏa mùi thơm nhẹ giống như trầm hương. Mặc dù chưa biết đây là vật gì nên tôi bỏ vào bọc nhựa mang về nhà phơi khô để dành xem chơi.

Thấy là lạ, tôi liền đăng thử 3 vật lạ này lên kênh Youtube thì nhiều người khẳng định đây là cát lợn quý hiếm nên hỏi mua với nhiều mức giá khác nhau, mới đầu họ kêu giá từ 50 triệu đồng rồi đến cả tỉ đồng nhưng tôi vẫn chưa chịu bán”, anh Tâm Em nói.

Cũng theo anh Tâm Em, sau khi anh phơi nó liên tiếp trong 2 ngày cho thật khô thì anh dùng giấy gói lại rồi đưa vào hộp để bảo quản cẩn thận. Khi mở ra ngửi thử thì vẫn có mùi thơm nhẹ như lúc ban đầu nên anh nghĩ chắc chắn là cát lợn thật.

Cát lợn còn gọi là trư sa (hay còn gọi là trư bảo) là vật kết tụ vật chất trong hệ tiêu hóa của con lợn cũng như trong dạ dày… Do sự kết tụ lâu ngày trong những điều kiện bất lợi nên loài vật chất này giống như 1 viên ngọc quý. Cát lợn được tạo thành nếu thời gian đủ dài sẽ có mùi thơm thảo mộc nhẹ nhàng. Những con lợn có trư sa thường ít lông, ăn ít, thân nhiệt cao, mình gầy gò, hai mắt có lúc đỏ, liên tục réo suốt ngày đêm.

Theo dân gian Trung Quốc, cát lợn được cho là dược liệu quý có tính vị mát, vị ngọt chuyển sang đắng, có tác dụng đối với tâm và can, vị thơm như thuốc Bắc và được cho là có giá trị cao trong y học và kinh tế.

Trong Đông y cổ xưa đã sử dụng cát lợn để hỗ trợ điều trị các bệnh như an thần, động kinh, hốt hoảng lo âu, trị mất ngủ, hôn mê, thanh nhiệt, giải độc, tiêu đàm và nhiều tác dụng khác…

Tuy nhiên, trong y học hiện đại vẫn chưa có nhận định nào về công dụng của cát lợn. Và nhiều người ở Tiền Giang, Sóc Trăng… tìm thấy cát lợn, nhưng chưa hề có thông tin họ bán được hay không, giá bao nhiêu…

Tô Văn

Khang Duy