Malaysia trả rác nhựa cho các nước phát triển
Quốc tế - Ngày đăng : 15:00, 22/05/2019
Malaysia trong năm ngoái trở thành điểm đến hàng đầu cho nhựa phế liệu sau khi Trung Quốc cấm nhập loại rác thải này. Hàng chục cơ sở tái chế chẳng có giấy phép mọc lên tại quốc gia Đông Nam Á, khiến người dân liên tục phàn nàn về tình trạng ô nhiễm môi trường.
Hầu hết nhựa phế liệu đưa sang Malaysia đều độc hại và chất lượng thấp, thuộc loại không thể tái chế thải ra từ các nước phát triển. Bộ trưởng Môi trường Yeo Bee Yin cáo buộc một số rác nhập vào nước này vi phạm Công ước Basel của Liên Hợp Quốc về buôn bán - xử lý nhựa phế liệu.
Do đó, Malaysia nay bắt đầu gửi lại rác thải về nơi bắt nguồn. Giới chức Kuala Lumpur đã chuyển 5 container rác nhựa nhập lậu trở lại Tây Ban Nha (đang điều tra xác định đối tượng nhập lậu). Nhiều rác nhựa nữa sắp bị gửi trả.
Theo Bộ trưởng Yeo: “Các nước phát triển phải có trách nhiệm với thứ họ gửi đi”.
Từ tháng 1 đến tháng 7.2018, lượng rác nhựa nhập vào Malaysia từ 10 quốc gia lên đến 456.000 tấn - cao hơn 316.000 tấn của toàn năm 2017. Mỹ, Nhật Bản, Anh, Úc là một trong những quốc gia xuất rác nhựa sang Malaysia nhiều nhất.
Nhựa không thể tái chế khi đốt sẽ giải phóng nhiều chất độc hại ra khí quyển, nếu chôn lấp cũng có khảnăng gây ô nhiễm đất và nước.
Rác thải là vấn đề đem đến căng thẳng cho quan hệ Philippines - Canada thời gian qua. Ít nhất 103 container chứa rác thải sinh hoạt (chai cùng túi nhựa, giấy báo, tã lót) được chuyển thành từng đợt từ Canada đến Philippines trong hai năm 2013 và 2014. Phần lớn trong số này vẫn nằm tại hai cảng Manila với Subic, làm dấy lên làn sóng phản đối từ nhiều nhà đấu tranh bảo vệ môi trường.
Giới chức Philippines yêu cầu Canada thu hồi, nhưng quá thời hạn 15.5 mà chính quyền Ottawa không thực hiện cam kết lấy lại số rác. Phía Manila phản ứng bằng cách triệu hồi Đại sứ cùng các Lãnh sự về nước.
Hai trường hợp của Malaysia cùng Philippines gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ Đông Nam Á trở thành nơi tập kết rác thải thựa thay thế Trung Quốc. Tổ chức chống đốt rác GAIA vào tháng 4 xác định do không có lệnh cấm nhập khẩu nên Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam chuẩn bị đón một lượng rác nhựa độc hại từ các nước phát triển.
Hiện tại, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam đều đã ban hành hạn chế nhập khẩu rác nhựa.
Cẩm Bình (theo Reuters, Rappler)