Nhật Bản yêu cầu truyền thông nước ngoài viết tên riêng người Nhật đúng cách
Quốc tế - Ngày đăng : 15:53, 23/05/2019
Đây là yêu cầu do Ngoại trưởng Nhật Taro Kono (theo cách viết từ trước đến nay) đưa ra. Như vậy tên của ông phải là Kono Taro, và sau này Thủ tướng Shinzo Abe đổi thành Abe Shinzo.
Ngoại trưởng Kono đề nghị thay đổi nêu trên cần được thực hiện cho kịp thời điểm diễn ra hội nghị G-20 (20 nền kinh tế lớn nhất thế giới) tại Osaka cuối tháng 6 tới. Phương tiện truyền thông Nhật có phiên bản tiếng Anh nên áp dụng trước tiên.
Thói quen đặt tên trước họ được chấp nhận rộng rãi vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, khi Nhật mong muốn đi theo mô hình hiện đại hóa châu Âu.
Tuy vậy quan điểm người dân cũng có chia rẽ. Cuộc thăm dò năm 2000 do một cơ quan văn hóa thực hiện cho kết quả 34,9% trường hợp tham gia khảo sát thích cách viết họ trước tên sau truyền thống, 30,6% thích cách viết phương Tây, 29,6% không ưu tiên cách nào cả.
Một số người nhận định yêu cầu khôi phục cách viết tên truyền thống nhằm mục đích làm tăng sự tự tin về văn hóa lẫn lịch sử, giữa lúc Nhật Bản chuẩn bị tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn như hội nghị G-20 năm 2019, Olympics năm 2020.
Bộ trưởng Giáo dục Nhật Masahiko Shibayama ủng hộ khôi phục cách viết tên truyền thống. Bộ Giáo dục trong tuần này sẽ kêu gọi các tổ chức giáo dục và phương tiện truyền thông tiến hành thay đổi.
Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga thừa nhận thay đổi khá rắc rối.
Cách viết họ trước tên sau hiện đã phổ biến trong giáo trình cho học sinh trung học, nhưng yêu cầu của Ngoại trưởng Kono có nguy cơ gặp phải phản đối mạnh mẽ từ những công ty Nhật làm ăn toàn cầu áp dụng cách viết tên phương Tây.
Trước đó, nước này cũng có động thái tôn vinh giá trị Nhật Bản khi đặt niên hiệu mới Reiwa (Lệnh Hòa). Đây là niên hiệu đầu tiên dựa trên điển Nhật, thay vì dùng điển tích Trung Quốc như trước.
Cẩm Bình (theo The Guardian)